Theo lời kể của bà Kim Thị Phương, người được đăng ký là kế toán trưởng công ty có vốn 144.000 tỷ đồng (khoảng 6,3 tỷ USD), bà đã ký tên vào đơn đăng ký doanh nghiệp vì cho rằng “có mất gì đâu”. Bà cũng đưa chứng minh thư của mình cho hai cổ đông còn lại đi đăng ký thành lập doanh nghiệp.
Đến khi nhận thông tin mình là người tham gia góp vốn 43.200 tỷ đồng thành lập công ty, bà Phương mới khẳng định không có tiền để đóng. Ngày 27/2, bà Phương cho biết cùng ông Nguyễn Hoàn Sơn (đăng ký góp 57.600 tỷ đồng, chiếm 40% vốn) và ông Trần Gia Phong (góp 43.200 tỷ đồng, chiếm 30% vốn) đến Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hà Nội hủy hồ sơ đăng ký doanh nghiệp.
Bà Kim Thị Phương, một trong ba cổ đông của doanh nghiệp đăng ký vốn điều lệ 6,3 tỷ USD. Ảnh: T.G. |
"Bà Phương đưa CMT cho cổ đông khác đi đăng ký doanh nghiệp không sai"
Trao đổi với Zing.vn, luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Công ty Luật Basico nhận định bà Phương đã đồng ý thành lập công ty với vốn bao nhiêu cũng được. Bà đưa chứng minh thư của mình cho cổ đông khác đi đăng ký thành lập doanh nghiệp 6,3 tỷ USD, chứ không phải bị lừa.
“Tuy nhiên, việc làm của bà Phương xuất phát từ sự thiếu hiểu biết pháp luật, bà Phương không hiểu được trách nhiệm của mình thế nào. Nghe thì sốc, thấy bất thường nhưng nói về luật thì bà Phương không sai”, luật sư Trương Thanh Đức nói.
Theo ông Đức, giai đoạn đăng ký thành lập, doanh nghiệp có thể đăng ký vốn “60 tỷ USD, 6.000 tỷ USD” cũng không sai. Tuy nhiên, nếu không góp đủ thì phải giảm vốn, không giảm thì chịu phạt theo quy định.
Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Công ty Luật Basico. Ảnh: Q.S. |
Trường hợp Công ty cổ phần tư vấn đầu tư quốc tế và dịch vụ thương mại USC (viết tắt tên tiếng Anh là USC Interco., JSC.) không kinh doanh nữa thì hủy hồ sơ đăng ký thành lập doanh nghiệp. Việc hủy hồ sơ dựa trên tinh thần tự nguyện của bên đăng ký.
Còn nếu muốn giữ công ty, người đại diện pháp luật của USC Interco. cần đăng ký đúng số vốn thực góp. Với vốn ảo, cơ quan chức năng có thể thuyết phục, vận động người đăng ký thay đổi.
Luật sư Đào Văn Thắng, Công ty Luật Dazpro, cho biết luật có quy định việc ủy quyền cho người khác đi làm thủ tục đăng ký doanh nghiệp. Ông cho rằng bà Phương đã ký xác thực vào nội dung đăng ký doanh nghiệp, tức là phải biết vốn điều lệ, tỷ lệ cổ phần mình cam kết mua là bao nhiêu và các nội dung liên quan.
“Trừ khi có ai tự ý lấy chứng minh thư của bà Phương đi đăng ký doanh nghiệp, người đó sẽ phải chịu trách nhiệm về hành vi kê khai giả mạo, nhẹ bị xử phạt vi phạm hành chính, nặng thì có thể truy cứu trách nhiệm hình sự. Đồng thời, hồ sơ đăng ký doanh nghiệp cũng sẽ bị hủy bỏ”, ông Thắng nói.
Trao đổi với Zing.vn, đại diện Cục Đăng ký Kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết sau 90 ngày (thời hạn góp vốn), Cục sẽ yêu cầu các doanh nghiệp đăng ký mới báo cáo tình hình góp vốn.
“Vốn điều lệ là con số trên giấy, không thể hiện điều gì cả”
Theo luật sư Trương Thanh Đức, để tránh tình trạng khai báo gian dối, lừa đảo, Luật Doanh nghiệp cần quy định doanh nghiệp “có bao nhiêu thì đăng ký vốn điều lệ bấy nhiêu”. Đồng thời, yêu cầu nộp tiền luôn chứ không chờ 3 tháng (90 ngày).
“Việc ghi vốn điều lệ bao nhiêu do các cổ đông thỏa thuận, thương lượng với nhau nhưng hoàn toàn là con số trên giấy, không thể hiện điều gì cả. Thật phải nhìn vào vốn chủ sở hữu, dòng tiền”, ông Đức nói.
Trong khi đó, luật sư Đào Văn Thắng cho rằng quyền tự do kinh doanh của công dân là nguyên tắc quan trọng nhất của Luật Doanh nghiệp. Luật Doanh nghiệp Việt Nam thể hiện được điều này.
“Luật không cấm anh cam kết góp, mua và đăng ký bao nhiêu vốn điều lệ nhưng tùy vào ngành nghề kinh doanh sẽ khống chế vốn pháp định. Ví dụ kinh doanh bất động sản tối thiểu phải đăng ký vốn 20 tỷ đồng thì bắt buộc anh phải có cam kết mua, góp trên số vốn đó”, ông Thắng nói.
Theo vị luật sư, Luật Doanh nghiệp tại Việt Nam đã rất rõ ràng và cụ thể, vấn đề thực hiện đúng hay không là do người đăng ký. Nếu không góp đủ vốn đăng ký hay kê khai giả mạo, công dân đăng ký kinh doanh sẽ bị xử phạt theo quy định của pháp luật.
Trụ sở chính Công ty cổ phần tư vấn đầu tư quốc tế và dịch vụ thương mại USC (viết tắt tên tiếng Anh là USC Interco., JSC.). Ảnh: Văn Hưng. |
Theo Nghị định 50 về xử phạt hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch đầu tư, phạt tiền từ 10 triệu đến 20 triệu đồng đối với hành vi lập hồ sơ dự án đầu tư không trung thực, không chính xác để được cấp giấy chứng nhận đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, quyết định chủ trương đầu tư.
Ngoài ra, Khoản 1, Điều 46, Mục 4, của Nghị định 50 cũng quy định rõ: “Trường hợp phạt tiền từ 5 đến 10 triệu đồng đối với hành vi không huy động đủ, đúng thời hạn số vốn đã đăng ký”.
Đồng thời, các doanh nghiệp phải thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả. Theo đó, doanh nghiệp buộc phải đăng ký điều chỉnh vốn điều lệ, tỷ lệ phần vốn góp, cổ phần của các thành viên, cổ đông bằng số vốn đã góp đối với hành vi vi phạm.
Theo hồ sơ đăng ký doanh nghiệp, công ty USC Interco. có trụ sở chính tại xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, TP Hà Nội. Doanh nghiệp này đăng ký 59 ngành nghề khác nhau. Người đại diện theo pháp luật là ông Trần Gia Phong, sinh năm 1979. Ông này có hộ khẩu thường trú tại huyện Đan Phượng, Hà Nội.
Đăng ký về vốn, doanh nghiệp này sẽ là 100% vốn tư nhân với số tiền 144.000 tỷ đồng (khoảng 6,3 tỷ USD).
Doanh nghiệp có 3 cổ đông sáng lập là bà Kim Thị Phương (thường trú huyện Đan Phượng, Hà Nội) góp 43.200 tỷ đồng (chiếm 30%). Ông Nguyễn Hoàn Sơn (huyện Thuận Thành, Bắc Ninh) góp 57.600 tỷ đồng chiếm 40% vốn điều lệ. Cổ đông thứ ba là ông Trần Gia Phong (huyện Đan Phượng, Hà Nội) góp 43.200 tỷ đồng (chiếm 30%).