Là nghiên cứu sinh tại Viện khoa học và Công nghệ tiên tiến Nhật Bản (JAIST), Nguyên Khang vốn có niềm đam mê đặc biệt đối với lĩnh vực công nghệ thông tin, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo.
Trước khi nhận học bổng tiến sĩ của Chính phủ Nhật Bản, Nguyên Khang (26 tuổi) từng tốt nghiệp chương trình cử nhân tài năng Đại học Khoa học Tự nhiên TP.HCM và làm việc tại một tập đoàn công nghệ lớn của Việt Nam.
Anh không tự thỏa mãn mình với những thành tích này. Niềm khát khao nghiên cứu về AI và ngôn ngữ tự nhiên (NLP) đưa Khang tiếp tục học lên cao học, trở thành nghiên cứu sinh chuyên ngành học sâu (Deep Learning) ở Nhật Bản.
Thắng không kiêu, bại không nản
Chia sẻ về cơ duyên tham gia Zalo AI Challenge, tân quán quân cho biết anh luôn theo dõi và cập nhật những xu hướng mới trong cộng đồng AI Việt Nam. Nhờ đó, Khang biết đến cuộc thi qua tin tức mạng xã hội và cho rằng đây sẽ là cơ hội tuyệt vời để được thử thách bản thân và “làm dày” kỹ năng, vốn kiến thức trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo.
Sau khi tốt nghiệp cử nhân tại Việt Nam, Nguyên Khang tiếp tục theo đuổi đam mê trí tuệ nhân tạo ở chương trình cao học Nhật Bản. Ảnh: NVCC. |
Lê Nguyên Khang tham gia Zalo AI Challenge lần đầu vào năm 2022 và dừng lại ở vị trí Á quân. Tại đây, anh đã thử thách đề bài E2E Question Answering - tìm câu trả lời chính xác nhất từ Wikipedia cho một câu hỏi. Thí sinh này để thua đối thủ với cách biệt rất nhỏ (0,78161 và 0,79310 điểm).
Trở lại cuộc thi năm nay, Nguyên Khang đã mang theo vốn kinh nghiệm dày dặn cùng với quyết tâm chinh phục ngôi vị cao nhất. Nhờ đó, nghiên cứu sinh Viện JAIST đã thành công chinh phục bộ đề Elementary Maths Solving (Giải toán tiểu học) và trở thành Quán quân của bảng đấu năm nay.
Chia sẻ với Tri thức - Znews, Khang cho biết so với các chủ đề khác như Advertising Banner Generation hay Background Music Generation, đề bài này phù hợp với hướng nghiên cứu và sở trường trong mảng AI, ngôn ngữ tự nhiên của mình.
Với yêu cầu giải các bài toán tiểu học theo chương trình đào tạo Việt Nam bằng AI, bộ đề Elementary Maths Solving được đánh giá là có độ khó cao và kịch tính nhất trong cuộc thi năm nay.
Theo TS. Nguyễn Trường Sơn - Giám đốc khoa học tại Zalo AI, bộ đề Giải toán tiểu học thể hiện rất nhiều mặt khác nhau của LLM như các phép tính cộng, trừ, nhân, chia. Tưởng chừng rất quen thuộc với con người, nhưng đây lại là những bài toán rất phức tạp cho mô hình ngôn ngữ.
Khoảng cách điểm sít sao của đội NguyenLe và đối thủ. Ảnh: Zalo. |
Áp lực càng tăng cao khi Elementary Maths Solving cũng là bộ đề được rất nhiều đấu thủ đáng gờm lựa chọn. Ngay trước ngày công bố kết quả, bảng xếp hạng ghi nhận có tới 4 đội thi đang dẫn đầu với điểm mô hình bằng nhau đến hàng chữ số thập phân thứ 5 và đều bằng 0.92513. Lê Nguyên Khang với tên đội là NguyenLe cũng là một trong 4 “đồng quán quân” vào thời điểm đó.
Nhưng nhờ kinh nghiệm từng nếm mùi “thất bại” suýt soát vào mùa giải trước, đội NguyenLe đã có chiến lược thông minh, vượt qua đối thủ và giành chiến thắng ngay ở phút chót.
Tuy “chinh chiến” một mình và không lập đội như các đối thủ, nhưng Nguyên Khang không cho rằng đây là điểm yếu của mình. “Thi đấu một mình đồng nghĩa với lượng công việc sẽ nhiều hơn và khó có được các góc nhìn khác nhau của bài toán”, Khang nói.
Nhưng “đơn thương độc mã” giúp chàng kỹ sư tự chủ và độc lập trong mọi quyết định, từ đó càng chứng minh tư duy chiến lược và khả năng lập trình xuất sắc của Khang.
Chia sẻ với PV, quán quân NguyenLe cho biết đã chọn sử dụng mô hình QWen của Alibaba và các kỹ thuật phổ biến cho LLM như chain-of-thought (suy luận xâu chuỗi), in-context learning (cung cấp ví dụ), translation (dịch thuật) để giải đề AI làm toán tiểu học của Zalo.
“Đề thi của Zalo AI Challenge năm nay thiên về large language model và generative model hơn so với năm ngoái. Theo tôi, đề bài này rất phù hợp với xu hướng hiện tại”, Quán quân bảng Elementary Maths Solving nhận định.
Nguyên Khang cũng đánh giá Zalo AI Challenge là một sân chơi bổ ích, thú vị dành cho những bạn trẻ yêu thích công nghệ, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo. Cuộc thi không hề kém cạnh những đấu trường quốc tế Khang từng tham gia về cả hình thức lẫn nội dung. Vì thế, dù đang theo học tại Nhật Bản, Nguyên Khang vẫn có cơ hội “chinh chiến” cũng những đấu thủ Việt mà không gặp nhiều trở ngại.
Nguyên Khang cho rằng các cuộc thi AI Việt Nam không hề thua kém các đấu trường quốc tế anh từng tham gia. Ảnh: NVCC. |
Cơ hội thực chiến cả về mặt học thuật lẫn kỹ năng
Đánh giá về đội NguyenLe, ông Nguyễn Lê Minh - Giám đốc trung tâm nghiên cứu Interpretable AI ở Viện khoa học và Công nghệ tiên tiến Nhật Bản (JAIST) - cho rằng đội quyết định lựa chọn QWen làm mô hình tiền huấn luyện (pre-trained model) là rất hợp lý.
“So với các mô hình khác, QWen có khả năng làm toán tốt nên đội đã lựa chọn LLM này làm model chuẩn để chuẩn hóa dữ liệu của mình”, ông Minh cho biết.
Điểm khác biệt lớn nhất của mô hình đội NguyenLe là sử dụng bộ dịch thuật để chuyển đề bài từ tiếng Việt sang tiếng Anh, tìm những câu hỏi tương tự và giải toán. Nhận định về hướng đi của đội, ông Nguyễn Lê Minh cho rằng giải pháp này khá độc đáo và giúp tăng độ chính xác của LLM khi làm bài kiểm tra.
“Khi làm việc, đặc biệt là với những lĩnh vực có ít nguồn tài liệu, việc tìm cách để mở rộng vốn kiến thức là một phương pháp rất tốt”, ông Minh chia sẻ.
Trò chuyện với PV, tuy đang du học tại Nhật và không thể dự lễ trao giải Zalo AI Challenge tại Việt Nam, Nguyên Khang vẫn không giấu được niềm vui khi trở thành Quán quân Zalo AI Challenge.
“Qua cuộc thi Zalo AI Challenge năm nay, tôi học hỏi thêm nhiều kiến thức cả về mặt học thuật lẫn kỹ năng. Không chỉ vậy, trải nghiệm thi đấu với các đội thi khác cũng rất thú vị”, Khang nói.
Vận dụng chiến thắng và kinh nghiệm góp nhặt từ cuộc thi, chàng trai 26 tuổi cho biết sẽ phát triển hướng nghiên cứu để phù hợp với các xu hướng hiện nay của AI trên thế giới.
Xuyên suốt cuộc đua, các đội thi Zalo AI Challenge 2023 có thể theo dõi nhau qua bảng xếp hạng Leaderboard Ranking. Hệ thống sẽ chấm điểm tự động bằng các thuật toán trên bảng xếp hạng và sắp xếp vị thứ theo thời gian thực.
Mỗi ngày, các đội thi liên tục cập nhật giải pháp AI trên leaderboard ranking để kiểm tra độ chính xác của thuật toán và so sánh điểm số với các đội thi khác. Nhờ đó, các đội có thể theo dõi thứ hạng thi đấu kịch tính được thay đổi liên tục trên leaderboard để điều chỉnh chiến thuật phù hợp.
Ngoài có thêm kinh nghiệm thực chiến, các đội thi còn được cố vấn bởi các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực AI như GS. Nguyễn Lê Minh - Giám đốc trung tâm nghiên cứu về Interpretable AI ở Viện JAIST, PGS. Trần Thanh Long - Phó Trưởng khoa, Giám đốc nghiên cứu khoa Khoa học Máy tính, Đại học Warwick, TS. Ngô Đức Thành - Trưởng khoa Khoa học Máy tính, Đại học Công nghệ Thông tin TP.HCM.
Với Nguyên Khang, chiến thắng không phải là tất cả. Đến với Zalo AI Challenge, chàng kỹ sư công nghệ muốn kết nối và học hỏi từ các chuyên gia trong lĩnh vực AI, đồng thời cọ xát và nâng cấp kỹ năng bản thân qua từng mùa thi đấu. “Mỗi năm khi có điều kiện và thời gian, mình đều sẵn sàng tham gia để có cơ hội đạt giải, đồng thời có thêm kinh nghiệm và kiến thức trong nghiên cứu”, Nguyên Khang chia sẻ.
Zalo AI Challenge là một cuộc thi được Zalo tổ chức lần đầu vào năm 2018, hằng năm thu hút hơn hàng nghìn đội đến từ trong và ngoài nước tham gia thử sức và chứng thực năng lực.
Với mục đích tạo điều kiện thúc đẩy việc nghiên cứu trí tuệ nhân tạo (AI) trên quy mô rộng, khuyến khích các bạn trẻ tài năng trong lĩnh vực AI tham gia giải quyết các bài toán thực tiễn nhằm đưa AI vào phục vụ cuộc sống con người.