Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy đã thúc giục phương Tây tăng cường trừng phạt lên Moscow, bao gồm tẩy chay lĩnh vực dầu khí của nước này. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken ngày 6/3 cũng cho biết Mỹ và châu Âu có cuộc thảo luận "rất chủ động" nhắm đến nguồn nhiên liệu của Nga.
Tuy nhiên, Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock cho biết động thái trên không thể duy trì lâu dài.
"Sẽ là vô nghĩa nếu sau ba tuần chúng ta nhận ra lượng điện ở Đức chỉ đủ cho vài ngày, buộc chúng ta phải rút lại các lệnh trừng phạt", bà Baerbock nói.
AFP dẫn lời ngoại trưởng Đức cho biết thêm nước này đã sẵn sàng "trả giá đắt về kinh tế", nhưng không thể đối đầu Nga nếu Đức hay châu Âu mất điện.
Đức là quốc gia phụ thuộc lớn vào nguồn năng lượng Nga, khi nhập khẩu 55% sản lượng khí đốt, cùng 42% dầu và than đá.
Giá khí đốt tại châu Âu tăng vọt khi các nước lo ngại gián đoạn nguồn cung. Giá dầu Brent gần chạm mốc 140 USD/thùng, mức cao nhất kể từ năm 2008.
Công ty vận hành dự án Nord Stream 2 - nối đường ống dẫn dầu khí giữa Nga và Đức - đã nộp đơn xin phá sản do lệnh trừng phạt. Ảnh: AP. |
Bộ trưởng Tài chính Đức Christian Lindner cũng hoài nghi về các lệnh cấm dầu mỏ đối với Nga.
"Chúng ta không nên thử thách giới hạn về khả năng tự cung (dầu khí)", ông nói với Bild.
Theo ông Lindner, thay vì tẩy chay năng lượng Nga, các lệnh trừng phạt nên nhắm vào giới tinh hoa thân cận với Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Mỹ và châu Âu ngày 3/3 đã gia tăng trừng phạt các nhà tài phiệt có quan hệ với Điện Kremlin. Pháp và Italy cho biết đã tịch thu những du thuyền của những tỷ phú Nga.