Vụ việc ở Đường Sơn và Từ Châu thổi bùng sự phẫn nộ ở Trung Quốc. Ảnh: Sixth Tone. |
Vào một buổi tối thứ 6 bận rộn tại nhà hàng ở thành phố Đường Sơn, Trung Quốc, một nhóm phụ nữ bị nam thực khách tiếp cận và quấy rối. Giật mình lùi lại sau khi bị người đàn ông đụng chạm, một trong số họ tức giận nói: "Cút đi". Nhưng đáp lại, anh ta lấy gậy đánh vào đầu và kéo cô xuống đất.
Đó chỉ là ví dụ mới nhất về hành vi bạo lực đối với phụ nữ khiến dư luận phẫn nộ ở Trung Quốc. Trước đó, vào tháng 1, tin tức về một phụ nữ bị xích trong nhà kho ở thành phố Từ Châu cũng gây ra nỗi đau tương tự.
Cả hai trường hợp trên đều chịu sự chỉ trích chưa từng có trên các diễn đàn trực tuyến. Trong đó, mọi người đặt ra câu hỏi về nạn kỳ thị nữ giới và chủ nghĩa nam quyền tại Trung Quốc.
“(Những vụ việc này) đã phá vỡ sâu sắc cách người Trung Quốc nhìn nhận xã hội của họ - thứ được xây dựng dựa trên các chuẩn mực và khuôn mẫu giới”, bà Pichamon Yeophantong, nhà nghiên cứu về Trung Quốc tại Đại học New South Wales, cho biết.
Tuy nhiên, chính quyền Trung Quốc xem đây là một vụ việc đơn lẻ và nhấn mạnh vào sự hoành hành của các băng đảng hơn là vấn nạn về bạo lực giới. Quan chức thành phố Đường Sơn đã phát động chiến dịch chống lại các băng nhóm tội phạm sau vụ việc 9 người đàn ông bị bắt vì cáo buộc đánh đập phụ nữ, theo South China Morning Post.
Chiến dịch kéo dài hai tuần và do một nhóm chuyên trách đặc biệt trong chính quyền Đường Sơn thực hiện. Giới chức sẽ truy quét một loạt các hoạt động tội phạm, từ hành hung phụ nữ đến tống tiền, cờ bạc, mại dâm và lừa đảo.
Bạo lực giới cắm sâu vào xã hội
Báo cáo của Liên Hợp Quốc cho thấy bạo lực giới đã ăn sâu vào các chuẩn mực ở Trung Quốc - quốc gia chỉ mới quy định bạo lực gia đình là tội hình sự vào năm 2016.
Theo đó, trong xã hội Trung Quốc, "sự cứng rắn, năng lực tình dục và khả năng sử dụng vũ lực trong một số trường hợp" vẫn là biểu hiện lý tưởng cho sự nam tính. Trong khi đó, nhiều người vẫn còn tâm lý e ngại can thiệp, coi bạo lực gia đình là chuyện riêng tư giữa một cặp vợ chồng.
“Phụ nữ bị bạn đời hành hung nơi công cộng là điều phổ biến một cách đáng lo ngại trên mạng. Tôi thấy các cảnh quay về bạo lực gia đình gần như hàng ngày, dù là quay lén hay thông qua các máy quay giám sát", Kerry Allen, nhà phân tích phương tiện truyền thông Trung Quốc từ BBC, cho biết.
Trong một nghiên cứu của Liên Hợp Quốc vào năm 2013, một nửa trong số 1.000 nam giới Trung Quốc thừa nhận từng bạo lực thể xác hoặc tình dục đối với bạn đời.
Nhóm nam giới túm tóc người phụ nữ lôi ra ngoài và đánh đập ở Đường Sơn. Ảnh: Straits Times. |
Allen nói rằng khi sống ở đất nước này 10 năm trước, cô đã chứng kiến một số vụ tấn công ngay giữa ban ngày và "các nhóm người ngoài cuộc (chỉ) đứng nhìn". Đó cũng là những gì đã xảy ra ở Đường Sơn vào ngày 10/6, mặc dù nạn nhân không hề quen biết kẻ tấn công.
Vụ việc ở Từ Châu cũng tương tự. Chồng của người phụ nữ xấu số này nói rằng bà bị nhốt vì căn bệnh tâm thần. Tuy nhiên, một cuộc điều tra của cảnh sát đã xác nhận bà là nạn nhân của việc buôn bán người vào những năm 1990.
Đoạn phim về người phụ nữ này chỉ xuất hiện và lan truyền sau khi một vlogger tình cờ gặp bà khi đang đi tham quan ngôi làng. Việc bà bị giấu kín trong một thời gian dài khiến mọi người rất sửng sốt.
"Bà ấy là người, không phải đồ vật. Sau hơn 20 năm với 8 đứa con, bà ấy mới được tìm thấy ngày hôm nay? Không một cơ quan chính phủ nào liên quan (đến vụ việc có thể trốn tránh trách nhiệm)", một người dùng viết trên mạng xã hội Weibo.
Yêu cầu thay đổi
Nhiều phụ nữ Trung Quốc đã rất ngạc nhiên với mức độ bạo lực trong các vụ án ở Đường Sơn và Từ Châu, đặc biệt là khi nước này tỷ lệ tội phạm thấp và mức độ giám sát cao.
“Nói chuyện với thế hệ trẻ - đặc biệt là sinh viên đại học - tôi đã nghe nhiều người trong số họ tỏ ra thực sự sốc khi thấy nạn bạo lực với phụ nữ vẫn tồn tại, nếu không muốn nói là được dung túng trong xã hội Trung Quốc hiện đại”, tiến sĩ Yeophantong nói.
Người phụ nữ bị xích cổ trong nhà kho ở Từ Châu. Ảnh: BBC. |
Chứng kiến những gì xảy ra trong thực tế, nhiều người đã lần đầu lên tiếng chất vấn về cách nam giới và phụ nữ bị đối xử khác nhau trong xã hội. Những lời kêu gọi thay đổi dường như phổ biến nhất ở thế hệ Y (nhóm người sinh vào năm 1980-2000).
Một số bài đăng phổ biến nhất trên Weibo về hai vụ việc nói trên đã nêu bật mối quan ngại về cách phụ nữ bị đối xử trong một xã hội vẫn đề cao các tư tưởng Nho giáo gia trưởng.
"Chúng ta cần thừa nhận rằng trong xã hội vẫn còn những người ủng hộ, khuyến khích và thúc đẩy nam giới thực hiện hành vi bạo lực với phụ nữ", một người dùng viết.
Bên cạnh đó, nhiều người cũng bày tỏ sự bất bình với cách phản ứng của các cơ quan chức năng, cáo buộc những người nắm quyền đã hạ thấp vai trò của nữ giới.
Trong vụ việc ở Đường Sơn, phản ứng ban đầu của cảnh sát và phương tiện truyền thông chỉ tập trung vào mối liên hệ giữa những kẻ tấn công với các băng nhóm địa phương và tiền sử phạm tội của họ.
Một báo cáo cũng cho biết người phụ nữ trong nhà hàng chỉ bị tiếp cận để "trò chuyện", trái ngược hoàn toàn với chia sẻ của nhiều người dùng trên Weibo, cho rằng đó là hành vi quấy rối tình dục.
Đánh dấu một bước ngoặt?
Trước áp lực lớn từ dư luận trong cả hai vụ việc, giới chức Trung Quốc đã triển khai lực lượng đặc nhiệm và mở cuộc điều tra.
Họ hứa sẽ trấn áp nạn buôn người bằng cách tăng cường kiểm tra giấy phép kết hôn tại địa phương sau vụ việc ở Từ Châu. Tại Đường Sơn, chính phủ cũng yêu cầu tăng cường tuần tra ban đêm và cách chức một cảnh sát trưởng. Thủ phạm bị cáo buộc trong cả hai vụ việc đều bị bắt.
Bạo lực gia đình trở thành vấn nạn ở Trung Quốc. Ảnh: China Daily. |
Tuy nhiên, Guo Jing, một nhân viên phụ trách bạo hành gia đình ở Trung Quốc, cho biết các nhà chức trách vẫn coi tội phạm về giới là sự cố chỉ xảy ra một lần, có thể giải quyết bằng cách bắt giữ và trừng phạt bị can.
"Những vụ việc này không được nhìn nhận như một vấn đề mang tính hệ thống, dài hạn, (do đó) không thể đưa các giải pháp (thay đổi) định chế", bà nói với BBC.
Vào tháng 3, một số đảng viên đã đề nghị Trung Quốc tăng cường luật bảo vệ phụ nữ và tăng hình phạt đối với nạn buôn người. Tuy nhiên, những yêu cầu này vẫn chưa thành hiện thực. Trong khi đó, hoạt động kiểm duyệt thông tin ngày càng siết chặt.
Sau vụ tấn công ở Đường Sơn, Weibo đã xóa các tài khoản "kích động đối đầu về giới". Các bài đăng cũ hơn về người phụ nữ bị xích - thường bao gồm các cuộc tranh luận về phân biệt giới tính - cũng bị xóa. Bà Wang cho rằng đây là tín hiệu tiêu cực trong việc đấu tranh chống nạn bạo lực giới ở Trung Quốc.