Theo Bloomberg, chưa đầy 2 tiếng sau, các tấm ván gỗ tạm thời được ráp nối để người dân đi bộ trên những con đường đá cổ. Và những người bán ủng giá rẻ cũng ngay lập tức có mặt để chào mời khách du lịch.
Ông Sergio Boldrin, một trong những thợ làm mặt nạ thủ công nổi tiếng nhất Venice, than thở: “Thành phố này ngày càng đánh mất linh hồn". Theo ông, lũ lụt không phải dấu hiệu duy nhất của sự "đổ nát". Tình trạng quá tải du khách cũng đang tác động nhiều đến thành phố xinh đẹp của Italy.
Ông cho biết du khách thường chỉ dạo chơi, ngắm nghía chứ không thực sự mua các sản phẩm đặc trưng của Venice, ví dụ như những chiếc mặt nạ khoảng 1.000 euro (tương đương 1.100 USD) của ông: “Họ không nhận ra vẻ đẹp thực sự của nó”, ông cay đắng nói.
Du khách trên những cây cầu đi bộ trên cao còn sót lại ở Piazza San Marco sau trận lụt vừa qua ở Venice. Ảnh: Bloomberg. |
Du khách đến nhưng không chi tiền
Ông Boldrin được Bloomberg gọi là hiện thân cho những giá trị truyền thống của Venice. Đứng sau gian hàng gần cây cầu Rialto nổi tiếng, người đàn ông 62 tuổi này dõi mắt tới hàng dài giá đỡ ọp ẹp bên vệ đường, nơi bày bán những món đồ lưu niệm chỉ 10 euro, bao gồm những chiếc mặt nạ nhái làm bằng nhựa hoặc sứ kém chất lượng.
Venice thu hút khoảng 30 triệu du khách trong năm nay. Tình trạng quá tải du khách khiến hạ tầng thành phố ngày càng xuống cấp, nhưng nền kinh tế địa phương trên thực tế không sáng sủa hơn.
Theo nghiên cứu của Hiệp hội Doanh nghiệp thương mại Địa phương Confartigianato Venezia, 3/4 du khách chỉ ở lại chỉ trong vài giờ và chi trung bình 13 euro cho việc mua quà lưu niệm.
Các nghệ nhân đang cố gắng cạnh tranh với dòng sản phẩm giá rẻ từ nước ngoài, trong khi tiền thuê mặt bằng cũng ngày càng đắt đỏ. Tính từ năm 1970, số thợ lành nghề của thành phố đã giảm một nửa, xuống còn khoảng 1.100 người năm 2018.
Một công nhân tạt nước ra khỏi nhà sau trận lũ. Ảnh: Bloomberg. |
Enrico Vettore, một doanh nhân thuộc Confartigianato Venezia, giải thích: “Chuyện giảm sút là hiển nhiên, vì các thế hệ sau thường không theo nghề. Nhưng một phần cũng vì du khách không còn mua đồ thủ công thật nữa".
Không thể ngăn chặn lũ lụt
Trên hòn đảo Murano gần đó, Luciano Gambaro - người đứng đầu một doanh nghiệp gia đình chuyên sản xuất đồ thuỷ tinh - cũng đang vật lộn để duy trì hoạt động kinh doanh. Số nghệ nhân làm bình và tượng thủy tinh đã giảm một nửa; một phần do sự cạnh tranh của các sản phẩm giả từ Đông Âu, Trung Quốc và Ấn Độ.
Lũ lụt xảy ra thường xuyên hơn, cản trở các hoạt động của thành phố như các tuyến thuyền Vaporetto nối một số điểm dừng trên kênh Grand đến các địa điểm xa xôi như Murano, Burano và đảo Lido.
Gần nửa đêm 12/11, Venice hứng chịu trận lụt lịch sử với mực nước dâng cao đến 184 cm. Nó được tạo ra bởi thủy triều và các đợt gió mạnh lên đến 120 km/giờ. Quan chức thành phố ước tính thiệt hại khoảng 1 tỷ euro.
Du khách quốc tế chỉ đến Venice ngắm cảnh và không chi tiền. Ảnh: Bloomberg. |
Ông Jane Da Mosto - lãnh đạo một tổ chức phi lợi nhuận - phát biểu: “Trận lụt khiến chúng tôi nhận ra tình hình thực sự của thành phố”. Chính quyền đang cố gắng kiểm soát các hoạt động du lịch và cải thiện tình hình suy giảm dân cư. Hơn 1.000 cư dân rời đi mỗi năm và hiện còn khoảng 50.000 người dân bản địa.
Thực trạng này khiến người dân đặc biệt quan tâm đến dự án chống ngập MOSE. Dự án vượt quá ngân sách 5,5 tỷ euro và không thể đưa vào hoạt động năm 2022 như kế hoạch. Nhiều chuyên gia cho rằng cho dù được thực hiện, dự án này cũng không thể ngăn chặn ngập lụt.
Theo Climate Central, tổ chức độc lập gồm một số nhà khoa học và nhà báo, tình trạng nóng lên toàn cầu đã làm mực nước biển tăng lên 20 cm kể từ năm 1880. Tốc độ này đang gia tăng và sẽ là viễn cảnh ảm đạm cho những cư dân thành phố như ông Boldrin.