Ông cho biết thêm Bộ trưởng Quốc phòng Đức Christine Lambrecht đã thống nhất kế hoạch này với người đồng cấp Ukraine trong một cuộc hội đàm trực tuyến.
Trong khi đó, theo một nguồn tin chính phủ, số pháo phòng không tự hành Gepard này sẽ được chuyển giao với một lượng đạn "đủ dùng". Nguồn tin cho biết thêm có đủ số đạn cho gần 100 lần tải, với mỗi lần tải có thể tấn công 25 mục tiêu.
Chính quyền Kyiv ngày càng tăng cường kêu gọi viện trợ vũ khí hạng nặng kể từ khi Moscow chuyển hỏa lực mạnh nhất đến miền Đông và miền Nam Ukraine.
Trước đó, vào cuối tháng 4, Berlin lần đầu tuyên bố sẽ cung cấp vũ khí hạng nặng cho Kyiv, cụ thể là tổ hợp pháo phòng không tự hành Gepard, sau khi nhận nhiều chỉ trích về việc trì hoãn hành động này.
Đức cũng cam kết cung cấp 7 xe pháo tự hành cho Kyiv và bắt đầu huấn luyện quân đội Ukraine cách sử dụng các thiết bị này.
Xe tăng phòng không Gepard của Đức. Ảnh: Defense Brief. |
Trước đó, Thủ tướng Đức Olaf Scholz vẫn kiên trì với lập luận rằng ưu tiên hàng đầu của NATO là tránh đối đầu với Nga. Để bảo vệ mục tiêu này, việc cung cấp vũ khí hạng nặng cho Ukraine cần được cân nhắc kỹ, tránh khiêu khích Moscow châm ngòi cho Chiến tranh thế giới 3.
Chính phủ Đức cũng đưa ra lý do rằng quân đội nước này không còn đủ mức độ vũ khí dự trữ để bảo đảm an ninh quốc phòng trong nước, hoặc binh sĩ Ukraine sẽ cần nhiều thời gian để học sử dụng các vũ khí mà Đức có.
Do đó, Berlin chọn cách hỗ trợ tài chính cho Kyiv, đồng thời cung cấp các loại vũ khí hiện đại cho các thành viên NATO ở Đông Âu, sau đó các nước này sẽ chuyển giao vũ khí sản xuất từ thời Liên Xô cho Ukraine.
Việc Thủ tướng Olaf Scholz thay đổi quan điểm, tuyên bố cho phép chuyển giao pháo phòng không cho Ukraine vào ngày 26/4 vừa là điều gây bất ngờ, vừa là tín hiệu cho thấy sự chuyển hướng đáng chú ý trong chính sách của Berlin.