Sở Xây dựng Khánh Hòa cho biết đơn vị đã có báo cáo gửi UBND tỉnh về sự cố sạt lở tại khu vực dự án khu nhà ở cao cấp Hoàng Phú do Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Thanh Châu (Công ty Thanh Châu) làm chủ đầu tư.
Đây là dự án xảy ra sự cố vỡ hồ làm chết 4 người, sập 10 ngôi nhà ngày 18/11.
Dự án thi công trái phép
Theo báo cáo này, dự án khu nhà ở cao cấp Hoàng Phú được UBND tỉnh Khánh Hòa cấp giấy chứng nhận đầu tư lần đầu tháng 2/2011, thực hiện trên diện tích hơn 11,5 ha, thời gian 40 năm.
Đến 18/7/2011, dự án được phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500. Trong quy hoạch chi tiết được phê duyệt có hạng mục công trình hồ bơi với diện tích sử dụng đất 974 m2, diện tích xây dựng 432 m2.
Khu vực doanh nghiệp đào đất để xây dựng hồ bơi trên núi. Ảnh: Minh Hoàng.
|
Khi chủ đầu tư xin điều chỉnh dự án lần thứ nhất vào tháng 4/2014, phần diện tích hồ bơi sẽ thành đất cây xanh. Trong lần điều chỉnh thứ 2 (tháng 11/2016), phần diện tích cây xanh trên được điều chỉnh thành đất dịch vụ, với diện tích sử dụng đất 3.100 m2, diện tích sử dụng 775 m2. Đến tháng 4/2017, chủ đầu tư xin điều chỉnh dự án lần 3, trong đó hạng mục đất dịch vụ như điều chỉnh lần 2 không thay đổi.
Báo cáo cũng khẳng định, từ khi điều chỉnh quy hoạch lần thứ nhất (năm 2014), chủ đầu tư chưa thực hiện các thủ tục để điều chỉnh dự án đầu tư (trong đó có điều chỉnh thiết kế cơ sở) điều chỉnh bản vẽ thi công.
Chủ đầu tư cũng chưa thực hiện các thủ tục đầu tư để đề nghị cấp phép xây dựng cho công trình (đối với công trình không thuộc trường hợp được miễn giấy phép xây dựng). Chủ đầu tư cũng chưa báo cáo thông tin công trình để thực hiện quản lý chất lượng công trình theo quy định.
Trong báo cáo do ông Lê Văn Dẽ, Giám đốc Sở Xây dựng Khánh Hòa, ký nêu rõ qua rà soát các quy định liên quan, nếu chủ đầu tư có nhu cầu đầu tư xây dựng công trình hồ bơi tại dự án nhà ở cao cấp Hoàng Phú thì phải hoàn chỉnh các thủ tục đầu tư để được cấp phép xây dựng theo quy định của Luật Xây dựng năm 2014.
4 người chết, 9 ngôi nhà bị san phẳng sau sự cố sáng ngày 18/11. Ảnh: An Bình.
|
Trong khi đó trao đổi với Zing.vn, ngày 21/11, bà Nguyễn Thị Hoài Thanh, Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Thanh Châu khẳng định, doanh nghiệp xây dựng các hạng mục trong dự án theo quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 của UBND tỉnh Khánh Hòa năm 2011.
"Khi dự án đã được phê duyệt chi tiết 1/500 thì doanh nghiệp không cần xin giấy phép con để thi công các hạng mục trong dự án nữa", bà Thanh nói.
Lỗi do người quản lý quy hoạch
Trao đổi với Zing.vn, KTS Nguyễn Văn Lộc, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Khánh Hòa, nguyên Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh, cho hay ông là người theo dõi kiến trúc xây dựng Khánh Hòa nhiều năm nay.
“Sự vỡ hồ trên núi Cô Tiên chúng ta không thể đổ lỗi cho thiên tai, không phải cứ mưa là sạt lở. Nếu không có con người xây dựng những công trình trên triền núi khi chưa có giải pháp tích cực ngăn ngừa hậu quả của thiên nhiên thì phải gánh hậu quả là đương nhiên”, ông Lộc nói.
KTS Lộc cho biết về nguyên tắc ở vị trí triền núi có độ dốc lớn như vậy mà làm hồ diện tích gần 1.000 m2 là không nên. “Nó có thể gây ra 'đột biến' về kết cấu chỉ riêng về công trình hồ bơi đó. Trong khi chưa tính cái hồ đó lại nằm ngay trên đầu khu dân cư”, ông Lộc nói thêm.
Sở Xây dựng Khánh Hòa khẳng định các hạng mục trong dự án khu dân cư Hoành Phú xây dựng trái phép. Ảnh: Minh Hoàng.
|
Nói về việc vì sao cơ quan chức năng lại cấp giấy phép cho một dự án ở địa hình núi cao như núi Cô Tiên, ông Lộc nhìn nhận chắc do như cầu phát triển đô thị ở Nha Trang quá “nóng”.
“Tôi thấy cho khai thác trên triền núi ở độ cao như vậy rất ít thấy ở các nước. Những dự án đó trong bản đồ quy hoạch năm 2012 được Thủ tướng phê duyệt hoàn toàn không có”, ông Lộc nói.
Vị KTS cũng cho rằng, sau sự cố nghiêm trọng sáng 18/11, rất cần cơ quan chức năng vào cuộc kiểm tra. Nếu kiểm tra chủ đầu tư có vi phạm những vấn đề về Luật Xây dựng thì xử lý bằng luật.
"Chúng ta phải kiểm tra kỹ, phân tích thử trên hồ sơ thiết kế có quan tâm đến việc đảm bảo độ ổn định của công trình không. Phải xem xét kỹ mới đánh giá được trách nhiệm của chủ đầu tư và những người cấp phép cho dự án", ông Lộc nói thêm.
Ông Lộc cho rằng, quy hoạch TP Nha Trang được Thủ tướng phê duyệt từ năm 2012, nếu những dự án nằm ngoài quy hoạch vẫn cho xây dựng thì trách nhiệm của những người quản lý quy hoạch chứ không đổ cho quy hoạch được.
"Người cấp phép vì nhu cầu gì đó tôi không dám đánh giá, nhưng đã nằm ngoài quy hoạch chung của thành phố mà vẫn cho người ta xây dựng thì đó là trách nhiệm của người quản lý quy hoạch, đừng đổ hết cho doanh nghiệp”, ông Lộc nói.
Công an vào cuộc
Ngày 22/11, lãnh đạo Công an tỉnh Khánh Hòa cho biết lãnh đạo đơn vị đã giao Phòng Cảnh sát kinh tế thụ lý điều tra, làm rõ nguyên nhân vụ sạt lở, làm chết 4 người trong gia đình thầy giáo, sập 9 căn nhà tại khu vực núi Cô Tiên thuộc phường Vĩnh Hòa, TP Nha Trang.
Trước mắt, Phòng Cảnh sát kinh tế phối hợp các cơ quan chức năng nắm lại các nội dung liên quan, tìm chứng cứ, xác định nguyên nhân, sau đó tiến hành theo thủ tục tố tụng.
"Khi điều tra xong nếu đủ cơ sở, phía công an sẽ khởi tố vụ án đề tiến hành các bước tiếp theo", vị lãnh đạo này nói.
Theo luật sư Nguyễn Tường Linh, Đoàn Luật sư tỉnh Khánh Hòa, một dự án được cấp phép, sau đó xin sửa đổi thì phải phải tuân thủ Luật xây dựng tại thời điểm được phê duyệt sửa đổi lần gần nhất.
"Ở dự án nhà ở cao cấp Hoàng Phú, nếu chủ đầu tư xin điều chỉnh lần mới nhất là năm 2017, thì phải tuân thủ luật xây dựng tại thời điểm của năm 2017, không thể áp dụng luật của năm 2011 khi dự án được phép", luật sư Linh nói.
Dự án khu nhà ở cao cấp Hoàng Phú. Ảnh: Google Maps.
|