Ông Văn Đức Mười, Tổng giám đốc Vissan: Tập trung khâu phân phối hàng hóa
Có thể thấy tình hình kinh tế những tháng cuối năm 2014 đã có những tín hiệu tốt hơn, song sức mua còn yếu vẫn là thách thức với hầu hết DN. Bước sang năm 2015, với rất nhiều chính sách mới, những FTA được ký kết, sẽ mở ra nhiều cơ hội hơn cho DN.
Ông Văn Đức Mười, Tổng giám đốc Vissan. |
Đặc biệt, việc Luật DN và Luật Đầu tư sửa đổi được Quốc hội thông qua, chính thức có hiệu lực vào tháng 7/2015, đang tạo ra những tác động tốt trong nhận thức của cộng động doanh nhân, DN bởi môi trường kinh doanh cởi mở hơn.
Năm 2015 Vissan đặt mục tiêu tăng trưởng khoảng 5%. Tuy vậy, sức mua vẫn đang là nỗi lo của các DN, khi hàng hóa các nước trong khu vực cũng như một số nước trên thế giới sẽ ồ ạt vào Việt Nam.
Trước thách thức này, DN phải linh động hơn, không chỉ hướng đến sản xuất tốt, cạnh tranh tốt về giá mà còn phải làm tốt khâu phân phối hàng hóa. Có như vậy mới cạnh tranh được với hàng hóa ngoại ngay trên sân nhà của mình.
Ông Đỗ Duy Thái, Tổng giám đốc Thép Việt: Tăng phòng vệ thép trong nước
Những điều hành của Chính phủ trong năm 2014 đã giúp kinh tế vĩ mô của Việt Nam dần ổn định hơn. Vì thế, tôi tin tưởng năm 2015, về kinh tế vĩ mô sẽ tiếp tục có những tín hiệu tốt, góp phần tích cực thúc đẩy tinh thần doanh nhân. Tuy nhiên cho đến nay vẫn tồn tại 2 lo ngại lớn của cộng đồng DN.
Thứ nhất, hàng Trung Quốc vẫn đổ bộ vào Việt Nam, nếu không có những giải pháp hữu hiệu hơn có nguy cơ giết chết sản xuất trong nước.
Ông Đỗ Duy Thái, Tổng giám đốc Thép Việt. |
Thứ hai, Việt Nam vẫn còn quá coi trọng DN FDI, chưa công bằng giữa DN trong nước và nước ngoài. Trong khi mô hình phát triển của nhiều nước trên thế giới dựa vào các công ty tư nhân. Vì thế, chúng ta cần có sự quyết tâm hơn nữa trong việc chuyển từ quản lý sang đồng hành cùng DN, giúp DN có thể phát triển tốt nhất. Bên cạnh đó, đẩy mạnh hơn nữa cuộc vận động người Việt sử dụng hàng Việt.
Với Thép Việt, trong năm 2015, chúng tôi đặt kế hoạch tăng trưởng khoảng 8% (tương đương năm 2014). Năm 2015 cũng đánh dấu mốc quan trọng khi Việt Nam chính thức ký hiệp định thương mại tự do (FTA) với Hàn Quốc và Liên minh Hải quan.
Đây là sự kiện rất đáng quan tâm, vì ngành thép của Nga đang thách thức rất lớn với nhiều quốc gia chứ không riêng Việt Nam. FTA có thể mang lại những thuận lợi cho các ngành khác nhưng với riêng thép cần có nhiều biện pháp phòng vệ để bảo vệ sản xuất trong nước.
Ông Nguyễn Văn Cần, Tổng công ty 28: Chủ động đón bắt cơ hội
Năm 2014, ba lĩnh vực chính là dệt may, xăng dầu và bất động sản của Tổng công ty 28 (TCT 28) đều đạt được mức tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận trên 15%. Kết quả khả quan này được coi là điểm nhấn quan trọng, tạo sự bứt phá trong năm 2015 để công ty hoàn thành chiến lược phát triển giai đoạn 2010-2015.
Hiện nay, chúng tôi đang xây dựng chiến lược mới 2016-2020, định hướng đến 2030 vẫn tập trung vào 3 lĩnh vực chính trên. Trong đó, xác định dệt may là ngành kinh doanh cốt lõi, xăng dầu và bất động sản là 2 ngành hỗ trợ về tài chính cho dệt may.
Ông Đỗ Duy Thái, Tổng giám đốc Thép Việt. |
Năm 2015 Cộng đồng Kinh tế ASEAN chính thức được thành lập, đồng thời dự kiến Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) được ký kết. Để đón bắt cơ hội, hưởng lợi từ những sự kiện lớn này, chúng tôi tập trung đầu tư, nâng cao năng lực ngành may, thay đổi trang thiết bị ngành dệt.
Điều này sẽ giúp TCT tăng năng suất lao động, giảm chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh. Đặc biệt, chúng tôi sẽ chủ động tìm nguồn nguyên phụ liệu thay thế đang phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc (vải bông, xơ, hóa chất thuốc nhuộm) tại thị trường Nhật Bản, Ấn Độ và các nước Đông Nam Á.
Với các đơn vị thành viên, hầu hết đã có hợp đồng ký kết với các đối tác xuất khẩu đến hết quý II/2015, thậm chí đến hết năm 2015. Trong năm 2015, chúng tôi sẽ đầu tư xưởng may khoảng 1.000 lao động để tăng thêm năng lực, trong khi xăng dầu, bất động sản vẫn giữ nguyên quy mô, giảm chi phí để nâng cao hiệu quả hỗ trợ cho dệt may.
Ông Trần Hồng Ninh, Tổng giám đốc công ty TNHH BVOT Group: Thể hiện tốt sự chuyên nghiệp
Các DNNVV Việt Nam đang phải đốt mặt với vô vàn rủi ro như vốn liếng, kinh nghiệm, thị phần… Để bù đắp, họ phải có những ý tưởng, dự án mang tính đột phá, táo bạo. Nhưng điều quan trọng và mang tính chất sống còn, theo quan điểm của tôi, DN phải có sự chuyên nghiệp.
Ông Trần Hồng Ninh, Tổng giám đốc công ty TNHH BVOT Group. |
Theo đó, DNNVV muốn tồn tại, trước hết phải chuyên nghiệp, có chuyên nghiệp được mới có thể bay bổng, đột phá. Bởi lẽ nhiều năm qua, khi BVOT kết hợp với các nhà sản xuất lớn như Bridgestone, 3M, Bosch, Toyota… tổ chức các ngày hội chăm sóc, phổ biến kiến thức về lốp xe, hay ngày hội chăm sóc xe, chúng tôi thường xuyên phải đối mặt với những rủi ro ngoài ý muốn. Những lúc như vậy, BVOT đã thẳng thắn nhận trách nhiệm toàn bộ để thực hiện đúng cam kết theo hợp đồng và để chứng tỏ sự chuyên nghiệp của mình.
Tính chuyên nghiệp ở BVOT còn được thể hiện qua sự chuẩn bị kỹ lưỡng các chương trình theo cả chiều sâu lẫn chiều rộng. Ngoài việc chăm sóc xe hơi, sắp tới đây BVOT sẽ triển khai các chương trình chăm sóc xe buýt, xe tải…
Bên cạnh đó, chúng tôi tổ chức các hoạt động như chương trình “phòng bệnh” với việc phổ biến thông điệp “Không nhắn tin khi lái xe” trong suốt năm 2015. Đây cũng là lý do để các hãng xe và phụ tùng tin tưởng và đồng hành cùng BVOT trong nhiều chương trình trong năm 2015.
Bà Võ Thị Lấn, Tổng giám đốc công ty TNHH MTV Trà Tâm Lan: Mở thêm thị trường tiềm năng
Năm 2014 ngành sản xuất trà túi lọc nội địa đã xuất hiện nhiều nhãn hiệu phong phú, cạnh tranh khốc liệt, đón đầu việc thị trường bán lẻ mở cửa hoàn toàn vào năm 2015.
Trước những áp lực này, để tồn tại DN chúng tôi buộc phải nhanh chóng đổi mới, đầu tư kiện toàn cơ sở hạ tầng để nâng cao chất lượng sản phẩm, đồng thời tăng cường quảng bá giúp người tiêu dùng có nhiều thông tin lựa chọn sản phẩm tốt nhất.
Trong năm qua, dù đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhưng chúng tôi vẫn đạt các kế hoạch đề ra. Trong 6 sản phẩm chính, trà túi lọc Tâm Lan đã tiêu thụ hết sản phẩm, không có hàng tồn kho.
Bà Võ Thị Lấn, Tổng giám đốc công ty TNHH MTV Trà Tâm Lan. |
Hệ thống phân phối và đại lý của Trà Tâm Lan đến thời điểm này đã phủ sóng khắp các tỉnh, thành, khu vực vùng sâu, vùng xa. Năm 2015, để tìm đầu ra ổn định, vững chắc, chúng tôi đang nỗ lực xuất hàng sang một số thị trường tiềm năng.
Ngoài thị trường Campuchia, vừa qua chúng tôi đã sang Ấn Độ, Myanmar khảo sát thị trường, và nhận thấy có rất nhiều triển vọng để phát triển do sản phẩm của mình khá phù hợp với thói quen tiêu dùng tại đây. Chúng tôi sẽ hợp tác với Tổng công ty Thương mại Sài Gòn đưa hàng sang 2 thị trường này.