Khi chuyên gia y tế Shigeru Omi trình bày bản thảo của chiến lược nói trên trước toàn bộ ban tư vấn về Covid-19 cho chính phủ Nhật Bản hôm 3/9, nhiều đồng nghiệp của ông rất quan ngại việc nới lỏng biện pháp phòng dịch dù phần lớn dân số đã được tiêm vaccine.
Cuối cùng, hầu hết kiến nghị trong bản thảo chiến lược này đã bị loại bỏ, theo Asahi Shimbun.
Các chuyên gia cho biết việc công bố nới lỏng các biện pháp phòng dịch hiện nay sẽ khiến công chúng hiểu lầm và mất cảnh giác trước dịch bệnh.
Sau thời gian dài mệt mỏi với giãn cách xã hội, có thể người dân sẽ chủ quan hơn khi tham gia các hoạt động ngoài trời như mua sắm, du lịch và ăn uống.
Nhân viên y tế tiêm vaccine Covid-19 của Pfizer cho người dân tại thành phố Kobe, Nhật Bản ngày 31/5. Ảnh: AP. |
Kiến nghị duy nhất được giữ lại là các biện pháp được thực hiện trong khoảng từ tháng 11 trở đi, với điều kiện mọi người dân có nhu cầu đều đã được tiêm chủng vaccine Covid-19.
Theo Our World in Data, khoảng 59,6 triệu người Nhật Bản đã được tiêm đầy đủ 2 mũi vaccine Covid-19, tương đương với khoảng 47,2% dân số.
Trong thời gian đó, tổ tư vấn chính phủ khuyến nghị sử dụng giấy chứng nhận cho người đã tiêm vaccine và cho các bệnh nhân Covid-19 đã bình phục.
Nếu tới tháng 11 không có tình trạng khẩn cấp vì dịch bệnh nào được ban bố, những ai có giấy chứng nhận nói trên sẽ được phép di chuyển liên tỉnh. Sự kiện đông người tại nơi công cộng cũng sẽ được phép tổ chức nếu người tham dự đều có chứng nhận này.
Đồng thời, tổ tư vấn cũng đề xuất giữ nguyên quy định cơ bản về phòng chống lây lan Covid-19, như đeo khẩu trang, kể cả đối với người đã tiêm vaccine.
Từ tháng 7, ông Omi, vốn là chuyên gia y tế hàng đầu Nhật Bản, đã được chính phủ yêu cầu biên soạn bản dự thảo kế hoạch này. Tuy nhiên, các chuyên gia khác cho rằng còn quá sớm để thực hiện những kiến nghị như vậy.
“Đây không phải là thông điệp khiến người dân mất cảnh giác. Lý do (một số đề xuất trong bản dự thảo bị loại bỏ) là vì chúng tôi không muốn thông điệp bị hiểu nhầm”, ông Omi nói trong họp báo ngày 3/9.