Nhiều nữ du học sinh Trung Quốc cố tự 'cởi trói' khỏi định kiến giới khi về nước. |
Khi Li Fang (không phải tên thật) trở về Trung Quốc sau khi học thạc sĩ ở Australia, gia đình và bạn bè nhận ra cô đã không còn như xưa. Họ ngạc nhiên khi cô thẳng thắn chia sẻ quan điểm, thay vì nhận xét một cách tế nhị như trước.
Tương tự, những đồng nghiệp tại một cơ quan nhà nước cũng cho rằng Li có sự khác biệt lớn so với họ.
Chính Li cũng thừa nhận điều này. Cô hài lòng với tinh thần độc lập, tự tin này hơn, thay vì “chỉ im lặng và phục tùng như trước đây”, theo ABC News.
Tương tự Li Fang, nhiều nữ du học sinh có sự thay đổi đáng kể về lối sống và mục tiêu cuộc đời. Tuy nhiên, họ vẫn mắc kẹt với quan điểm như phụ nữ nên gác lại sự nghiệp, lấy chồng trước tuổi 30 dù có trình độ học vấn cao.
Định kiến về phái nữ
Trong nghiên cứu kéo dài 5 năm với 56 nữ sinh viên Trung Quốc, Fran Martin, phó giáo sư về nghiên cứu văn hóa tại Đại học Melbourne, chỉ ra rằng việc sang nước ngoài học của họ không chỉ liên quan tới ước mơ cá nhân, mà còn đem theo cả kỳ vọng về giới tính.
“Ở góc độ cá nhân, nhiều cô gái có trải nghiệm mang ý nghĩa đặc biệt khi du học. Nhờ đó, họ cảm nhận chủ quan về chính mình cũng như vạch ra những kế hoạch, với tư cách một phụ nữ trưởng thành. Việc định hướng tương lai, sống độc lập trở nên dễ dàng hơn khi không bị giám sát xã hội và gia đình ở quê nhà”, bà Martin nói.
Nhiều tình nguyện viên chia sẻ về sự nhẹ nhõm khi rời khỏi cuộc sống nhiều quy chuẩn. Họ tự do nhuộm tóc, sống chung với bạn trai và không phải lo nghĩ về trách nhiệm làm vợ, chăm con.
Dù có trình độ cao, nhiều nữ du học sinh vẫn bị yêu cầu cưới chồng, sinh con sớm. Ảnh: ABC News. |
Tuy nhiên, tư tưởng này nhanh chóng va chạm với thực tại vẫn còn bảo thủ tại quê nhà. Theo Fran Martin, các nữ sinh thường sốc khi nhận ra mình khó giữ được phong cách sống độc lập như quãng thời gian du học.
Nghiên cứu cũng chỉ ra mâu thuẫn nặng nề trong tư tưởng người Trung Quốc. Cụ thể, nhiều gia đình luôn kỳ vọng con cái có trình độ học vấn cao, nhiều bằng cấp. Tuy nhiên, ngay khi đứa con du học trở về, các bậc phụ huynh lại buộc chúng phải tập trung xây dựng gia đình.
“Hầu như họ chỉ quan tâm khi nào tôi kết hôn và sinh em bé, trong khi điều tôi quan tâm là sự nghiệp của mình. Đáng nói, trên Internet còn có nhiều diễn đàn mỉa mai du học sinh nữ. Họ mặc định chúng tôi đều quan hệ tình dục bừa bãi sau khi tiếp nhận văn hóa phương Tây. Đó là một sự sỉ nhục”, một nữ sinh viên tham gia nghiên cứu cho biết.
Nỗ lực tự ‘cởi trói’
Sau khi hoàn thành chương trình thạc sĩ ở Australia, Li Fang tiếp tục sang New Zealand học tiến sĩ. Công việc của cô sau khi về nước phát triển mạnh mẽ, song cô vẫn bị cười cợt vì chưa lấy chồng ở tuổi 29.
“Ai cũng nghĩ rằng phụ nữ nên kết hôn ở tuổi 25, 26. Nhiều người cho rằng tôi ‘quá lứa lỡ thì’, nhưng tôi không quan tâm. Làm sao có thể làm đám cưới khi tôi còn chưa biết mình sẽ định cư ở thành phố nào trong vài năm tới?”, Li bày tỏ.
Cô cho rằng mình và các du học sinh về nước khác đều có tiêu chuẩn cao khi tìm kiếm một nửa phù hợp. Đa số thích yêu người từng sống ở nước ngoài nhằm dễ hòa hợp tư tưởng hiện đại.
Nữ giới Trung Quốc có những nỗ lực cụ thể để thoát khỏi định kiến. Ảnh: pexels. |
Bên cạnh đó, Li thừa nhận đã chật vật rất lâu để tìm cách cân bằng giữa công việc và cuộc sống cá nhân. Theo cô, đây là điều gần như bất khả thi tại Trung Quốc.
“Bất kỳ ai cũng phải nỗ lực để cạnh tranh ở nơi công sở. Điều đó khó khăn hơn khi bạn là nữ giới. Thú thật, tôi không phải trải nghiệm loại áp lực này khi còn ở Australia hay New Zealand. Mọi thứ có vẻ chậm rãi, lành mạnh hơn. Do vậy, thay vì khổ sở thích nghi, nhiều người mạnh dạn ra nước ngoài sinh sống”, cô gái 29 tuổi cho biết.
Theo Fran Martin, bất chấp những kỳ vọng và áp lực liên tục đè nén, nữ giới Trung Quốc vẫn có xu hướng đấu tranh cho chính mình.
Tại nhiều thành phố lớn, độ tuổi kết hôn đầu tiên trung bình của phụ nữ đang dần tăng. Đây là dấu hiệu tích cực, cho thấy sức ép đang có dấu hiệu bị đẩy lùi.
“Những người phụ nữ này tự tin hơn nhờ trình độ chuyên môn cao, hiểu biết nhiều về thế giới xung quanh. Từ đó, ý thức tự quyết định cũng ngày càng sâu sắc hơn. Trong tương lai, họ sẽ dần tự ‘cởi trói’ và xây dựng tương lai theo ý muốn của bản thân”, chuyên gia nói thêm.