Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Dubai: Thị trường dễ tính

"Người Trung Đông rất thiện cảm với hình ảnh Việt Nam, và đây là cơ hội của chúng ta”, đại diện một doanh nghiệp Việt đang mở rộng ở Dubai chia sẻ.

Dubai là thị trường gần như không có thuế nhập khẩu. Là một trong 7 tiểu vương quốc thuộc Các tiểu vương quốc Ả - rập Thống nhất (UAE), Dubai từ lâu được biết đến như một trung tâm thương mại lớn nhất khu vực Trung Đông, và là cửa ngõ để thâm nhập nhiều thị trường.

Ông Đinh Công Tuấn, Tổng giám đốc Công ty Vietgate, cho biết, hiện đã có những đơn hàng từ Dubai đối với hàng hóa của Việt Nam, chẳng hạn như thanh long, chanh không hạt, cá ngừ đông lạnh, tôm, phi lê cá basa... Riêng về thủy sản, doanh nghiệp Dubai cần mua thủy sản các loại từ Việt Nam, với số lượng khoảng 1.000 tấn mỗi tháng.

Theo Tổng cục Hải quan, trong năm 2014, Việt Nam xuất khẩu sang UAE hàng hóa với tổng giá trị 4,62 tỷ USD. Tuy nhiên, trong đó có đến 3,63 tỷ USD là điện thoại các loại và linh kiện. Tiếp đến là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, cuối cùng là hàng dệt may. Như vậy, hàng tiêu dùng và thực phẩm của Việt Nam vẫn còn khá vắng bóng trên thị trường đầy tiềm năng này.

Thực phẩm bán vào Dubai có chứng nhận Halal thì thị trường này sẽ tiếp nhận. Dubai lại có những quy định về an toàn thực phẩm với tiêu chuẩn khá phù hợp với chuẩn mực của hàng hóa Việt Nam. Hàng hoá nhập khẩu vào Dubai không bị ràng buộc bởi hạn ngạch xuất nhập khẩu, không gặp rào cản đặc biệt nào về chính sách nhập, thủ tục hải quan, chứng nhận xuất xứ, chất lượng, quy cách sản phẩm... Do đó, cạnh tranh cũng không ít và hàng hóa Việt Nam muốn xuất khẩu vào thị trường này phải có chất lượng khá, giá phải cạnh tranh.

Năm 2014, Việt Nam xuất khẩu sang UAE hàng hóa với tổng giá trị <abbr class=4,62 tỷ USD." src="" data-src="https://photo.znews.vn/Uploaded/uopuoka/2015_06_10/uae_dubai_6167536.jpg" />

Năm 2014, Việt Nam xuất khẩu sang UAE hàng hóa với tổng giá trị 4,62 tỷ USD.

Cách đây không lâu, chính quyền Dubai đã tuyên bố sẽ đầu tư 754 tỷ USD vào cơ sở hạ tầng. Chính phủ 6 nước thuộc Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) đã thông qua một chương trình đầu tư và khuyến khích đầu tư vào cơ sở hạ tầng và bất động sản, với tổng mức đầu tư lên tới 5.000 tỷ USD trong kế hoạch 2015-2020.

Trước cơ hội này, một số doanh nghiệp vật liệu xây dựng của Việt Nam đã tham gia thị trường tiềm năng này. Cụ thể, gạch trang trí Vĩnh Cửu là một trong những doanh nghiệp mở rộng thị trường Trung Đông thông qua cửa ngõ Dubai. Doanh nghiệp này đã xây dựng đại lý phân phối và mở rộng hệ thống cửa hàng giới thiệu, để tăng cường tiếp cận khách hàng tại Dubai.

Cũng như Vĩnh Cửu, các doanh nghiệp khác đã khá chắc chân và có thương hiệu tại thị trường trong nước như Dekko, Prime, Nhựa Tiền Phong, Cát Tường, Đạt Hòa… đều coi Dubai là cứ điểm quan trọng trong chiến lược xuất khẩu.

Khu vực này chấp nhận sự đa dạng về đẳng cấp hàng hóa, từ rất bình dân đến siêu sang. Với những đặc thù này, không quá khó để lý giải sức hấp dẫn của Dubai. Hiện tại, Trung Quốc đã xây trung tâm thương mại Dragon Mart rộng tới 20 ha dành riêng cho sản phẩm của nước này.

Khi được hỏi về khả năng cạnh tranh với những đối thủ rất khó chịu đến từ Trung Quốc, hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam, sau khi nghiên cứu kỹ thị trường, đều tự tin khẳng định: chất lượng của hàng Trung Quốc không ổn định bằng hàng Việt Nam. Đó là chưa kể, thương hiệu Trung Quốc đang bị mất uy tín ở thị trường này.

“Nhìn chung, người Trung Đông lại rất thiện cảm với hình ảnh của Việt Nam, và đây chính là cơ hội của chúng ta”, đại diện một doanh nghiệp Việt đang mở rộng ở Dubai cho biết.

Dù vậy, các doanh nghiệp vẫn sẽ gặp một số khó khăn ở Dubai. Sự cạnh tranh là khá khốc liệt. Doanh nghiệp lại khó dự báo nhu cầu nhập khẩu và xác định thị hiếu tiêu dùng. Ngoài ra, thị trường này vẫn chưa có luồng tàu vận tải từ Việt Nam và đường hàng không trực tiếp, nên chi phí vận tải cao, thời gian giao hàng lâu hơn. Vì thế, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam sẽ kém cạnh tranh hơn.

Không chỉ có vậy, doanh nhân Dubai lại thẳng tính, doanh nghiệp thì không chú trọng giờ giấc và thường xuyên sai hẹn. Do đó, khi làm ăn với Dubai, doanh nghiệp Việt Nam cần phải kiên nhẫn. Dubai cũng có nhiều ngày nghỉ trong năm, ngày nghỉ trong tuần là thứ 5 và thứ 6, trái với lịch làm việc của doanh nghiệp Việt Nam. Điều này khiến các doanh nghiệp sẽ khó chủ động trong trao đổi hàng hóa và làm thủ tục.

Khách Việt kể chuyện trải nghiệm độ giàu có của Dubai

Trong 4 năm, người Dubai đã đắp xuống biển hàng tỷ m3 đá và cát để kiến tạo những công trình bất động sản nhân tạo đẳng cấp có giá khởi điểm 5 triệu USD và "cháy hàng" sau 10 ngày.

http://nhipcaudautu.vn/doanh-nghiep/phan-tich/dubai-thi-truong-de-tinh-3271570/

Theo Đình Bắc/Nhịp Cầu Đầu Tư

Bạn có thể quan tâm