Bao giờ bóng đá Việt Nam hết ngán người Thái? Dường như quá khó để tìm câu trả lời. Nhiều thập niên qua, khái niệm "sợ người Thái" như đi vào từ điển bóng đá Việt.
Lúc 15h00 ngày 24/8, U22 Việt Nam chạm trán U22 Thái Lan ở loạt trận cuối bảng B, môn bóng đá nam SEA Games 29.
"Bóng đá Việt Nam kém Thái Lan trên mọi phương diện, bởi vậy nên khi gặp kỳ phùng địch thủ và lại thua nhiều trước đây nữa, dễ hiểu tại sao chúng ta thường có tâm lý e dè", HLV Nguyễn Đức Thắng của Sài Gòn FC trải lòng với Zing.vn.
Thành tích đối đầu giữa Thái Lan và Việt Nam tại SEA Games. Đồ họa: Trí Mai. |
Từ thế hệ của Huỳnh Đức, Hồng Sơn đến Tài Em, Minh Phương, bóng đá Việt lúc nào cũng bị người Thái "đè". Ngay cả khi Công Vinh mang về chức vô địch AFF Cup năm 2008, yếu tố may mắn để lại ấn tượng nhiều hơn đẳng cấp.
Rồi tại SEA Games 29, Thái Lan tiếp tục cản bước Việt Nam. Một trận đấu tưởng chừng chỉ còn thủ tục, nhưng kết quả hòa 0-0 trước U22 Indonesia lại đẩy U22 Việt Nam vào thế sống còn. Việt Nam hoặc Thái Lan, có thể chỉ một trong hai đội đi tiếp sau chiều nay.
U22 Thái Lan có đáng sợ như người ta nghĩ?
Trao đổi với Zing.vn, cựu hậu vệ cánh xuất sắc một thời Trần Công Minh đưa ra quan điểm: "Theo dõi kỳ SEA Games trước, tôi thấy Thái Lan có lực lượng mạnh và lối chơi tinh tế. Còn tại Malaysia năm nay, họ thiếu điều đó qua 4 trận tại vòng bảng".
U22 Thái Lan không có lực lượng mạnh như hai kỳ SEA Games trước. |
Trong hai kỳ SEA Games gần đây, Thái Lan có Chanathip, Sarach Yooyen, Tristan Do hay Tanaboon Kesarat, lứa cầu thủ rất tài năng. Bằng chứng Chanathip lúc này chơi bóng tại Nhật, còn Tristan Do được truyền thông châu Á đánh giá rất cao.
Nhìn lại lực lượng U22 Thái Lan dưới thời Srimaka, khó chỉ ra cái tên nào nổi bật. Trả lời Zing.vn, cây bút Paul Murphy của ESPN nói: "Đúng là thành phần Thái Lan năm nay không mạnh như hai kỳ SEA Games trước".
"U22 Thái Lan thiếu những nhà tổ chức, ở đây ý nói cầu thủ có khả năng dẫn dắt lối chơi tốt như mọi năm",
HLV Đức Thắng nói.
Ký giả rất am tường bóng đá Thái nhấn mạnh lứa cầu thủ từng hai lần vô địch SEA Games trước không chỉ là những cầu thủ trẻ xuất sắc, mà còn là những người rất giỏi tại giải VĐQG Thái Lan. Ở Đông Nam Á, giải đấu của Thái hùng mạnh và phát triển thế nào ai cũng biết.
Và chính vì không có nhân tố xuất sắc, U22 Thái Lan thi đấu rất chật vật. Họ đã thắng 3 trận và hòa 1 trận, tuy nhiên không ai, ngay cả người Thái, hài lòng với màn trình diễn vừa qua. Thậm chí, ông Srimaka còn gọi trận thắng Timor Leste là "nỗi nhục".
"Ngay cả những cầu thủ từng khẳng định được chỗ đứng ở CLB tại giải Thai League trong U22 Thái Lan cũng không có đẳng cấp như lứa đàn anh", Paul Murphy nói.
Nếu ở các kỳ SEA Games gần nhất Thái Lan vô địch, đội bóng này trình làng rất nhiều nhân tố trẻ xuất sắc như Chanathip, Tristan Do hay Tanaboon Kesarat, những người sau đó ngày càng tiến bộ và trở thành trụ cột ở đội tuyển quốc gia Thái Lan, thì U22 Thái Lan hiện tại "bói" không ra tài năng nào.
Dư luận sợ, chứ U22 Việt Nam không sợ người Thái
Căn bệnh "sợ người Thái" của bóng đá Việt Nam trải dài qua nhiều thế hệ. Nhưng HLV Đức Thắng có góc nhìn rất khác. Ông nói: "Lứa cầu thủ trong tay HLV Hữu Thắng đã từng hạ Thái Lan rồi đấy".
Công Phượng từng thắng lứa cầu thủ U19 Thái Lan vào năm 2014. |
Danh sách U22 Thái Lan dự SEA Games 29 có 8 cầu thủ từng đá giải Hassanal Bolkiah năm 2014, nơi U19 Thái Lan đã thua U19 Việt Nam tại bán kết. Trong đó Chenrop Samphaodi, Supravee Miprathang và Chaowat Veerachat là những người đã đá chính ở trận đấu kể trên.
Các cầu thủ này từng đối mặt với Công Phượng, Xuân Trường, Hồng Duy, Tuấn Anh, Tiến Dũng, Quang Hải..., những tuyển thủ U22 Việt Nam hiện tại. Ngoài ra trên ghế dự bị của U19 Việt Nam khi đó còn có Văn Toàn và Đông Triều.
Đội hình hiện tại từng thắng Thái Lan từ 2 năm trước, từ cấp độ U19 đến U21, vậy nên tại sao phải sợ người Thái? Tới đây HLV Đức Thắng giải thích thêm: "U22 Việt Nam không ngán người Thái, nhưng chính dư luận và truyền thông đang vô tình tác động đến tâm lý cầu thủ".
"Lúc này, người hâm mộ và truyền thông nên suy nghĩ tích cực vào tuyển U22 Việt Nam. Chúng ta đừng để quá khứ áp đặt vào cá nhân, từ đó gieo rắc nỗi sợ vào lứa cầu thủ trẻ. U22 Việt Nam không ngán Thái Lan. Mọi người cần có niềm tin vào các cầu thủ", HLV Đức Thắng nhắn gửi.
Cục diện bảng B đang có lợi cho thầy trò Hữu Thắng. Chúng ta chỉ cần hòa sẽ đi tiếp. Cùng lúc, U22 Thái Lan lại không mạnh như trước đây. Họ cũng chơi rất bị động.
"U22 Việt Nam là đội thi đấu ấn tượng nhất tại giải với lối chơi đầy tốc độ. Điều này sẽ khiến U22 Thái Lan gặp nhiều khó khăn nếu cứ thi đấu bị động", Paul Murphy đưa ra luận điểm.
Mọi thứ đang ủng hộ thầy trò Hữu Thắng. Thế nhưng cái khó là phải làm sao giữ vững tâm lý.
Hãy dè chừng mánh lới người Thái
Cục diện bảng B của SEA Games 29. Đồ họa: Trí Mai. |
"Tôi nghĩ U22 Việt Nam cần quên đi trận hòa U22 Indonesia, đồng thời lấy lại thăng bằng và dồn sức cho cuộc đối đầu sắp tới. HLV Trần Công Minh cho biết.
Có chung quan điểm, ký giả Paul Murphy tin trận hòa trước Indonesia sẽ khiến tâm lý U22 Việt Nam bị tổn thương.
Để giải bài toán tâm lý, U22 Việt Nam rất cần lời động viên từ Ban huấn luyện. Và trên hết, niềm tin của người hâm mộ sẽ góp phần khơi lại sự hưng phấn bất ngờ bị khựng lại cho đội bóng áo đỏ. Nhưng trên hết, U22 Việt Nam cũng nên dè chừng chiêu trò của người Thái.
HLV Đức Thắng bày tỏ lo ngại: "Tôi cho rằng U22 Thái Lan đang giấu bài. Họ luôn có những mánh lới và chiến thuật riêng. Ở các giải giao hữu, Thái Lan luôn gửi đội hình rất bình thường đến thi đấu, nhưng khi tới giải chính thức thì xuất hiện những quân bài khác".
Nhìn vào kết quả, U22 Thái Lan đang chơi hiệu quả hơn. Họ đã thắng liên tiếp 3 trận, điều đáng quan tâm với U22 Việt Nam. "Thái Lan đá với sự dàn trải đồng đều cả ba tuyến, và càng đá lại càng tốt lên. Đây là mặt tích cực trong sự chuẩn bị ngắn", HLV Đức Thắng nói.
U22 Việt Nam có lối chơi rất tốc độ. |
Như ký giả Paul Murphy nói "U22 Thái Lan đang chơi quá bị động". Gặp Việt Nam, đội bóng này chắc chắn thay đổi. Chỉ có chiến thắng mới đảm bảo cho nhà ĐKVĐ SEA Games tấm vé đi tiếp. Khi ấy, HLV Srimaka buộc phải có điều chỉnh trên mặt trận tấn công.
"Thái Lan nên dùng Kevin Deeromaram để tạo ra sự sáng tạo nơi hành lang trái và Picha U-Tra từ đầu. Cầu thủ này rất nhanh nhẹn, có thể luồng ra phía sau hàng thủ U22 Việt Nam để áp sát khung thành. Đây là điều U22 Indonesia không làm được", Paul Murphy phân tích.
Cá nhân HLV Đức Thắng nói thêm lịch thi đấu cũng trở thành bất lợi với U22 Việt Nam khi phải căng sức đá với Indonesia và Thái Lan ở hai loạt trận cuối. Ngoài ra, U22 Việt Nam cũng không quen với việc tổ chức phòng ngự để đạt mục đích hướng tới kết quả hòa hay thắng.
Song, nhà cầm quân sinh năm 1976 vẫn giữ niềm tin mãnh liệt vào lứa cầu thủ này. Ông cho rằng có gian truân mới chứng tỏ được bản lĩnh. Mà trong bóng đá, nếu không có bản lĩnh thì đừng nói tới chiến thắng.
"Lịch thi đấu bất lợi tạo cho U22 Việt Nam cơ hội chứng tỏ bản lĩnh. Năm nay, tôi nhìn thấy thành phần đội nhà có nhiều cầu thủ tài năng. Họ đã chinh chiến ở nhiều cấp độ quốc tế lẫn trong nước, vì vậy thích ứng rất nhanh với môi trường và mọi đối tượng", HLV Đức Thắng kết luận.