Xe hợp đồng trá hình len lỏi đón khách trên đường phố Hà Nội. Ảnh: Đình Hiếu. |
Sau bài viết “Xe hợp đồngvào bến như tuyến cố định, mất sự tiện lợi đưa đón tận nơi?”, nhiều bạn đọc đã có phản hồi tới Báo VietNamNet.
Theo đó, nhiều ý kiến bày tỏ lo ngại nếu đưa xe hợp đồng vào bến sẽ làm mất ưu thế của loại xe công nghệ đang được rất nhiều hành khách lựa chọn.
Bạn đọc Thanh Tuyền nêu vấn đề: Theo quy hoạch tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, các bến xe đều được đẩy ra xa trung tâm. Khách muốn đến bến xe phải đi xe buýt, xe ôm hoặc taxi vừa tốn thời gian vừa tốn tiền bạc. Nhà nào có con nhỏ với lỉnh kỉnh đồ đạc thì việc phải lên xuống xe nhiều chặng rất vất vả.
“Do đó, nếu có xe hợp đồng (dù là xe hợp đồng trá hình) đón tận nhà là tốt nhất. Trường hợp đưa loại xe này vào bến thì khác gì bắt người dân quay về với cảnh vạ vật nơi bến tàu, bến xe hơn chục năm về trước. Tôi nghĩ không nên tư duy theo kiểu không quản được thì cấm”, bạn đọc Thanh Tuyền viết.
Đồng tình với quan điểm trên, một bạn đọc khác cho rằng, quản lý xã hội là tạo điều kiện thuận lợi nhất, tốt nhất cho nhu cầu của người dân. Rõ ràng hiện nay loại xe đưa đón khách tận nơi là tiện lợi nhất với giá cả hợp lý.
Theo bạn đọc Mạnh Nguyễn, cơ quan chức năng nên tìm ra phương án quản lý loại xe hợp đồng trá hình nhằm đảm bảo an toàn và tránh thất thu thuế; không nên bắt buộc các xe này phải vào bến vì sẽ gây khó cho người dân, làm mất ưu thế của xe công nghệ.
Bạn đọc Trịnh Sơn Nam cũng kiến nghị nên cho phép loại hình xe hợp đồng đón đưa tận nhà hoạt động vì đó là nhu cầu thực tế của người dân, nhiều người sẵn sàng trả nhiều tiền hơn đi xe khách để có được sự thuận tiện, tiết kiệm thời gian và đỡ mệt mỏi.
Trong khi đó, bạn đọc Vũ Hải nhận định, nếu quy định các xe hợp đồng phải vào bến thì sẽ ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là ngành du lịch.
Ngoài ra, còn phát sinh chi phí cho di chuyển, chờ đợi của người dân, có thể gia tăng ùn tắc, tăng nguy cơ tai nạn giao thông... Do đó bạn đọc này mong cơ quan chức năng cân nhắc, đánh giá khách quan, khoa học về vấn đề quản lý xe hợp đồng.
Không nên nghĩ đến việc đưa xe hợp đồng vào bến
Trao đổi với VietNamNet, các chuyên gia cũng cho rằng, không nên nghĩ đến việc đưa tất cả xe hợp đồng vào bến như tuyến cố định, vì sẽ làm mất tính hấp dẫn, thuận tiện của loại xe này.
Ông Khúc Hữu Thanh Hải, Giám đốc Công ty CP Vận tải, Thương mại và Dịch vụ Đất Cảng cho biết, loại hình vận tải xe hợp đồng hiện đang đáp ứng tốt nhu cầu của hành khách, được nhiều người lựa chọn nhờ ứng dụng công nghệ, người làm vận tải và hành khách có thể kết nối với nhau dễ dàng qua mạng.
Trong khi đó, bến xe dành cho xe khách tuyến cố định lại ở xa trung tâm, thiếu điểm đón trả khách khu vực nội đô. Thậm chí, hành khách đi ngoại tỉnh cũng khó tìm thông tin lộ trình ở các bến xe.
"Một loại hình vận tải tốt như xe hợp đồng thì không nên đặt ra phương án đưa vào bến vì chẳng khác gì trói buộc. Thực tế, hiện tại cũng chưa có thống kê nào đánh giá các bến xe có khả năng đáp ứng khi đưa tất cả xe hợp đồng vào bến hay không", ông Hải nêu ý kiến.
Bà Nguyễn Thị Diệu Hồng, Ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng cho rằng, bản chất xe hợp đồng là linh hoạt, có thể thỏa thuận điểm đón trả, giá tiền… Vì thế, nếu quản lý giống xe tuyến cố định sẽ không còn bản chất của loại xe này.
Thực trạng giao thông, văn hóa ứng xử của người tham gia, văn hóa quản lý, điều hành giao thông, các vấn đề liên quan tới quy hoạch và giải pháp xây dựng giao thông Việt Nam trong tương lai đều được PGS.TS. Phạm Ngọc Trung đề cập tới trong cuốn Văn hóa giao thông ở Việt Nam hiện nay.