Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Đừng biến 'lão' Chùa Cầu thành đứa trẻ một tuổi

"Trùng tu Chùa Cầu là rất bức thiết. Tuy nhiên, trước khi sửa chữa mà chưa đánh giá, chuẩn bị chu đáo rất có thể cây cầu 400 năm tuổi ở Hội An bị trẻ hóa", ông Nguyễn Sự nói.

Trao đổi với Zing.vn về những vấn đề liên quan đến đề xuất hạ giải Chùa Cầu để trùng tu, ông Nguyễn Sự - nguyên Bí thư Thành ủy Hội An (tỉnh Quảng Nam), có nhiều phân tích đáng chú ý.  

Cây cầu 400 tuổi có nguy cơ đổ sập

- Giá trị của Chùa Cầu đối với TP Hội An thế nào, thưa ông?

- Chiếc cầu này được các thương nhân người Nhật Bản góp tiền xây dựng vào khoảng thế kỷ 17, nên đôi khi người ta còn gọi là cầu Nhật Bản. Do ảnh hưởng của thiên tai, Chùa Cầu đã qua nhiều lần trùng tu và dần mất đi các yếu tố kiến trúc Nhật Bản, thay vào đó là kiến trúc mang đậm phong cách Việt, Hoa.

Chua Cau Hoi An xuong cap nghiem trong anh 1
Ông Nguyễn Sự. Ảnh: Đoàn Nguyên.

Chùa Cầu có dáng hình chữ Công, mặt cầu bằng ván gỗ cong vòng ở giữa, bắt qua con lạch thông ra sông Hoài. Cầu có mái che uốn cong mềm mại và được chạm trổ nhiều họa tiết tinh xảo. Trên cửa chính của Chùa Cầu có chạm nổi 3 chữ Hán là Lai Viễn Kiều (có nghĩa là cầu của những người bạn từ xa đến) – tên do chúa Nguyễn Phúc Chu đặt trong một lần viếng thăm Hội An vào năm 1719.

Trên sườn cầu có một ngôi miếu nhỏ thờ thần Bắc Đế Trấn Vũ – thần chuyên trấn trị phong ba, lũ lụt theo tín ngưỡng của người Trung Hoa. Ở hai đầu cầu có đặt hai nhóm tượng khỉ và chó bằng gỗ ngồi chầu. Lai lịch của Chùa Cầu gắn liền với truyền thuyết về con Cù – một loài thuỷ quái có đầu nằm ở ấn Độ, mình ở Việt Nam và phần đuôi ở tận Nhật Bản. Mỗi lần Cù cựa quậy là gây ra lũ lụt, động đất ở những nơi này.

Ngôi chùa được coi như là một thanh kiếm đâm xuống lưng con quái vật, khiến nó không quẫy đuôi, gây ra những trận động đất.Vì vậy, ngoài việc xây cầu để phục vụ giao thông, người xưa còn có hàm ý trấn yểm loài thuỷ quái, giữ cho cuộc sống yên bình.

Chua Cau Hoi An xuong cap nghiem trong anh 2
Toàn cảnh Chùa Cầu ở Hội An. Ảnh: Đoàn Nguyên.

Chùa Cầu được công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia năm 1990. Với người dân phố Hội, chùa Cầu là linh hồn, là biểu tượng tồn tại hơn bốn thế kỷ qua. Đến Hội An mà chưa ghé thăm chùa Cầu thì coi như chưa đến. 

- Ông đánh giá thề nào về thực trạng xuống cấp của cây cầu này?

- Theo đánh giá của các nhà khoa học, kết cấu khung bao gồm hệ cột, giằng và vì kèo cơ bản còn đủ khả năng chịu được trọng tải của thân cầu trong điều kiện bình thường. Tuy nhiên, nhiều bộ phận kết cấu bị rạn nứt, bị mục cần gia cố, thay thế.

Một số đầu và cuối các bộ phận kết cấu hoặc đầu cột và chân cột bị nứt và mục. Các mối nối, liên kết bị cong vênh, nhả mộng và không đảm bảo chắc chắn. Kết cấu dầm đỡ và sàn đỡ đáy xuất hiện một số vùng không đủ khả năng làm việc an toàn trong điều kiện bất lợi và có dấu hiệu nguy hiểm. Một số kết cấu dầm thép được thay thế đã bị gỉ và đứt gãy… 

- Để "cứu" nguy cho Chùa Cầu nên làm gì?

- Khi còn đương chức, tôi đã 7 lần mời các nhà khoa học, nghệ nhân làng mộc Kim Bồng về trùng tu, sửa chữa. Tuy nhiên, những lần sửa chữa này cũng chỉ là giải pháp tình thế bằng cách gia cố đơn thuần. Bây giờ, sự xuống cấp đã trầm trọng hơn nên nếu không có biện pháp trùng tu thì cây cầu này có nguy cơ sập đổ bất cứ lúc nào.

Chưa hiểu thì tuyệt đối không nên hạ giải

 

- Tại một hội thảo khoa học mới đây, một số ý kiến cho rằng cần phải hạ giải cây cầu này để sửa chữa. Quan điểm của ông về đề xuất này?

- Hôm đó, khi nghe một số nhà khoa học nêu ý kiến hạ giải Chùa Cầu, tôi đã chất vấn ngay: "Các anh hạ giải rồi sẽ làm gì? Mọi người có biết từng chi tiết hoa văn trên từng thớ gỗ có ý nghĩa như thế nào? Nguyên liệu để làm cây cầu này là những gì? Tất cả những câu hỏi trên, chưa ai trả lời được thì làm sao hạ giải được".

Cách đây hai năm, Hội An tặng cho tỉnh Thanh Hóa một cây Chùa Cầu giống đến 80%. Điều đó có nghĩa, với trình độ khoa học, kỹ thuật hiện nay thì chúng ta làm một cây cầu mới gần giống cây cầu này không khó. Thậm chí, mọi người có thể làm được một cây Chùa Cầu khác đẹp hơn cây cầu này rất nhiều.

Tuy nhiên, cây cầu mới làm đó không phải là Chùa Cầu 400 tuổi ở Hội An. Theo tôi, khi mọi người chưa hiểu hết về ý nghĩa, kiến trúc của cây cầu này, thì tuyệt đối không nên hạ giải.

Chua Cau Hoi An xuong cap nghiem trong anh 3
Vết nứt bên trong Chùa Cầu. Ảnh: Đoàn Nguyên.

Vì khi hạ xuống chúng ta sẽ trùng tu phần thượng bộ, sau đó dùng tác động của cơ học để lắp ghép lại. Nhưng như tôi đã nói ở trên, mỗi một chi tiết hoa văn trên từng viên ngói, thanh gỗ đều có "hồn" riêng. Do đó, nếu không cẩn thận anh sẽ thay cái hồn đó bằng một thứ khác.

- Vậy giải pháp căn cơ nhất là gì?

- Chùa Cầu có khoảng 400 năm tuổi nên bây giờ không thể đòi hỏi nó mạnh khỏe như trai tráng được. Việc Chùa Cầu xuống cấp cần phải trùng tu, sửa chữa và không thể bàn mãi. Cái gì hư hỏng, xuống cấp là phải trùng tu. Tuy nhiên, trùng tu như thế nào để giữ lại Chùa Cầu không sụp đổ, giữ di tích lâu dài.

Các ý tháo dỡ toàn bộ đó của nhà khoa học tôi cũng ủng hộ, nhưng phải có giải pháp cụ thể từng chi tiết, cụ thể, không nên vội vàng được. Phần nào hư thì sửa, chứ đừng nên làm xáo trộn hết hoa văn của Chùa Cầu và không thay đổi hết cái mới.

Nếu quyết tháo gỡ thì Chùa Cầu sẽ bị chẻ ra, đã gọi là di tích thì phải giữ lại cái nét cổ xưa của nó. Ngoài ra, những tay nghề hiện đại chưa chắc giữ được như di tích đã có. Cần phải tiếp tục nghiên cứu, khi có giải pháp hãy tính đến phương án, nôn nóng thì không nên. Đừng biến “lão” Chùa Cầu thành một đứa trẻ mới một tuổi. Vội vàng là coi như biến Chùa Cầu từ thế kỷ 16 thành thế kỷ 21 thì ai ngó cho được.

Hội An chưa lựa chọn phương án nào

Ông Nguyễn Văn Dũng - Chủ tịch UBND TP Hội An cho biết, hiện nay Chùa Cầu đã xuống cấp trầm trọng nên cần được sửa sang, tu bổ lại kịp thời để phục vụ người dân và khách du lịch. 

Hiện có hai luồng ý kiến, thứ nhất là sửa từng phần của Chùa Cầu, tức hư đâu sửa đấy. Luồng ý kiến thứ hai cho rằng nên tháo dỡ toàn bộ Chùa Cầu để xây dựng lại. Chính quyền Hội An vẫn chưa đưa ra phương án lựa chọn nào.

"Trước mắt, Hội An ghi nhận những ý kiến của chuyên gia, thời gian tới sẽ có các đoàn liên ngành kiểm tra lại thực trạng hư hỏng của chùa Cầu rồi đưa ra phương án phù hợp nhất. Quan điểm của chúng tôi là không để mất đi hay làm "trẻ hóa" Chùa Cầu như mọi người lo lắng", ông Dũng khẳng định.

Sự xuống cấp của Chùa Cầu Hội An

Sau 7 lần trùng tu, Chùa Cầu (Hội An, Quảng Nam) vẫn bị xuống cấp nghiêm trọng. Nếu không sửa chữa, công trình biểu tượng này dễ có nguy cơ sập bất cứ lúc nào.

 

 



Đoàn Nguyên

Bạn có thể quan tâm