Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Du học sinh bâng khuâng dịp Tết đến

Năm thứ hai không thể ở cạnh gia đình vào dịp Tết, Minh Khuê (sinh viên tại Australia) buồn nhưng cô hiểu đây là cơ hội để trưởng thành hơn.

Năm nay, Minh Khuê, sinh viên năm thứ ba ngành Teaching & Art, ĐH Adelaide (Australia), ăn Tết xa gia đình. Những ngày cuối năm Tân Sửu, nữ sinh thừa nhận cô bâng khuâng, nhớ lại Tết ngày xưa, hồi cô có thể đón năm mới tại quê hương.

Minh Khuê du học Australia từ 4 năm trước và đây là năm thứ hai cô không thể đón Tết cổ truyền cùng gia đình.

Du hoc sinh bang khuang anh 1

Minh Khuê cùng các thành viên trong hội tìm ý tưởng, lên kế hoạch để tổ chức chương trình đón Tết của du học sinh. Ảnh: M.K.

Nữ sinh tâm sự với cô, Tết là thời gian để được về nhà “rúc nách” mẹ, cùng bố thưởng thức món miến măng gà mẹ nấu. Lựa chọn ở lại Australia trong thời gian chuyển giao giữa năm Tân Sửu và Nhâm Dần đồng nghĩa việc Tết của Khuê sẽ khác các năm trước.

“Nếu không có dịch Covid-19, thông thường, tháng 11 hoặc 12, em thi xong rồi về nước luôn. Hai năm gần đây, một phần vì dịch bệnh, em không về. Lâu rồi, không gặp gia đình, em rất buồn và nhớ nhà”, nữ sinh chia sẻ.

Dù vậy, cô xác định ăn Tết xa nhà buồn hơn nhưng cũng là cơ hội để trưởng thành và trải nghiệm thêm.

Hơn nữa, khi không thể cùng người nhà lau dọn nhà cửa, mua cành đào về đón năm mới, với vai trò là Phó chủ tịch Hội sinh viên Việt Nam tại Adelaide, Minh Khuê cùng các thành viên trong hội chuẩn bị chương trình đón Tết của cộng đồng du học sinh.

Khuê tâm sự đây cũng là một trong những lý do cô quyết định ở lại Australia dịp Tết năm nay.

“Cũng may, tham gia tổ chức sự kiện đón Tết giúp em bận rộn hơn, giao tiếp với mọi người nên bớt cô đơn. Hơn nữa, được gặp mọi người để làm việc, em thấy có không khí gia đình. Làm chương trình về Việt Nam cũng mang lại cảm giác thân thương, gần gũi”, nữ sinh nói.

Cô phụ trách truyền thông cho sự kiện nên tất bật cùng mọi người lên kế hoạch, tìm ý tưởng, viết bài, chia sẻ bài về nhóm, kêu gọi du học sinh tham gia, chuẩn bị trang trí không gian mừng năm mới chung.

Minh Khuê cũng dành thời gian gọi điện, trò chuyện với bố mẹ, tâm sự mọi chuyện. Cô nói thêm dịch bệnh, gia đình lo lắng cho nhau nhưng vẫn luôn động viên nhau lên tinh thần, giữ sức khỏe để cả 2 “đầu cầu” đều yên tâm công tác, học tập.

Du hoc sinh bang khuang anh 2

Minh Khuê cùng các du học sinh đón Tết cổ truyền. Ảnh: Vietfest.

Dịp cuối năm, nữ sinh ĐH Adelaide còn nhìn lại năm 2021. Với cô, đây là năm có nhiều dấu ấn, thử thách khi bắt đầu nhiều thứ mới, từ công việc đến làm quen bạn mới, tham gia tổ chức chương trình mà cô mong đợi bấy lâu nay.

Tham gia hội sinh viên, Minh Khuê thấy mình trưởng thành hơn, cân bằng giữa việc làm thêm, công việc trong hội, chuyện học tập, rèn thêm kỹ năng mới như tổ chức sự kiện, quản lý nhân sự.

Dịch bệnh khiến một số dự định phải lùi lại song cô vẫn cảm thấy may mắn vì ít nhất, tình hình dịch tại Adelaide không quá căng thẳng, sinh viên có thể quay lại trường, chỉ học trực tuyến một số lớp.

Minh Khuê hy vọng năm Nhâm Dần, mọi thứ sẽ tốt đẹp hơn, bản thân đạt nhiều thành tựu trong học tập cũng như hoạt động của hội sinh viên và hơn hết, cô được trở về Việt Nam thăm gia đình.

Du học sinh Việt Nam tại Hàn Quốc gói bánh chưng, thả cá chép đón Tết

Chương trình Tết ông Công ông Táo của cộng đồng du học sinh Việt Nam tại ĐH Hannam (Hàn Quốc) là dịp để mọi người cùng nhau chia sẻ về năm qua, đón chào năm mới.

Nguyễn Sương

Bạn có thể quan tâm