Mỗi viên gạch là một tác phẩm
Gạch bông là loại gạch không nung được làm thủ công. Vì thế, tuy cùng một mẫu hoa văn nhưng mỗi viên gạch đều có nét riêng mang đậm ảnh hưởng “bút pháp” của nghệ nhân.
Được người Pháp du nhập vào Việt Nam từ thế kỷ 19, gạch bông dần trở thành sản phẩm được sử dụng phổ biến ở Việt Nam. Loại gạch này có ưu điểm giữ mát vào mùa hè và giữ ấm trong mùa đông. Vào thời bao cấp, nhiều tòa nhà văn phòng, khách sạn được lát bằng gạch bông. Ở hầu hết các công trình kiến trúc mà người Pháp xây dựng ở Việt Nam, gạch bông hiện diện như một dấu ấn đặc trưng.
Ông Đinh Hồng Kỳ bên những mẫu gạch “thêu tay” của mình. |
Nhưng đến thập niên 1990, gạch nung và gạch men ceramic bắt đầu lấn sân, gạch bông gần như “tuyệt chủng”. Chất lượng gạch bông suy giảm dần và chúng trở thành sản phẩm giá rẻ, chủ yếu để bán cho nhà nghèo. Hầu hết thợ làm gạch bông đã phải bỏ nghề, sống vất vưởng.
Trong khi đó, ở châu Âu, Mỹ hay Trung Đông, gạch bông được xem là hàng cao cấp vì là hàng thủ công (hand-made) và chỉ có nhà giàu mới có tiền mua. Ở Hà Lan, Pháp hay Đức, do giá nhân công cao, gạch bông được bán với giá vào khoảng 100 euro/m2 trong khi giá ở Việt Nam tính ra chỉ khoảng... 2 euro/m2.
Ông Kỳ nhiều lần tự hỏi tại sao tay nghề thợ gạch bông của Việt Nam giỏi mà Việt Nam lại không có sản phẩm xuất khẩu sang các thị trường này? Giấc mơ về gạch bông - hàng hiệu Việt Nam bắt đầu hình thành.
Năm 2009, Secoin tiếp quản nhà máy gạch trang trí Thanh Danh - một nhà máy sản xuất gạch bông lâu đời ở Việt Nam được thành lập từ năm 1910. Đa số thợ gạch bông Thanh Danh cũ đã quay trở lại làm việc tại nhà máy cũ nhưng dưới tên thương hiệu gạch bông Secoin.
Hiện Secoin có hai nhà máy sản xuất gạch bông. 95% sản lượng gạch được xuất khẩu đều đặn đi 45 nước, đến với khoảng 800 khách hàng.
Doanh thu trung bình của Secoin gần 200 tỷ đồng/năm (70% đến từ gạch bông), tăng 20 - 25% mỗi năm. Lợi nhuận qua các năm không đột biến nhưng tăng đều và chắc chắn.
Ông Kỳ đi khắp TPHCM và các tỉnh lân cận tìm lại những người thợ cũ, từng vẽ gạch bông cho các nhà máy Thanh Danh, Đức Tân, Đời Tân...
Ông nhờ chính những người thợ đi tìm những người thợ và tập trung họ về, cho họ điều kiện làm việc tốt, hứa hẹn đảm bảo đời sống cho họ.
Hiện tại, nhà máy sản xuất gạch bông Secoin của ông Kỳ có hơn 200 thợ, trong đó có những người thợ tuổi đời đã hơn 60 với gần 45 năm nghề, là những người thợ gạch bông đầu tiên và lâu đời nhất ở Việt Nam.
Bà Liên Hương cho biết: “Thu nhập của họ cũng cao hơn trước đây nhiều, khoảng từ 7 - 15 triệu đồng/tháng chưa kể tháng lương 13, 14 và các chế độ khác. Họ rất gắn bó với công ty...”.
Nhưng mọi chuyện không suôn sẻ như vậy. Nhà máy gạch bông đầu tiên của Secoin được xây dựng vào năm 2007 tại tỉnh Bình Dương với chiến lược nhắm đến xuất khẩu, thế nhưng có tới gần 90% sản lượng là... phế phẩm. Năm thứ hai, tỷ lệ này hạ xuống còn 60%. Ông Kỳ yêu cầu thợ thay vì một ngày, mỗi người làm 200 viên gạch thì chỉ cần làm 90 viên nhưng phải thật kỹ và thật đẹp.
Đồng thời với tay nghề thợ, vợ chồng ông Kỳ đi tìm hiểu về công nghệ sản xuất ở nước ngoài, và tại một hội chợ ở Đức, ông Kỳ đã tìm được một hóa chất giúp nâng chất lượng viên gạch bông Secoin lên một tầm mới. Thứ “nước thần” này khi pha vào màu sẽ giúp nét vẽ ăn vào gạch rất ngọt, sắc nét và đặc biệt không bị lem nét hoa văn.
Viên gạch Secoin từ đó có diện mạo mới. Đến nay, tỷ lệ phế phẩm của gạch Secoin giảm chỉ còn 1,6%. Những viên có hoa văn phức tạp, công nhân chỉ làm mỗi ngày 20 viên. “Nó như bức tranh, như tác phẩm nghệ thuật có giá trị sáng tạo cao chứ không chỉ là viên gạch...”, ông Kỳ nói.
Nếu ví gạch ceramic như bức thêu trên máy vi tính thì gạch bông lại giống như những bức thêu tay. Một nhà máy gạch ceramic với dây chuyền tự động có thể sản xuất 5.000 - 10.000 m2 gạch/ngày thì nhà máy gạch bông cùng quy mô chỉ sản xuất được 200 - 300 m2/ngày. Ông Kỳ cho biết gạch bông chiếm thị phần nhỏ nhưng lại có vị thế riêng trên thị trường và tiềm năng còn lớn. Tỷ suất lợi nhuận của gạch bông cao.
Hiện gạch bông Secoin có giá bán khoảng 600.000 đồng/m2, cao nhất Việt Nam và gần gấp đôi so với các sản phẩm gạch bông khác ở trong nước nhưng các đơn hàng từ nước ngoài đã giúp cho lịch sản xuất của nhà máy kín suốt cả năm sau.
Giá trị quý nhất phải từ bàn tay
Secoin không chỉ nổi danh với gạch bông, ông Kỳ được giới xây dựng gọi là vua gạch ngoài trời bởi công ty còn đi tiên phong trong các sản phẩm vật liệu xây dựng không nung khác.
Vợ chồng ông Kỳ là người đem công nghệ gạch không nung của Ý về Việt Nam chuyển giao cho hơn 20 nhà máy sản xuất và đặt tên là gạch Terrazzo. Đây cũng là loại gạch được lát ở ven Hồ Gươm. Đến nay, cả nước đã có hơn 150 nhà máy lớn nhỏ sản xuất loại gạch này.
Secoin cũng là công ty cung cấp thiết bị, chuyển giao công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam cho 50 công ty trong nước sản xuất vật liệu xây dựng không nung, là công ty đưa công nghệ sản xuất ngói màu theo công nghệ ép ướt vào Việt Nam. “Vật liệu không nung bền hơn các vật liệu nung và cũng khá đa dạng.
Làm ra những sản phẩm thân thiện môi trường và có khả năng tái sinh được là tiêu chí phát triển bền vững của chúng tôi. Về lâu dài, chúng tôi vẫn tập trung vào ngành nghề cốt lõi là các loại gạch không nung và cố gắng năm nào cũng có sản phẩm mới”, ông Kỳ cho biết.
Đã từng trải qua những cái bẫy thử thách lòng người, như từng có nhiều nhà đầu tư hỏi mua công ty (nhưng ông Kỳ không bán), hay chuyện bạn bè khuyên phát hành cổ phiếu để sau một đêm trở thành tỉ phú. Đã có lúc vợ chồng ông mở nhà máy đá mài và thua lỗ, phải chuyển qua sản xuất ngói.
Hay chuyện đầu tư vào gỗ ván dăm không thành công, phải bán đi... kể như thế để thấy chuyện làm ăn của vợ chồng ông chủ Secoin thành công ngày hôm nay thật ra cũng trải qua bao nỗi gập ghềnh.
Bài học mà ông Kỳ rút ra là hãy tập trung vào ngành nghề cốt lõi. “Thật khó nếu ta cạnh tranh với thế giới bằng những máy bay, ô tô hay máy tính. Nhưng khi đã xây dựng được cho mình những giá trị riêng, ta sẽ có chỗ đứng trên toàn cầu. Nếu như tôi sa đà vào phát hành cổ phần, cổ phiếu hay đầu tư lan man vào bất động sản thì tôi đã không có Secoin hôm nay”, ông Kỳ chia sẻ.
Secoin hôm nay đem lại niềm tự hào cho gia đình ông Kỳ. Có thể mỗi công nhân của Secoin tạo ra doanh thu ít hơn so với nhiều công ty khác nhưng theo ông Kỳ, giá trị quý nhất là được tạo ra sản phẩm từ đôi bàn tay chứ không phải chỉ mua đi bán lại kiếm lời. “Tôi không tham vươn tới những mục tiêu quá to tát. Tôi chỉ mong làm tốt cho gia đình và cho công nhân của mình. Không bóc lột họ, đừng nợ lương của họ đã là khó rồi...”, ông Kỳ tâm sự.
Tỷ lệ sở hữu của gia đình ông Kỳ tại Secoin vào khoảng 70%. Với những bài học thành công của các công ty gia đình trên thế giới, bà Liên Hương cho biết họ sẽ duy trì mô hình công ty gia đình về lâu dài.
Theo bà Hương, nhờ không có tư duy nhiệm kỳ, mô hình công ty gia đình có sự ổn định nhất định. Và trong bối cảnh kinh tế hiện nay, đây là mô hình doanh nghiệp phù hợp và bền vững.