Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Đưa cá tra miền Tây trở lại thời hoàng kim

Năm 2017, Bộ Nông nghiệp sẽ cùng các địa phương tổ chức Hội chợ cá tra tại Việt Nam và tập trung làm tốt công tác truyền thông về mặt hàng này, nhằm đẩy mạnh tiêu dùng nội địa.

 

 

Ông Trần Anh Thư, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn An Giang, cho rằng để đưa cá tra trở lại thời hoàng kim như trước đây, đầu tiên là quản lý về giống. Không có ngành chăn nuôi nào trên thế giới buôn thả như giống cá tra hiện nay ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Giá liên tục giảm khiến người nuôi cá tra gặp khó khăn từ năm 2011 đến nay. Nhiều hộ treo ao, bỏ nghề. Lượng ao nuôi hiện nay phần lớn thuộc về các doanh nghiệp.

Diện tích nuôi cá tra thương phẩm tính đến hết tháng 11/2016 đạt 4.552 ha, với  4.785 ao nuôi, sản lượng khoảng 1,1 triệu tấn, trong đó có 2.267 ao thuộc sở hữu cá thể và 2.486 ao nuôi của doanh nghiệp. Ngoài ra còn 32 ao thuộc các hợp tác xã/tổ hợp tác.

Năm 2016, giá trị xuất khẩu mặt hàng này ước đạt 1,67 tỷ USD, tăng 6,6% so với năm 2015.

Tại hội nghị tổng kết tình hình sản xuất và tiêu thụ cá tra năm 2016 và giải pháp phát triển bền vững ngành này, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng năm 2016 là năm ảnh biến đổi khí hậu nặng nề nhất đối với các tỉnh ĐBSCL. Chính điều này gây ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp rất lớn, trong đó có cá tra. Tuy nhiên, giá trị xuất khẩu vẫn đạt khá, cao hơn cả mặt hàng lợi thế là lúa gạo.

ca tra mien tay gap kho anh 1
Ngành nuôi trồng, chế biến xuất khẩu cá tra vốn là thế mạnh của ĐBSCL nhưng nhiều năm nay, phần lớn nông dân treo ao, bỏ nghề vì thua lỗ do giá xuống thấp. Ảnh: Ngọc Trinh.

 

Bộ trưởng đề nghị các doanh nghiệp ngoài quan tâm mở rộng thị trường mới cho xuất khẩu cần phải chú trọng thị trường nôi địa. Theo ông Cường, để đẩy mạnh tiêu thụ trong nước, các doanh nghiệp phải đa dạng sản phẩm, chất lượng theo từng đối tượng, sở thích và cung ứng nhiều hơn qua các kênh phân phối, trong đó tập trung vào các siêu thị lớn.

"Năm 2017, Bộ Nông nghiệp sẽ cùng các địa phương  tổ chức Hội chợ cá tra tại Việt Nam và tập trung làm tốt công tác truyền thông về mặt hàng này, để nâng cao tiêu thụ nội địa", Bộ trưởng cho biết.

 Bộ trưởng cũng yêu cầu các Cục, Viện, các trung tâm nghiên cứu giống và người nuôi hoàn thiện sớm quy trình từ con giống đến nuôi trồng, chế biến xuất khẩu trình Bộ Nông nghiệp, để có giải pháp mới nhằm phát triển bền vững, đưa ngành cá tra trở lại thời hoàng kim trong những năm tới.

Theo ông Dương Ngọc Minh, Tổng giám đốc Công ty CP Hùng Vương, ĐBSCL mỗi năm sản xuất có trên 30 tỷ cá bột, cần lượng lớn làm ra cá thịt để xuất khẩu. Trước mắt cần con giống chất lượng thì mới cho ra sản phẩm tốt, thuận lợi xuất khẩu.

Ông Minh đề nghị Bộ Nông nghiệp đầu tư nơi sản xuất giống cá tra theo công nghệ cao, tập trung vao giống địa phương. Ngoài con giống, Nhà nước cũng cần tạo liên kết bền vững trong khâu cung ứng thức ăn, thuốc thú y thủy sản mới có thể cho sản phẩm sạch.

"Năm 2017, dự kiến thị trường cá tra sẽ tăng trưởng 10%. Tuy nhiên, các hộ dân nuôi cá vẫn đang khó khăn, Bộ cần hỗ trợ vốn để vực dậy sản xuất, đảm bảo nguồn nguyên liệu đáp ứng chất lượng và sản lượng để xuất khẩu", ông Minh kiến nghị.

Lãnh đạo tỉnh An Giang  đề xuất Nhà nước phải quản lý nguồn giống cá tra và coi đây là giống quốc gia, không giao cho hộ cá thể hay doanh nghiệp tự làm.

 

 

 

 

 



Ngọc Trinh

Bạn có thể quan tâm