Tại buổi họp HĐND TP.HCM sáng 10/7, Phó chủ tịch Võ Văn Hoan giải trình với các đại biểu về hướng chống ngập của thành phố trong thời gian tới. Trong đó, ông nhấn mạnh giải pháp tạo ra các khu vực chứa nước tự nhiên trong khu đô thị.
Cụ thể, thành phố đang yêu cầu tất cả các nhà đầu tư xây dựng những khu đô thị mới từ 50-100 ha trở lên phải có hồ điều tiết. Những dự án, công trình ven sông hoặc lân cận sông có thể liên kết với sông, rạch gần đó để tạo ra hệ thống thoát nước tự nhiên.
Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan. Ảnh: Quang Huy. |
Phó chủ tịch dẫn chứng kinh nghiệm này đã làm được ở Thủ Thiêm. Cụ thể, thành phố đã dành hơn 100 ha đất ở khu vực này làm vùng ngập nước tự nhiên. Đến nay, khu vực này đã phát huy tác dụng.
Nói thêm về dự án chống ngập 10.000 tỷ, ông Hoan cho biết dự án đã hoàn thành 85% và vấn đề bồi thường cho dân cơ bản giải quyết xong. Hiện, thành phố đang tập trung xây dựng quy trình vận hành và đấu thầu lựa chọn đơn vị tổ chức, quản lý vận hành trong 3-5 năm.
Cống Tân Thuận của dự án cống ngăn triều 10.000 tỷ. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Về ngập ở đường Nguyễn Hữu Cảnh, Giám đốc Sở Xây dựng Lê Hòa Bình cho biết: "Với vũ lượng vượt 95 mm, đúng là có ngập nhưng cũng chỉ xâm xấp nước và sau 30-40 phút thì thoát”. Lãnh đạo sở nhận định bơm là giải pháp tích cực trong chống ngập và thông tin dự án nâng cấp đường Nguyễn Hữu Cảnh dự kiến tháng 6/2021 sẽ hoàn thành.
Nói về quy hoạch chống ngập do mưa và do triều, ông Bình cho hay đồ án hiện tại được thiết kế theo vũ lượng được cung cấp năm 2001 là 95 mm và cao độ đỉnh triều là 1,35 m. Để cải tiến công tác chống ngập, Sở Xây dựng đang điều chỉnh quy hoạch để trình Bộ Xây dựng và Thủ tướng xem xét.