Liên tục nhiều ngày qua, hàng trăm du khách phản ánh tình trạng chờ đợi tàu cao tốc quá lâu tại Cảng Sa Kỳ, huyện Bình Sơn để ra tham quan huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi).
"Chúng tôi xếp hàng mua vé tàu cao tốc từ sáng sớm để ra đảo Lý Sơn du lịch nhưng phải ngồi vạ vật suốt hơn một giờ tại Cảng Sa Kỳ vì chờ tàu cao tốc đi bơm nhiên liệu", bà Trần Thị Hạnh (ngụ Hà Nội) cho hay.
Ông Đoàn Khắc Anh Duyệt, Trưởng phòng Khai thác dịch vụ hành khách, Ban quản lý Cảng và Cảng vụ đường thủy nội địa Quảng Ngãi, lý giải sở dĩ có tình trạng này là do doanh nghiệp tự thỏa hiệp bố trí phiên chuyến tàu cao tốc chưa phù hợp gây ra tình trạng quá tải.
Lượng khách đến tham quan huyện đảo Lý Sơn nhiều nhưng việc bố trí tàu cao tốc bị "dồn toa", không kịp thời gian quay đầu, tiếp nhiên liệu. "Tình trạng này gây ra tình trạng chậm chuyến, hành khách chờ đợi quá lâu tại Cảng Sa Kỳ nên họ bức xúc", ông Duyệt nói.
Lịch bố trí tàu cao tốc chưa hợp lý khiến du khách chờ đợi lâu tại Cảng Sa Kỳ. Ảnh: Minh Hoàng. |
Hiện có bốn doanh nghiệp kinh doanh, khai thác với tổng cộng 6 tàu cao tốc hoạt động trên tuyến vận tải biển Sa Kỳ đi huyện đảo Lý Sơn và ngược lại. Mùa cao điểm du lịch, trung bình mỗi ngày có 7 chuyến tàu cao tốc đưa du khách ra đảo Lý Sơn.
Những ngày cuối tuần có 10 đến 11 chuyến tàu cao tốc hoạt động trên tuyến vận tải biển Sa Kỳ - đảo Lý Sơn và ngược lại (800-1.500 hành khách).
Thực tế hiện nay số lượng tàu cao tốc thì nhiều nhưng lượt tàu đón, trả khách bị một số doanh nghiệp khống chế hoạt động nên phát sinh nhiều bất cập.
"Nhóm doanh nghiệp tự dàn xếp, o ép nên mỗi tuần tàu cao tốc Chín Nghĩa 09 chỉ hoạt động được một ngày chung với tàu Siêu tốc Hòa Bình 2. Nhiều lần chúng tôi viết đơn khiếu nại nhưng đến nay tình trạng này vẫn chưa được tháo gỡ", ông Phạm Quang Đáng, Phó giám đốc tàu cao tốc Chín Nghĩa 09 nói.
Du khách chờ đợi tàu cao tốc vạ vật ở Cảng Sa Kỳ. Ảnh: Minh Hoàng. |
Ban quản lý Cảng và Cảng vụ đường thủy nội địa Quảng Ngãi bố trí vị trí cầu cảng đảm bảo tàu vào đón, trả khách. Tuy nhiên các đơn vị thỏa hiệp tạo ra thế "độc quyền" khống chế số lượng tàu cao tốc chạy trên tuyến vận tải biển Sa Kỳ - Lý Sơn và ngược lại.
Cụ thể, nhóm doanh nghiệp có các tàu cao tốc Super Biển Đông, Super 2 Biển Đông, An Vĩnh Express, siêu tốc Hòa Bình. Trong khi đó, hai tàu cao tốc bị khống chế hoạt động vận tải là Chín Nghĩa 09 và Siêu tốc Hòa Bình 2.
Để chấn chỉnh tình trạng này, thời gian tới, Ban quản lý Cảng xây dựng kế hoạch chạy tàu, hợp đồng các đơn vị trên cơ sở bình đẳng khách hàng và các đơn vị vận tải nhằm đảo bảo hài hòa lợi ích giữa các doanh nghiệp, phục vụ tốt nhất nhu cầu đi lại của du khách.