Chính phủ Đức và Pháp và Italy ngày 15/3 đình chỉ việc sử dụng vaccine Covid-19 của hãng AstraZeneca do lo ngại nguy cơ gây đông máu của loại vaccine này, theo Guardian.
Bộ Y tế Đức cho biết quyết định đình chỉ nói trên được coi là "biện pháp phòng ngừa" và dựa trên khuyến cáo của Viện Paul Ehrlich, tức cơ quan quản lý vaccine quốc gia Đức.
Viện này đang kêu gọi điều tra thêm về các trường hợp xuất hiện tác dụng phụ khi được tiêm vaccine Covid-19 của hãng AstraZeneca, theo AP.
Trong tuyên bố, Bộ Y tế Đức cho biết Cơ quan Dược phẩm châu Âu sẽ quyết định “liệu thông tin mới có ảnh hưởng đến việc cấp phép vaccine hay không và sẽ ảnh hưởng như thế nào".
Cùng ngày, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron thông báo nước này sẽ ngừng triển khai vaccine Covid-19 của AstraZeneca để chờ đánh giá từ Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA), dự kiến được công bố ngày 16/3.
Cơ quan quản lý dược phẩm Italy (AIFA) cũng tuyên bố ngừng tiêm vaccine AstraZeneca trên cả nước. Đây là biện pháp tạm thời và để đề phòng trong khi chờ báo cáo của EMA.
Một số quốc gia đã đình chỉ việc sử dụng vaccine Covid-19 của hãng AstraZeneca do lo ngại về tác dụng phụ. Ảnh: Reuters. |
Trước đó, các nhà chức trách ở Ireland, Đan Mạch, Na Uy, Iceland và Hà Lan đã đình chỉ việc sử dụng vaccine Covid-19 của hãng này vì lo ngại nguy cơ đông máu.
Cho tới nay, 15 quốc gia tại châu Âu dừng tiêm toàn bộ hoặc một phần lô vaccine Covid-19 của AstraZeneca do lo ngại xảy ra tình trạng đông máu, đã được ghi nhận ở Đan Mạch và Na Uy.
Hôm 15/3, bộ trưởng Y tế Indonesia cho biết nước này sẽ trì hoãn việc sử dụng vaccine Covid-19 của hãng AstraZeneca và chờ đánh giá từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Cùng ngày này, chính phủ Thái Lan tuyên bố sẽ bắt đầu tiêm vaccine Covid-19 của AstraZeneca từ ngày 16/3, sau một thời gian ngắn lo ngại về mức độ an toàn của loại vaccine này. Những người được tiêm đầu tiên là Thủ tướng Prayuth Chan-ocha và các bộ trưởng trong nội các.
Đến ngày 14/3, hãng AstraZeneca cho biết đã thực hiện "đánh giá cẩn thận" dữ liệu từ hơn 17 triệu người được tiêm chủng ở Anh và Liên minh châu Âu, từ đó cho thấy "không có bằng chứng về việc tăng nguy cơ thuyên tắc phổi, huyết khối tĩnh mạch sâu hoặc giảm tiểu cầu".