Khu phố Singapore được trang hoàng rực rỡ đón Tết 2015. Ảnh: Straitstimes |
Phùng Bích Thảo, 24 tuổi, đang học ngành quản lý, trường Đại học Kaplan Singapore, cho biết không khí tại Singapore những ngày gần Tết âm lịch khá nhộn nhịp. "Các trung tâm thương mại trang trí đèn lồng, trong khi người dân sử dụng những đồ vật hình con dê để trang trí nhà cửa. Tuy nhiên, không khí tại Singapore không sôi động bằng Việt Nam vì họ chỉ nghỉ Tết trong 3 ngày", Thảo chia sẻ.
Trong khi đó, Tiêu Hà Phong, sinh viên ngành khoa học máy tính trường Kaplan Singapore, nói bạn cảm thấy khá nhớ nhà. "Không khí đón Tết âm lịch tràn ngập trên đường phố khiến mình cảm thấy nhớ nhà và muốn tạm gác mọi chuyện để trở về sum vầy cùng gia đình".
Phong cũng tiết lộ, khu vực thu hút nhiều sinh viên Việt trong những ngày giáp Tết là các quán ăn ở khu trung tâm hoặc khu phố người Hoa, nơi bán nhiều thực phẩm và đồ dùng cho dịp Tết âm lịch. Khu vực này thường rất nhộn nhịp vào những ngày cuối tuần.
Nhiều du học sinh không về nước vào dịp Tết vì bận rộn với những bài kiểm tra cuối kỳ. Thay vào đó, họ cùng nhau lên kế hoạch đón Tết theo truyền thống của người Việt để nguôi ngoai nỗi nhớ gia đình. Phong chia sẻ rằng, sinh viên xa nhà sẽ tới chợ Thái hay còn gọi là Golden Mile Complex hoặc Shengsiong để mua nguyên liệu gói bánh chưng truyền thống.
Theo Bích Thảo, những sinh viên không về Việt Nam dịp Tết năm nay sẽ tới khu Chinatown vào đêm giao thừa. Ảnh nhân vật cung cấp |
"Ngày 8/2 tới, đại sứ quán Việt Nam tại Singapore tổ chức văn nghệ và những người tham dự có thể thưởng thức những món ăn Việt Nam như bánh chưng, nem rán, giò lụa...", Thảo nói.
Theo cô gái gốc Hà Nội, những sinh viên không về Việt Nam dịp Tết năm nay sẽ tới khu Chinatown vào đêm giao thừa. Ngày hôm sau, Phủ thủ tướng của ông Lý Hiển Long sẽ mở cửa cho người dân tham quan.
Nhớ ba mẹ, anh chị
Cùng chung tâm trạng của du học sinh ăn Tết xa nhà, Nguyễn Thu Hiền, 22 tuổi, sinh viên năm thứ nhất Học viện ngôn ngữ Ichikawa Nhật Bản tâm sự: "Đây là lần đầu tiên em ăn Tết xa nhà nên rất nhớ ba mẹ và anh chị. Em cũng không được ngồi bên gia đình để xem chương trình Táo Quân hay cùng mẹ và chị chuẩn bị mâm cơm đêm giao thừa".
Theo Hiền, các du học sinh đều bận rộn với việc học và làm thêm nên không có nhiều thời gian chuẩn bị cho Tết. "Có thể cuối tuần, em cùng các bạn tụ tập nấu nướng hoặc lên chùa xin lộc. Em cũng sẽ gọi điện về chúc Tết gia đình vào đêm giao thừa", Hiền chia sẻ.
Trong khi đó, khác với những năm trước, Tết 2015 là cơ hội để Lê Minh Chiến, sinh viên năm thứ hai, ngành tài chính thuộc trường Đại học La Trobe, Australia, trở về Việt Nam sum họp cùng gia đình.
"Trước đây, việc học và làm thêm khiến mình không còn nhiều thời gian để nghĩ tới chuyện về nhà. Nhưng những tháng gần Tết, bạn bè cứ nối tiếp nhau về quê. Đưa các bạn ra sân bay rồi quay về ký túc xá mà mình cảm thấy hụt hẫng vì nhớ gia đình", Chiến chia sẻ.
Theo chia sẻ của chàng du học sinh chững chạc này, Tết năm nay là cơ hội để bạn chứng minh sự trưởng thành của bản thân. Chiến đang rất háo hức cho hành trình trở về Việt Nam, để khoe với mọi người về những thành tích và sự trưởng thành của bạn trong quãng thời gian dài sống tự lập.
Ấm áp bên bạn bè
Bữa tiệc đón Tết Giáp Ngọ của sinh viên Việt Nam tại Đại học Huddersfield, Anh, diễn ra vào đúng đêm giao thừa. Ảnh: Vietsoc. |
Trong khi đó, như mọi năm, các bạn trẻ của Hội sinh viên Việt Nam tại Đại học Huddersfield Anh (Vietsoc), sẽ tổ chức đón Tết cổ truyền. Nguyễn Khắc Thịnh, 23 tuổi, cho biết: "Dù không khí Tết tại Huddersfied không thể náo nức bằng ở nhà nhưng mọi người trong hội luôn cố gắng tạo ra bầu không khí đầm ấm nhất cho các sinh viên".
Việc chuẩn bị tết của Vietsoc vô cùng tỉ mỉ. Theo thường lệ, thành viên trong hội sẽ chia làm nhiều nhóm và phụ trách các công việc khác nhau như trang trí, nấu ăn, biểu diễn và quay phim kỷ niệm.
Những cô, cậu sinh viên của hội Vietsoc tự tay chuẩn bị tất cả mọi thứ cho bữa tiệc chào đón năm mới. Ảnh: Vietsoc. |
"Ở đây, từ việc vào rừng lấy cành cây làm cành mai, cành đào cho tới gói bánh chưng hay viết câu đối, mọi thứ đều do chúng mình tự làm", Thịnh nói.
Buổi tiệc đón năm mới do hội sinh viên tổ chức sẽ diễn ra vào thời điểm đúng đêm giao thừa, tức là khoảng 17h chiều tại Anh.
Theo Thịnh, mỗi năm, trường Huddersfield có 2 đợt tuyển sinh là vào tháng 1 và tháng 9. Vietsoc sẽ lên danh sách và mời mọi người tham gia. Hiện nay, khoảng 100 sinh viên Việt Nam đang học tập và nghiên cứu tại đây.
Từ Mỹ, Nguyễn Dũng, 22 tuổi, sinh viên khoa Hóa học của Đại học Fullerton, cho biết vì Tết Nguyên đán không phải là tết truyền thống của Mỹ nên không khí vào những ngày này cũng không khác nhiều so với ngày thường. Hơn nữa, bài vở trên lớp khá nặng nên sinh viên cũng chỉ biết học. Nếu không bận, họ sẽ rủ nhau sang khu người Việt chơi.
"Khu Phước Lộc Thọ khá gần trường nên chúng mình thường sang bên đó", Dũng nói.
Một quầy bán mứt tại khu Phước Lộc Thọ, quận Cam, bang California, Mỹ. Ảnh nhân vật cung cấp. |
Không khí tại khu Phước Lộc Thọ vào những ngày giáp tết rất náo nhiệt. Người ta bày bán đủ các loại mặt hàng phục vụ cho dịp tết như mứt, kẹo, hoa, bánh chưng... Những quán ăn mang hương vị Việt Nam luôn đông khách, đặc biệt là vào buổi tối. Các chương trình ca nhạc chào xuân cũng được chuẩn bị chu đáo. "Chúng mình sẽ cố gắng thu xếp bài vở để tới xem, đón một cái Tết xa nhà nhưng cũng không kém phần náo nhiệt", Dũng nói.
Để chia sẻ cảm xúc và không khí đón Tết của người Việt tại nước ngoài, độc giả vui lòng gửi bài viết, hình ảnh về địa chỉ: nguoiviet.zing@gmail.com