Nhưng với sự tiến bộ của khoa học trong lĩnh vực điều trị HIV, rất nhiều đứa trẻ khỏe mạnh được sinh ra bởi những ông bố bà mẹ không may bị nhiễm HIV. Những thiên thần đáng yêu đã đến bên bố mẹ và tiếp thêm cho họ niềm tin để bước tiếp.
Ngày kinh hoàng
Bé Nguyễn Thùy Dương, cô con gái nhỏ của anh Nguyễn Ngọc Sang (32 tuổi, Q.Bình Thạnh, TP.HCM) đã hơn 1 tuổi, kháu khỉnh và khỏe mạnh. Cô nhóc đáng yêu lê la khắp nhà chơi đùa với bà nội, với chú bác. Mọi người quấn quýt, hôn má cô bé con. Nhìn hai vợ chồng Sang và cô con gái nhỏ ấm cúng quây quần trong mâm cơm ngày cuối tuần của đại gia đình 12 người, chẳng ai nghĩ rằng hai vợ chồng đều bị nhiễm HIV.
Anh Sang bây giờ rất ra dáng một ông bố mà ai cũng bảo hiền lành và đã biết chăm chỉ làm ăn. Nhìn anh hồng hào, khỏe mạnh, chẳng ai nghĩ anh là người có HIV. Sang kể 14 tuổi Sang theo lời bạn bè rủ rê sa chân vào con đường nghiện ngập. 10 năm sau đó, cuộc đời Sang tuồn tuột trôi đi, ký ức của anh về khoảng thời gian đó chỉ là một khoảng đen với ma túy và cái khắc nghiệt của trại cải tạo.
Đó lẽ ra là thời thanh xuân đẹp đẽ nhất của một con người. Từ trại giam trở về, Sang cai được ma túy nhưng chuyện vợ con thì cả Sang và mẹ đều không dám nghĩ tới. Thế nhưng cuộc đời vẫn luôn mang đến những điều tưởng chừng như không thể. Sang cưới vợ. Vợ anh, chị Lê Thị Bích Phương, là một cô gái hiền lành quê ở Bình Phước, lên Sài Gòn phụ bán quán để kiếm tiền giúp gia đình. Gặp Sang đến quán uống cà phê nhiều lần, thấy anh ít nói, hiền lành, Phương đã đem lòng yêu thương. Đến khi Sang kể cho cô nghe quá khứ của mình thì tình yêu của Phương đã đủ lớn. Cô yêu anh và tin anh đã thay đổi nên chỉ thêm thương và hy vọng vào tương lai. Sang và Phương kết hôn vào cuối năm 2008, dọn ra ở riêng trong một căn nhà của gia đình Sang. Phương vẫn đi phụ bán cà phê, còn Sang làm đủ thứ công việc để kiếm sống.
Hai vợ chồng Sang và đứa con khỏe mạnh. |
Lúc con trai dắt Phương về nhà giới thiệu, bà Trâm, mẹ Sang, vừa mừng vừa lo. Con trai bà mất cha lúc chỉ vài tháng tuổi, suốt thời niên thiếu chìm trong nghiện ngập. Bà rất thương Phương, sợ cô lấy con mình phải chịu thiệt thòi. Nhưng thấy con hạnh phúc và cũng đã quay về cuộc sống bình thường, bà thấy mình chẳng có lý do gì để ngăn cản.
Hạnh phúc chẳng tày gang. Năm 2009, Sang tham gia đợt xét nghiệm HIV dành cho người đã ra trại cải tạo. Kết quả dương tính, Phương cũng bị lây nhiễm từ chồng. Đó thật sự là ngày kinh hoàng nhất với gia đình Sang. Mẹ Sang thương con một thì thương con dâu mười. Bà chẳng cách nào bù đắp cho con dâu, chỉ biết dành thêm thương yêu cho cô. Bà động viên hai con dọn về nhà ở với đại gia đình, còn căn nhà hai vợ chồng đang ở cho thuê để trang trải cuộc sống.
Về phần Phương, cái tin cả hai vợ chồng đều bị nhiễm HIV khiến cô gái trẻ chông chênh một thời gian dài. Nhưng qua được thời khắc buồn bã, tuyệt vọng, Phương lại càng thương chồng, bởi chồng cô đã quyết tâm bỏ lại quá khứ, chỉ có nó không chịu buông tha anh. Cô bảo: “Đâu ai muốn mình mang bệnh. Lúc đó tôi sợ hãi lắm nhưng cố nhủ rằng mình còn có chồng, hai vợ chồng sẽ cố gắng sống chừng nào hay chừng ấy”.
Niềm an ủi lớn nhất của cả hai vợ chồng Phương là mười mấy người thân trong căn nhà, anh em, cô dì của Sang chẳng ai xa lánh hay kỳ thị. Hai vợ chồng vẫn ăn chung, uống chung với mọi người. Sang kể nói về HIV ai cũng sợ, nhưng ngay từ những ngày đầu biết vợ chồng có bệnh, các anh chị bên chi hội Phát Tâm thuộc Hội Phòng chống HIV/AIDS TP.HCM đã đến động viên và giải thích cặn kẽ mọi điều liên quan đến HIV. Cả nhà đã hiểu bệnh HIV không dễ lây lan nếu người bệnh cẩn thận trong sinh hoạt, ý thức phòng tránh cho người khác. Nhưng trên hết, họ hiểu hai vợ chồng Sang lúc này cần sự yêu thương của gia đình biết bao nhiêu. Cũng từ ngày đó Sang, thường xuyên tham gia vào các hoạt động tuyên truyền phòng chống HIV/AIDS của chi hội.
Khát khao làm cha mẹ
Mặc dù được tìm hiểu về HIV/AIDS ngay từ những ngày đầu và dần loại bỏ được tâm lý sợ hãi, nhưng thời điểm ấy vợ chồng Sang và cả gia đình đều nghĩ họ chỉ sống được ngày nào hay ngày đấy, càng không dám mơ ước cả hai được làm cha mẹ.
Sang thương vợ lắm bởi nghĩ rằng mình đã tước mất cuộc sống của Phương, tước đi quyền được làm mẹ của cô và anh cũng sẽ chẳng bao giờ có hạnh phúc của một người làm cha. Thế nên khi được tư vấn về mang thai an toàn cho các cặp vợ chồng nhiễm HIV và thậm chí được gặp những em bé khỏe mạnh, cái khát khao làm cha mẹ của hai vợ chồng trỗi dậy nhưng chẳng ai dám nói với ai. Trong lòng mỗi người đều giữ những nỗi sợ cho riêng mình. Cả hai cũng không dám nói với mẹ vì mẹ đã từng chịu nhiều nỗi cực khổ, lo lắng trong đời rồi.
Giai đoạn đó sống trong không khí ấm cúng của gia đình, có người này người kia, hai vợ chồng Sang không còn tâm lý nặng nề rằng mình có HIV nữa. Sức khỏe Phương tốt, số lượng tế bào CD4 luôn ở mức 600 (CD4 ở người bình thường 500-1.400) nên suốt mấy năm qua Phương không phải uống thuốc kháng virút ARV và vẫn khỏe mạnh. Còn Sang uống ARV đều đặn vào hai khoảng thời gian trong ngày là 11h30 và 23h30. Thuốc được phát miễn phí và Sang đáp ứng điều trị tốt, tuân thủ yêu cầu uống thuốc đúng giờ nên CD4 cũng duy trì ở mức khoảng 400.
Một ngày, hạnh phúc bất ngờ đến khi Phương biết mình đã mang thai. Họ không nói cho mẹ biết, chỉ đến khi bụng lớn không giấu được nữa họ mới thông báo cho cả gia đình. “Tôi cũng tham gia hoạt động tuyên truyền về HIV nên biết vợ có thể sinh ra một đứa con khỏe mạnh nên quyết tâm giữ lấy đứa con” - Sang kể lại. Lúc đó cả hai vợ chồng đã lên phòng khám và được tư vấn phương pháp giữ an toàn cho đứa trẻ trong bụng mẹ. Theo hướng dẫn của các bác sĩ, Phương uống một loại thuốc phòng ngừa lây nhiễm HIV từ mẹ sang con liên tục từ lúc thai 14 tuần tuổi cho đến khi sinh. Bé sinh ra được tiếp tục cho uống một loại thuốc khác trong vòng 2-4 tuần tùy theo chỉ định của bác sĩ để ngăn ngừa phơi nhiễm và sau đó được đưa đi xét nghiệm.
Thời gian Phương mang thai, mỗi ngày trôi qua cả gia đình sống trong tâm trạng lo lắng nhưng tràn đầy hy vọng. Bà Trâm có lý do để sợ. Bà không sợ khổ cực, chỉ sợ nếu đứa trẻ sinh ra sẽ phải chịu thiệt thòi, chịu cái nhìn sợ hãi, xa lánh của những người khác. “Nó bệnh, vợ nó bệnh. Nếu thêm một đứa nhỏ bị bệnh nữa thì sống làm sao được hả cô?” - bà kể về suy nghĩ của mình lúc ấy. Ngày xét nghiệm có kết quả âm tính của đứa bé, cả gia đình vỡ òa hạnh phúc.
Ôm đứa cháu nội đang từng ngày khôn lớn, có lẽ bà Trâm là người hạnh phúc nhất. Người mẹ đã chứng kiến đứa con trai mình đứt ruột đẻ ra. Rồi nó từ một đứa trẻ trở thành một người nghiện ngập, vào tù và bị nhiễm HIV. Bà không thể nào tưởng tượng được sau ngần ấy chuỗi ngày đen tối, con trai bà lại được làm chồng, làm cha.