Xoay quanh câu chuyện Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Đức Khải - Phạm Ngọc Lâm, một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản vừa trình Chính phủ đề xuất táo bạo xin hỗ trợ đầu tư 100 tàu cá loại lớn để kết hợp đánh bắt xa bờ, bám biển, bảo vệ chủ quyền Tổ quốc đã gây ra sự chú ý trong dư luận.
Một số ý kiến cho rằng đây là một dự án thiết thực, thể hiện lòng yêu nước của một doanh nhân, doanh nghiệp là điều rất đáng quý. Song, một số khác lại cho rằng đây thực chất chỉ là một chiêu PR của doanh nghiệp bất động sản trong bối cảnh bất động sản khó khăn hiện nay. Vậy, đứng dưới góc độ của những người hoạt động trong nghề sẽ nhìn nhận dự án này ra sao?
Dự án đầu tư 100 chiếc tàu để chuyển sang hoạt động trong lĩnh vực thủy hải sản của Công ty CP Đức Khải là một dự án táo bạo, ít có tính khả thi. |
Trao đổi với PV về dự án đầu tư 100 chiếc tàu để hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực thủy hải sản của Công ty Đức Khải, ông Võ Văn Trác - Phó Chủ tịch thường trực Hội nghề Cá Việt Nam, Nguyên Thứ trưởng Thường trực Bộ Thuỷ sản cho rằng, đây là một dự án táo bạo và rất khó thực hiện, ngay cả với những người đã dày dặn kinh nghiệm trong lĩnh vực này.
"Cần phải có một phương án đầu tư thật chi tiết và cụ thể. Phương án đầu tư về kinh tế, kỹ thuật là rất quan trọng và cực kỳ khó, bởi vì khi mua 100 tàu bao gồm cả tàu đánh bắt xa bờ sẽ tiêu tốn rất nhiều tiền của. Đó không phải là chuyện chỉ mua một chiếc tàu để đi đánh bắt thủy sản mà còn phải có các thiết bị kiểm tra hậu cần, phục vụ trên bờ, rồi đào tạo con người cho đồng bộ. Muốn làm được điều này thì phải thực sự có kinh nghiệm, phải tính toán được hiệu quả kinh tế chứ không phải chuyện đơn giản" - ông Trác cho biết.
Cũng theo ông Trác, đầu tư dưới nước là một trong những lĩnh vực đầu tư rất khó và bao giờ cũng phải đầu tư từng bước một, từ nhỏ cho đến lớn chứ không phải là đầu tư ngay một loạt. Thông thường những doanh nghiệp đầu tư lớn như vậy ở Việt Nam là rất ít.
"Một lúc đầu tư những 100 chiếc tàu mà toàn tàu lớn thì không phải là dễ. Theo tôi, nên đầu tư từng bước và phải thực tế, chứ không phải là cứ có tiền là làm được" - ông Trác nói.
Phó Chủ tịch Hội nghề Cá Việt Nam cũng cho rằng, chưa nói đến việc mua tàu mới, riêng việc Công ty Đức Khải đầu tư 100 chiếc tàu cũ mua từ nước ngoài về, với tuổi thọ khoảng 10 năm thì cũng hoàn toàn không khả thi.
"Các tàu hiện nay Việt Nam đang sử dụng chủ yếu là tàu sản xuất trong nước, cũng có tàu nhập từ nước ngoài nhưng không nhiều. Tuy nhiên, một số trang thiết bị chúng ta nhập từ bên nước ngoài, còn đóng tàu thì do trong nước đảm nhận. Bây giờ doanh nghiệp mua tàu cũ thì càng có nhiều vấn đề hơn nữa. Nói tóm lại là kinh nghiệm thì không có, tàu thì tàu cũ lại mua từ nước ngoài về nên tôi cho rằng tính khả thi của dự án này là vô cùng thấp" - ông Trác cho biết.
Trong khi đó, trao đổi với PV, ông Trần Cao Mưu, Tổng thư ký Hiệp hội nghề cá Việt Nam, Nguyên Giám đốc Sở Thủy sản Nghệ An bày tỏ quan điểm không muốn bình luận nhiều về dự án của một doanh nghiệp. Tuy nhiên, ông Mưu cũng khuyến cáo việc đầu tư 100 chiếc tàu của Công ty Đức Khải sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro.
"Doanh nghiệp cần phải tính toán kỹ càng một số yếu tố, chẳng hạn như nếu sử dụng tàu cũ thì điều trước tiên là sẽ tốn nhiều nhiên liệu, chưa kể đến là tiền sữa chữa, bảo dưỡng định kỳ. Một khi xảy ra hỏng hóc thì việc tìm phụ kiện thay thế cũng hết sức khó khăn, nếu may mắn tìm được thì cũng phải mua với giá rất đắt, chính vì thế tưởng là rẻ nhưng chưa chắc đã rẻ.
Bên cạnh đó, những loại tàu cũ sẽ thường có ảnh hưởng xấu đến môi trường. Với loại tàu mà nước ngoài bán lại, đã qua một thời gian sử dụng cả chục năm trời thì chắc chắn không lành lặn, và nguy cơ tiềm ẩn cũng cao. Cần phải tính toán đến tính an toàn và hiệu quả kinh tế. Một chiếc tàu cũ mà sử dụng vẫn tốt thì cũng không phải là rẻ" - ông Mưu cho biết.