“Mình nhớ cảm giác bồi hồi, háo hức, đôi lúc man mác buồn khi những ngày cuối năm cận kề, nhất là khi thấy nhà nhà chuẩn bị cúng ông Công ông Táo, hay các gia đình sắm sửa đón Tết. Đó là cảm giác mà chỉ ở Việt Nam mới có”, Trần Tín, du học sinh Việt Nam ở Melbourne, Australia, chia sẻ.
Tín là một trong rất nhiều bạn trẻ xa nhà, đón Tết nơi xứ người, có nhiều cảm xúc trong dịp lễ lớn nhất trong năm của người Việt.
‘Thiếu bố mẹ, cứ sau ngày ông Công ông Táo là buồn’
Minh Thư năm nay tròn 22 và từng 4 lần đón Tết ở Anh. Cô bạn nhớ từng chi tiết về không khí chuẩn bị Tết hồi còn ở Việt Nam.
“Điều gì liên quan đến Tết mình đều nhớ, nhưng có lẽ nhớ nhất là không khí chuẩn bị trước đó. Bố mẹ mình có thói quen mua sắm đồ dùng hoặc làm một số việc vào những ngày nhất định. Ví dụ như 25 nhà sẽ có quất, 27 sẽ có đào, 28 cả nhà khuấy chè lam... Những chuyện đó ngày trước chỉ là điều tự nhiên, vậy mà 4 năm đón Tết bên này, mình nhớ từng chút một”, Thư tâm sự.
Hội chợ Tết 2017 của cộng đồng người Việt ở bang Victoria, Australia mà Tín từng tham gia hồi đầu tháng 1. Ảnh: Nhân vật cung cấp. |
Là du học sinh ở Singapore, một nước cũng đón Tết âm lịch, Phương Thảo cho hay sự khác biệt lớn nhất giữa ăn Tết ở Việt Nam và ở nước ngoài là sự thiếu vắng không khí đầm ấm của gia đình.
“Tết là dịp cả gia đình tụ họp ăn uống, hỏi thăm nhau mà mình vắng mặt thì cũng thấy tủi thân. Chúng mình năm nào cũng tổ chức đón tất niên nhưng dĩ nhiên là không được ‘hoành tráng’ bằng ở nhà rồi”, cô nói.
Thảo kể chỉ chờ giao thừa qua là tất cả du học sinh như cô lại trực sẵn điện thoại để gọi về chúc tết bố mẹ và gia đình. Ở Singapore, người dân chỉ được nghỉ 2 ngày Tết, mùng một ra đường cũng vắng vẻ. Nhóm người Việt cùng đón Tết với Thảo chừng 20 đến 30 sinh viên và trong ngày đầu tiên của năm mới, họ thường cùng nhau đi chùa hoặc dạo phố.
Khác với Thư hay Thảo, năm nay, Việt Hà (du học sinh Phần Lan) mới đón Tết xa nhà đầu tiên.
“Lần đầu đón tết xa nhà, cảm giác hơi lạ. Năm nay sẽ rất đặc biệt vì giao thừa chỉ có hai bố mẹ, trong khi mọi năm còn có mình và chị gái”, Hà nói rồi tự nhiên rưng rưng. “Ngày Tết chính là ngày của gia đình, đi xa rồi mới thấy nhớ ghê gớm”.
Không chỉ có du học sinh mới nhớ Tết, gia đình họ ở Việt Nam cũng cảm thấy trống trải vì ngày đoàn viên không trọn vẹn.
“Cứ gần Tết là bố mình hay gọi điện sớm, khi đó bên này mới 4, 5 h sáng. Bình thường bố chẳng bao giờ như vậy. Bố mẹ nhớ con gái nên không ngủ được”, Minh Thư chia sẻ.
Năm nay Thư được về đón Tết ở Việt Nam, cô dự định sẽ chỉ “quanh quẩn” bên bố mẹ, giúp gia đình dọn dẹp nhà cửa và đón một cái Tết đủ đầy.
Cũng giống như bố mẹ Thư, mẹ Phương Hà, du học sinh Nhật, cũng thường xuyên gọi điện sang cho cô trong những ngày giáp Tết.
“Mẹ mình buồn và chẳng muốn sắm sửa gì thêm vì vắng con”, Hà kể. Cô gái 23 tuổi dự định sẽ mua bánh truyền thống của Nhật cùng rượu gửi về cho gia đình ở Việt Nam nhân dịp này.
Không thể quên những món ăn đặc biệt
Ngoài những món ăn truyền thống như bánh chưng, bánh tét, giò lụa, thịt gà… nhiều du học sinh nhắc đến Tết với những món ăn truyền thống riêng của gia đình.
“Nếu kể món ăn nhớ nhất, mình sẽ nhắc đến bánh lá của bà. Nó là đặc sản nhà làm, ăn ngon hơn ngoài nhiều. Tết năm nào cả nhà mình cũng về quê và chờ đợi món bánh ấy. Bà chỉ làm bánh lá vào dịp Tết thôi”, Thảo chia sẻ.
Bánh chưng và mứt Tết do cô giáo người Nhật của Huyền (du học sinh trường Nhật ngữ Funabashi) mang về từ Việt Nam cho các học trò người Việt. Ảnh: Nhân vật cung cấp. |
Cô gái bồi hồi nhớ lại khoảng thời gian trước khi đi du học, phải đến mùng 1 cả gia đình mới về quê, mọi công việc chuẩn bị luộc bánh đều dành cho “các ông tướng” (anh em họ hàng của Thảo).
Món chè lam mà nhà Thư thường làm mỗi dịp Tết đặc biệt vì gắn với hình ảnh ông nội.
"Cứ đến Tết là nhà mình lại có chè lam, món ông nội thích. Bây giờ ông mất rồi nhưng Tết nào mẹ cũng tự khuấy chè. Mà không chỉ có mẹ khuấy đâu, cứ hôm nào có chè lam là cả nhà lại xúm lại làm cùng vì món này phải khuấy cho mịn. Đặc biệt, càng khuấy càng mỏi tay nên đàn ông con trai ở nhà cũng được triệu tập hết. Có khi làm mất cả một buổi tối”.
Ngay cả món bánh chưng, tuy giản dị và quen thuộc, những cũng trở nên ý nghĩa hơn với những người con xa nhà. Đối với những du học sinh ở Nhật như Hà hay ở Hà Lan như Nguyễn Linh, bánh chưng vẫn là món không thể thiếu, nhưng không được ăn thoải mái “đến ngán”. Vì bánh chưng ở nước ngoài nhỏ và đắt, đôi lúc còn phải đặt qua mạng.
Thanh Huyền, du học sinh Việt Nam ở Chiba, Nhật Bản, hào hứng kể lại chuyện được tặng bánh chưng và mứt Tết trong giờ học. Cô giáo của Huyền trở về từ chuyến du lịch Việt Nam và không quên mang về cho học trò Việt những món quà ngày Tết. Huyền viết trên Facebook: "Cô giáo tâm lí quá!. Biết du học sinh Việt nhớ Tết cổ truyền lắm mà".
Cập nhật không khí Tết qua mạng xã hội
Vì nỗi lo bài vở, đôi khi Hà quên mất Tết đang đến rất gần. “Chỉ có lúc nói chuyện với mọi người ở nhà, rồi ‘hóng’ qua Facebook thấy dân tình đăng ảnh tiệc cuối năm, mua quần áo xúng xính, mua bao lì xì và rục rịch làm mứt thì mới biết Tết sắp đến rồi đấy", cô kể.
Các tiền bối của Hà (du học sinh Việt Nam ở Nhật) chuẩn bị mâm ngũ quả đón Tết. Ảnh: Phương Hà. |
Facebook cũng là kênh liên lạc thường xuyên của Phương Hà với gia đình, cô thường chụp ảnh, gọi điện với gia đình qua mạng xã hội này. Hà nói nỗi nhớ càng nhiều thêm mỗi khi hai “đầu cầu” kết nối với nhau qua màn hình máy tính hay điện thoại nhỏ xíu.
Nguyễn Linh cũng gọi điện về nhà thường xuyên hơn qua ứng dụng trên Facebook, mỗi lần như vậy, bố mẹ Linh lại sang cả nhà bà nội ở sát vách, để cậu được chuyện trò vời bà, các bác và chị họ.
Tiện lợi là vậy những nhiều du học sinh cũng không chọn mạng xã hội làm kênh liên lạc hay cập nhật không khí Tết ở nhà. “Nhiều lúc mình tránh lên mạng xã hội vì bạn bè cập nhật tình hình ghê quá”, Thư chia sẻ.
Năm nay, Thư sẽ lên đường về Việt Nam đón Tết trên chuyến bay kéo dài 10 tiếng. Được về nhà trước thềm năm mới 3 ngày nhưng cô bạn vẫn còn tiếc nuối vì không đặt được chuyến sớm hơn.
Không được may mắn như Thư, nhiều du học sinh Việt Nam vẫn ở lại nước ngoài, bận bịu với bài vở hay công việc làm thêm. Tết đến với họ qua những câu chuyện kể vội qua điện thoại, những buổi liên hoan đêm giao thừa với hội du học sinh, có gà luộc, giò xào, canh măng... nhưng vẫn không thể vơi nỗi nhớ nhà.