Philip Carroll (23 tuổi), du khách đến từ bang Maryland (Mỹ), cùng gia đình đi bộ lên núi lửa Vesuvius (Italy). Đây là ngọn núi nổi tiếng lịch sử loài người, từng nhấn chìm thành phố Pompeii thời La Mã cổ đại sau một vụ phun trào, theo The Washington Post.
Paolo Cappelli, Chủ tịch Đoàn thường trực núi lửa Vesuvius, nơi tập kết các hướng dẫn viên ở điểm tham quan này, nói với NBC News rằng ngày 9/7, gia đình Carroll di chuyển lên đỉnh núi từ thị trấn Ottaviano. Họ đi qua một con đường mòn không dành cho khách du lịch và đã treo biển “Cấm vào”.
Cơ thể bị xây xát, chảy máu của du khách Mỹ. Ảnh: Hướng dẫn viên núi lửa Vesuvius. |
Khi tới đỉnh núi, chàng trai 23 tuổi rút điện thoại, muốn ghi lại kỷ niệm khoảnh khắc ở độ cao hơn 1.200 m. Song không may, chiếc điện thoại rơi vào miệng núi lửa.
Do cố gắng với lấy chiếc điện thoại để tiếp tục chụp ảnh, anh bị trượt chân và trượt dài vài mét. Du khách này đã tìm cách tự chặn lại cú ngã của mình nhưng lại rơi vào tình thế mắc kẹt.
“Dù sao, chàng trai vẫn rất may mắn. Nếu còn tiếp tục rơi, anh ta đã có thể lao sâu thêm 300 m xuống miệng núi lửa”, ông Cappelli nói. Miệng núi lửa này hình nón, có đường kính 450 m và độ sâu 300 m.
Nhóm hướng dẫn viên của Đoàn thường trực núi lửa Vesuvius đã chứng kiến những gì xảy ra với Carroll từ phía đối diện và lập tức chạy tới giúp đỡ vị khách du lịch. Họ sử dụng một sợi dây thừng dài để kéo anh lên nơi an toàn.
Khi được kéo lên, Carroll đã bất tỉnh, có nhiều vết bầm tím và bị trầy xước đáng kể, gây chảy máu ở chân, tay và lưng. Sau khi được sơ cứu, anh được di chuyển xuống chân núi và điều trị trên xe cứu thương. Du khách này từ chối đến bệnh viện, cảnh sát địa phương nói với CNN.
Dù gặp tai nạn, ông Cappelli cho biết Carroll đã bị cảnh sát địa phương bắt giữ. Hiện chưa rõ chàng trai sẽ phải đối mặt với mức phạt nào khi cố ý leo lên đỉnh núi Vesuvius bằng đường cấm.
Caroll cùng vài thành viên gia đình tiếp cận đỉnh núi lửa bằng đường mòn bị cấm. Ảnh: Stefan Rousseau/AP. |
Vị khách du lịch trẻ tuổi này sống sót, nhưng một số người khác đã không gặp may mắn như vậy khi cố gắng chụp hình tại những điểm tham quan nguy hiểm.
Ngày 15/4, một người đi bộ đường dài tử vong vì rơi xuống biển ở Khu bảo tồn biển Cape D'Aguilar, phía đông nam Hong Kong (Trung Quốc). Theo kết quả điều tra sơ bộ, người đàn ông này vô tình bị sóng lớn cuốn đi khi mải chụp hình.
Tháng 1, Richard Jacobson (21 tuổi), đến từ bang Arizona (Mỹ), trượt chân và rơi từ độ cao 213 m khi đang cố gắng chụp ảnh selfie ở vách đá trên dãy núi Superstition. Giới chức cho biết họ không tìm thấy dấu hiệu của việc sử dụng chất kích thích hoặc âm mưu hãm hại, “chỉ đơn thuần là một tai nạn thảm khốc”.
Cuối tháng 7/2021, Albert Dyrlund, YouTuber nổi tiếng với nhiều clip ca nhạc và phim hài, không qua khỏi sau khi ngã từ vách đá có độ cao 200 m. Vụ tai nạn xảy ra khi Albert đang quay video mới tại Forcella Pana thuộc dãy Alps (Italy).
Albert Dyrlund qua đời ở tuổi 22 khi quay phim trên núi. Ảnh: @albertdyrlund. |
Các nhà nghiên cứu cảnh báo rằng những cái chết liên quan đến chụp ảnh selfie đã trở thành “một vấn đề sức khỏe cộng đồng lớn”.
Theo một nghiên cứu được công bố vào tháng 10/2021 trên tạp chí Travel Medicine, tính từ tháng 1/2008 đến tháng 7/2021, 379 người đã qua đời do cố gắng chụp ảnh “tự sướng” gần động vật nguy hiểm, trước thác nước hoặc trong lúc sử dụng vũ khí nguy hiểm.
Độ tuổi trung bình của những nạn nhân là 24, trong đó nhóm lớn nhất là 19 tuổi. Ngã từ trên cao là nguyên nhân chính gây tử vong, cướp đi sinh mạng của 216 người. 123 trường hợp tử vong khác liên quan đến giao thông vận tải. Những người khác qua đời do đuối nước hoặc bị thương bởi vũ khí, điện, động vật.