Một số du khách bị ghi hình trèo lên tường thành cổ tại thành phố Tây An, tỉnh Thiểm Tây, khiến một số viên gạch rơi khỏi vị trí, South China Morning Post đưa tin ngày 6/5. Đoạn video được đăng tải hôm 2/5 còn cho thấy một số khác đẩy con lên để cho chúng nghịch di tích.
Tường thành cổ ở Tây An được xây dựng từ hơn 600 năm trước. Đây là một điểm thu hút khách du lịch lớn của thành phố, bên cạnh đội quân đất nung.
Một số du khách đu bám lên tường thành cổ để chụp ảnh. Ảnh: Sina. |
Hiện tượng này trở nên phổ biến đến mức ban quản lý di tích phải tu sửa lại bức tường cổ sau mỗi đợt du khách, một nhân viên ở đây cho biết.
Bức tường thành cổ được xây từ những ngày đầu của nhà Minh (1368-1644) và đè lên trên tàn tích từ nhà Đường (618-907), tổng chiều dài là 13,7 km.
Vì thế, “việc sắp xếp cho nhân viên đứng cả ngày một chỗ là bất khả thi”, nhân viên tại đây cho hay.
Ngoài đu bám lên tường, du khách đến đây còn ngồi lên lan can chụp ảnh hoặc cởi giày tại nơi công cộng.
Tương tự, Thiếu Lâm Tự, một địa điểm thu hút khách du lịch ở tỉnh Hà Nam, cũng bị một số du khách thiếu ý thức phá hoại. Theo trang tin Feidian Video, một cậu bé tuổi thiếu niên đã bị ghi hình vẽ lên bia đá cổ trong chùa với niên đại hơn 500 năm.
Du khách khắc tên trên thân tre gần chùa Thiếu Lâm Tự. Ảnh: South China Morning Post. |
Những thân tre gần chùa Thiếu Lâm Tự cũng bị vẽ bậy hoặc khắc lên những dòng chữ theo dạng “A đã ở đây” hoặc “A và B 1314” (tức A và B sẽ bên nhau trọn đời).
Trong một video khác, một nhóm người trưởng thành trèo lên thân tre và còn khuyến khích con mình làm theo. Khi được hỏi tại sao trèo cây tre, một người lớn nói là “để tập thể dục”.
Trước tình trạng này, ban quản lý các địa điểm hút khách du lịch đã tăng cường công tác xử lý những du khách “kém văn minh”.
Ngày 3/5, công viên rừng quốc gia Hoàng Tạng Dục tại tỉnh An Huy phải đuổi hai vị khách nam sau khi họ trèo lên hàng rào bảo hộ của cây cầu kính cách mặt đất 200 m để gây ấn tượng và chụp ảnh, truyền thông địa phương đưa tin. Dù bị những du khách khác la hét cảnh báo, hai người đàn ông vẫn tiếp tục thể hiện màn trình diễn như “Người Nhện”.
Ban quản lý tường thành cổ tại Tây An phần nào sáng tạo hơn trong việc ngăn chặn các hành vi nguy hiểm.
Họ phái một nhóm thanh niên ăn vận như binh lính thời Đường để lịch sự cảnh báo các du khách không làm tổn hại di tích.
“Khi thấy những người khách như vậy, các chiến binh của chúng tôi sẽ tới yêu cầu họ dừng hành động ấy lại. Những người này dùng lối nói như đang ở trong thời Đường”, phát ngôn viên của ban quản lý tường thành Tây An nói với Sohu News.