Moscow cáo buộc các nhà ngoại giao của Đức, Ba Lan và Thụy Điển tham gia biểu tình sau khi lãnh đạo phe đối lập tại Nga, Aleksei Navalny, bị tống giam. Cả ba nước, đều là thành viên Liên minh châu Âu (EU), phủ nhận cáo buộc này.
Song các hành động của Moscow được giới quan sát đánh giá là nghiêm trọng hơn, thể hiện sự xúc phạm có tính toán đối với EU và người đứng đầu về chính sách đối ngoại của khối. Việc trục xuất được Nga thông báo khi Cao ủy Đối ngoại EU, Josep Borrell Fontelles, đang tham gia một cuộc họp báo với người đồng cấp Nga tại Moscow, theo New York Times.
Sau khi Nga từ chối hủy bỏ quyết định trục xuất, Đức, Ba Lan và Thụy Điển đã đáp lại theo kiểu ngoại giao truyền thống bằng cách trục xuất một nhà ngoại giao Nga tại mỗi nước.
Trong một tuyên bố, Bộ Ngoại giao Đức nhắc lại lập trường rằng động thái của Nga "hoàn toàn vô lý". Nhà ngoại giao Đức bị trục xuất đã "quan sát các diễn biến ở Nga bằng các cách thức hợp pháp", họ cho biết.
Đại sứ quán Nga tại Berlin. Ảnh: AFP/Getty. |
Ngoại trưởng Thụy Điển Ann Linde nói trên Twitter rằng việc nước này trục xuất nhà ngoại giao Nga là "phản ứng rõ ràng trước quyết định không thể chấp nhận được (của Nga) trong việc trục xuất một nhà ngoại giao Thụy Điển chỉ đang thực thi nhiệm vụ của mình".
Bộ Ngoại giao Ba Lan cũng đưa ra tuyên bố tương tự, nói họ phản ứng với việc Nga "trục xuất nhà ngoại giao Ba Lan một cách vô cớ".
Cuối ngày 8/2, phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova nói trên truyền hình nhà nước rằng việc trục xuất các nhà ngoại giao Nga là "bất hợp lý, không thân thiện và là sự tiếp nối của một loạt hành động mà phương Tây đang thực hiện chống lại đất nước chúng tôi, mà chúng tôi cho là can thiệp vào công việc nội bộ".
Chuyến thăm Nga của ông Borrell đã gây tranh cãi ngay từ đầu vì diễn ra hai ngày sau khi ông Navalny bị kết án. Ông Borrell cho rằng chuyến đi là nỗ lực quan trọng nhằm xây dựng quan hệ tốt hơn với Nga, đối tác thương mại quan trọng, và là cơ hội để đích thân tuyên bố châu Âu muốn ông Navalny được trả tự do.
Song một số quốc gia thành viên, như Ba Lan và các quốc gia Baltic, cho rằng thời điểm không phù hợp. Ông Borrell cũng bị chỉ trích vì đã không đến thăm ông Navalny và về cách ông cư xử, đặc biệt là trong cuộc họp báo với Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov.
Ông Borrell đã để yên cho ông Lavrov gọi EU là "đối tác không đáng tin cậy" và cáo buộc các nhà lãnh đạo châu Âu nói dối về trách nhiệm của Nga trong vụ ông Navalny bị đầu độc bằng chất độc thần kinh dùng trong quân sự.
Cao ủy EU đáp lời rằng "mối quan hệ của chúng ta thực sự đang ở vào thời điểm khó khăn", nói thêm rằng "chắc chắn quan hệ của chúng ta đang có những căng thẳng nghiêm trọng và vụ Navalny là một điểm thấp".
Một số thành viên của Nghị viện châu Âu đã kêu gọi ông Borrell từ chức. Song Eric Mamer, phát ngôn viên của Ủy ban châu Âu, cho biết: "Một chuyến đi không phải là thành công hay thất bại dựa trên những gì xảy ra tại một thời điểm cụ thể".
Chuyến đi của ông Borrell một phần là để thông báo về cuộc tranh luận của EU về quan hệ với Nga. Các bộ trưởng ngoại giao của khối sẽ tranh luận về vấn đề này vào ngày 22/2, trước khi lãnh đạo các nước EU gặp nhau tại hội nghị thượng đỉnh vào cuối tháng 3 và có thể đưa ra các lệnh trừng phạt mới với Nga.