Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

WEATHER

Du khách tự đi chợ, nấu ăn vì kẹt trên đảo sau bão

Để tiết kiệm chi phí lưu trú trong những ngày chờ tàu về đất liền, Quỳnh cùng 5 cô bạn quyết định tự đi chợ, mướn gian bếp của nhà nghỉ trên đảo Cô Tô (Quảng Ninh) để nấu ăn.

Sáng 17/7, hàng nghìn khách du lịch tiếp tục phải trú lại trên đảo Cô Tô (tỉnh Quảng Ninh) do lực lượng chức năng tạm dừng các chuyến tàu về đất liền bởi ảnh hưởng của cơn bão số 2 (bão Talas).

Theo UBND huyện Cô Tô, hơn 3.000 khách du lịch bị kẹt trên đảo. Để phục vụ các đoàn khách, tất cả các nhà hàng, khách sạn trên huyện đảo đều giảm giá dịch vụ. Một số khách sạn giảm giá 50% cho người lưu trú.

Du khách thuê nhà nghỉ, tự nấu ăn để chờ tàu

Ngọc Quỳnh (nhân viên công ty truyền thông ở Hà Nội) chia sẻ với Zing.vn, cô cùng 5 người bạn đến đảo Cô Tô du lịch cuối tuần hôm 14/7. Sau 2 ngày tham quan, họ mua vé rồi ra bến tàu để về đất liền thì nhận được thông báo cấm tàu do cơn bão số 2 đổ bộ.

Hay tin các tàu tạm dừng chở khách, Quỳnh và nhóm bạn lo lắng. Cả nhóm, ai cũng lo lắng vì chưa chuẩn bị cho tình huống phải ở lại đảo thêm ngày so với dự định ban đầu.

Du khach bi ket dao Co To anh 1
Hơn 3.000 du khách bị kẹt trên đảo Cô Tô do cơn bão số 2. Ảnh: CTV.

Nữ du khách kể sau khi trả phòng lưu trú để ra bến tàu, do bị hoãn chuyến nên 6 cô gái phải trở lại thị trấn Cô Tô. Sau khi chọn một nhà nghỉ khá khang trang và ở gần chợ, 6 nữ du khách quyết định thuê chung một phòng có giường đôi, với giá 400.000 đồng/ngày.

Để tiết kiệm chi phí, Quỳnh cùng nhóm bạn từng học chung đại học quyết định góp tiền đi chợ mua thực phẩm, rau xanh. May mắn được một tài xế taxi địa phương giúp đỡ, nữ du khách nhanh chóng “hòa nhập” lối sinh hoạt trên huyện đảo.

“Các bạn thuyết phục chủ nhà nghỉ và họ đồng ý cho mượn bếp, đồ nấu ăn để khách sử dụng trong thời gian chờ tàu về đất liền”, Ngọc Quỳnh cười chia sẻ.

Lần đầu đi du lịch đảo Cô Tô nhưng gặp tình huống không lường trước, Quỳnh cho hay nếu phải ở lại nhiều ngày trên đảo, họ sẽ gặp khó khăn do chưa chuẩn bị trước.

Dù khiến công việc bị đảo lộn, sự cố mang lại cho Quỳnh một trải nghiệm thú vị. Theo cô gái, kỷ niệm đáng nhớ nhất trong lần khám phá hòn đảo cách đất liền khoảng 80 km là những lần cả nhóm ăn mỳ tôm, để dành chi phí dự phòng khi phải lưu lại nhiều ngày.

Du khach bi ket dao Co To anh 2
Theo UBND huyện Cô Tô, khi thời tiết trên biển thuận lợi, các tàu sẽ đưa du khách về đất liền. Ảnh: CTV.

Khách sạn 3 sao giảm giá thuê phòng

Trong số hàng nghìn người tham quan mắc kẹt trên đảo, chị Hà (công chức ở Hà Nội) ngậm ngùi chia sẻ chị cùng đồng nghiệp phải lùi lịch trình về Hà Nội. Tâm lý sốt ruột hiện rõ trên khuôn mặt các thành viên.

Nữ công chức cho biết thời tiết sáng 17/7 trên đảo Cô Tô thuận lợi, các đoàn khách du lịch được tạo điều kiện ăn nghỉ, sinh hoạt khá thoải mái. Do đó, nhiều người bớt hoang mang hơn dù cơn bão số 2 đang gây ảnh hưởng các tỉnh ven biển.

Đoàn du lịch của chị Hà có 15 người (gồm cả trẻ em), ra đảo Cô Tô nghỉ dưỡng từ ngày 14/7. Theo lịch trình, đoàn về đất liền sau 2 ngày trải nghiệm. Tuy nhiên, lúc chuẩn bị ra về, Hà cùng đồng nghiệp nhận được thông báo cấm tàu do mưa bão.

Phải lưu trú lại thêm ngày trên đảo, chị Hà cho biết đoàn của chị thuê phòng tại một khách sạn 3 sao. Tại đây, khách du lịch được khách sạn giảm giá dịch vụ.

“Thông thường họ cho thuê phòng với giá 700.000 đồng/ngày nhưng nay, họ giảm còn 600.000 đồng cho khách lưu trú”, chị Hà cho hay.

Nữ du khách đánh giá không có tình trạng chặt chém khách du lịch trên đảo, mặc dù hầu hết các cơ sở lưu trú đều chật kín người thuê. Theo quan sát, chị Hà thấy các điểm vui chơi, bãi tắm trên đảo Cô Tô du khách tập trung đông để chờ về đất liền.

Trao đổi với Zing.vn, ông Hoàng Bá Nam, Chủ tịch UBND huyện đảo Cô Tô cho hay sau khi hơn 3.000 du khách (trong đó có 14 du khách nước ngoài) đang mắc kẹt trên đảo, đơn vị đã thành lập 5 tổ công tác đi kiểm tra.

“Chúng tôi ghi nhận thấy khách rất yên tâm về tình hình lưu trú trên đảo, không có tình trạng chặt chém giá dịch vụ”, ông Nam thông tin.

Theo vị Chủ tịch, các nhà hàng, khách sạn trên huyện đảo đều giảm giá dịch vụ cho khách du lịch, bắt đầu từ ngày 16/7.

UBND đang phối hợp Trung tâm Khí tượng thủy văn, Cảng vụ và lực lượng bộ đội biên phòng theo dõi tình hình mưa bão. Ngay khi gió giảm và thời tiết trên biển thuận lợi, lực lượng chức năng sẽ bố trí tàu đưa du khách về đất liền.

Lũ dâng cao sau bão, nhiều nơi ở Thanh Hóa bị cô lập

Trưa 17/7, ông Nguyễn Xuân Hồng, Phó bí thư Thường trực Huyện ủy Lang Chánh (Thanh Hóa), cho biết hiện mực nước sông Âm và sông Cảy, đoạn qua địa bàn đang dâng cao sau bão số 2 khiến 44 hộ dân ở Bản Trải 2 thuộc thị trấn Lang Chánh phải sơ tán khẩn cấp. Ngoài ra, các hộ thuộc các xã Tam Văn, Đồng Lương, Quang Hiến cũng đang phải di dời.

Toàn bộ tuyến đường từ thị trấn đến trung tâm các xã đều bị ngập cục bộ, giao thông tê liệt.

Theo thống kê sau bão, xã Trí Nang có 2 nhà dân bị đất, đá sạt lở gây sập nhà và thiệt hại vật nuôi; xã Tân Phúc 1 hộ bị tốc mái nhà. Trường Tiểu học Giao An bị tốc mái 4 phòng học với diện tích 280 m2. Mưa lũ cũng khiến hàng trăm ha hoa màu, diện tích nuôi trồng thủy sản bị ngập và cuốn trôi.

Tại huyện Quan Sơn, do lũ từ thượng nguồn đổ về khiến nước sông Lò, sông Luồng dâng cao, nguy cơ sẽ xảy ra lũ ống, lũ quét. UBND huyện đã cử lực lượng túc trực 24/24h để theo dõi tình hình.

Tại huyện Thường Xuân, xã Luận Khê bị cô lập hoàn toàn. Mọi con đường vào xã này đều bị nước lũ bủa vây.

Ông Lương Văn Cường, Chủ tịch UBND xã Luận Khê, bão lũ đã khiến 1 ngôi nhà sập hoàn toàn. Ngoài ra, khoảng hơn 40 ha hoa màu cùng nhiều tài sản của người dân xã này bị cuốn trôi.

Thuyền trưởng kể chuyện cứu sống 2 người trôi dạt trên biển

Anh Vũ Đình Thường, thuyền trưởng tàu Lam Hồng 99 cho biết dẫu đang mưa to, gió lớn nhưng nghe tin tàu VTB-26 bị bão đánh chìm tất cả thành viên trên tàu anh đều dồn sức cứu nạn.

Hoàng Lam - Nguyễn Dương

Bạn có thể quan tâm