Trong phiên họp Chính phủ thường kỳ đầu tháng 9, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết dự trữ ngoại hối đã đạt khoảng 92 tỷ USD. Đây là mức dự trữ ngoại hối kỷ lục của Việt Nam. Con số đến cuối năm nay có thể đạt 100 tỷ USD, gấp 5 lần mức 20 tỷ USD vào đầu nhiệm kỳ.
Cuối năm 2019, dự trữ ngoại hối của Việt Nam đạt 80 tỷ USD. Như vậy, Ngân hàng Nhà nước đã mua vào thêm 12 tỷ USD trong 8 tháng để thiết lập kỷ lục mới.
Theo ước tính của Tổng cục Hải quan, cán cân thương mại tháng 8 thặng dư khoảng 2,5 tỷ USD và lũy kế 8 tháng thặng dư 10,9 tỷ USD. Nhóm chuyên gia của SSI Research nhận định nguồn cung ngoại tệ dồi dào giúp Ngân hàng Nhà nước liên tục mua vào lượng lớn ngoại tệ trong tháng 8.
Tỷ giá USD/VND niêm yết của các ngân hàng thương mại tiếp tục đi ngang ở mức 23.060/23.270 đồng và tăng nhẹ 10 đồng/USD trên thị trường tự do, lên mức 23.190/23.220 đồng.
“Cung cầu ngoại tệ đang rất thuận lợi và USD vẫn chịu áp lực giảm giá trên thị trường quốc tế nên tỷ giá dự kiến sẽ tiếp tục đi ngang trong thời gian tới”, SSI Research dự báo.
Nguồn: SSI Research. |
Phát biểu tại Hội thảo trực tuyến chuyên đề về Việt Nam trong khuôn khổ Diễn đàn ASEAN với chủ đề “Khai phá tiềm năng đầu tư tại Việt Nam hậu Covid-19” ngày 7/9, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng khẳng định dự trữ ngoại hối Nhà nước tiếp tục tăng là một trong nhiều kết quả quan trọng đến từ sự quyết liệu trong công tác điều hành chính sách của Ngân hàng Nhà nước.
Dự trữ ngoại hối đạt mức kỷ lục 92 tỷ USD cùng với việc lạm phát được kiểm soát, tỷ giá và thị trường ngoại tệ diễn biến ổn định, lãi suất liên ngân hàng ở mức thấp, lãi suất cho vay giảm đáng kể, thanh khoản hệ thống ngân hàng được đảm bảo, thị trường tiền tệ ổn định góp phần duy trì môi trường kinh doanh ổn định cho doanh nghiệp, hỗ trợ các thành phần kinh tế vượt qua khó khăn.
Những kết quả khả quan này là yếu tố quan trọng góp phần củng cố mức tín nhiệm quốc gia và lòng tin của nhà đầu tư để thu hút nguồn vốn đầu tư phục hồi kinh tế.