Trước đó, vào tháng 10/2003, Dự án đã được UBND tỉnh Long An phê duyệt báo cáo khả thi, với tổng mức đầu tư là 1.487 tỷ đồng, dùng công nghệ PR - C - APMP, thiết bị được chế tạo đồng bộ, mới 100% và hình thức triển khai là chìa khóa trao tay.
Đầu tư 3.000 tỷ xong… nằm im
Vào tháng 10/2014, Báo Đầu tư đã có loạt bài “Dự án Bột giấy Phương Nam: Tiêu 3.000 tỷ đồng rồi thanh lý” và “Nhà máy Bột giấy Phương Nam: Càng vận hành càng lỗ”, để nói về thực trạng hoang phí tại Dự án Bột giấy Phương Nam được đầu tư ban đầu bởi Công ty TNHH một thành viên Phát triển công nghiệp và Vận tải (Tracodi - tên giao dịch ở thời điểm đó là Công ty Đầu tư Phát triển Giao thông vận tải thuộc Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 6, do ông Phan Thanh Nam làm Tổng giám đốc) - một đơn vị hoàn toàn xa lạ với lĩnh vực giấy.
Dự án bột giấy Phương Nam. |
Sau nhiều năm thực hiện đầu tư mà không thể hoàn tất, vào tháng 6/2009, theo Quyết định 731/QĐ-TTg, chủ đầu tư Dự án Nhà máy Bột giấy Phương Nam đã được chuyển vai từ Tracodi sang Tổng công ty Giấy Việt Nam (Vinapaco).
Theo báo cáo của cơ quan kiểm toán độc lập, tính tới ngày 30/6/2009 - thời điểm bàn giao chủ đầu tư sang Vinapaco, phần việc của Tracodi đã thực hiện được 35% giá trị xây lắp của nhà sản xuất chính; Khu xử lý nước thải 40% ; Nhà văn phòng 40%; Nhà ở công nhân 30%. Nhưng đối lập với sự chậm chạp của tất cả các công đoạn, việc tiêu tiền cho mua máy móc thiết bị của Tracodi lại... rất nhanh nhẹn!
Cụ thể, gói thầu mua sắm thiết bị được ký với nhà thầu Andritz đã được thực hiện đầy đủ, toàn bộ thiết bị đã được tập kết về mặt bằng nhà máy và “hầu hết vẫn còn nguyên đai, nguyên kiện, chưa được kiểm tra thực tế”, và tất nhiên chưa được lắp đặt, chạy thử. Nhưng Tracodi đã ký biên bản nghiệm thu và thanh toán 100% giá trị hợp đồng cho nhà thầu Andritz. Toàn bộ giá trị thanh toán đó lên tới 57,097 triệu euro.
Khi chuyển đổi chủ đầu tư, nguồn vốn Tracodi đã đầu tư vào Dự án cũng được chuyển sang Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) là đại diện, và SCIC ứng vốn trả lại Tracodi phần đã bỏ ra đầu tư.
Sau khi tiếp quản dự án, Vinapaco cũng đã triển khai nhiều công việc với mục tiêu đưa nhà máy vào hoạt động như yêu cầu của Chính phủ. Tuy nhiên, khi được chạy thử có tải cả hệ thống luôn bị tắc nghẽn, nên toàn bộ dây chuyền đã không thể tiếp tục chạy thử được.
Vinapaco cũng đã mời chuyên gia của Andritz sang nghiên cứu sự cố để khắc phục, và thành lập tổ khảo sát gồm các chuyên gia cơ khí và công nghiệp giấy cũng như nghiên cứu thay thế nguyên liệu sản xuất từ đay sang gỗ cứng. Tuy nhiên, tất cả các kết quả nghiên cứu này đều khẳng định: không có khả năng khắc phục được sự cố, không có hiệu quả về mặt kinh tế và không khả thi.
Theo tính toán của Tư vấn độc lập được Vinapaco thuê, trong trường hợp thuận lợi nhất (nguyên liệu đủ cho 12 tháng vận hành và có đủ vốn lưu động), sản phẩm do dây chuyền này sản xuất sẽ chịu mức lỗ 4,6 triệu đồng/tấn. Chưa kể, hệ thống xử lý nước thải của Dự án thiết kế chưa đạt yêu cầu xả thải theo quy chuẩn Việt Nam, nên phải thêm không dưới 60 tỷ đồng để nước thải đạt chuẩn.
Vào tháng 4/2014, Bộ Công Thương đã đề nghị Chính phủ cho phép Vinapaco dừng đầu tư dự án và tiến hành tái cơ cấu toàn bộ dự án. Ngày 12/5/2014, tại Văn bản số 195/TB-VPCP, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý đề nghị của Bộ Công Thương và giao Bộ Công Thương, Bộ Tài chính và UBND tỉnh Long An xây dựng phương án xử lý với dự án (thanh lý, nhượng bán) trình Chính phủ.
Bán với giá… 0 đồng?
Theo số liệu quyết toán đã được kiểm toán tại thời điểm ngày 31/12/2014, tổng tài sản của dự án là 2.999 tỷ đồng, trong đó, tổng giá trị tài sản hình thành sau đầu tư là 2.679 tỷ đồng và chênh lệch tỷ giá ngoại tệ chờ phân bổ là 320 tỷ đồng. Tổng số vốn đã giải ngân cho dự án là 2.999 tỷ đồng.
Cuối tháng 5/2016, khi xem xét việc cổ phần hóa Vinapaco, Thủ tướng Chính phủ đã cho phép kéo dài 6 tháng, tính từ thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp đến thời điểm bán cổ phần lần đầu của Vinapaco, để có thêm thời gian xử lý tồn tại của Dự án Nhà máy Bột giấy Phương Nam.
Trước đó, Bộ Công Thương cũng đã đưa ra phương án xử lý tài chính cho dự án. Cụ thể, đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép sử dụng tiền thu được từ việc thanh lý, nhượng bán tài sản của dự án, tiền bán cổ phần thuộc vốn nhà nước khi IPO Vinapaco, lợi nhuận từ phần vốn nhà nước sau khi cổ phần hóa để thanh toán cho các khoản nợ phải trả trên.
Thứ tự ưu tiên thanh toán sẽ là Quỹ tích lũy trả nợ thuộc Bộ Tài chính để trả nợ nước ngoài; các nhà thầu và khách hàng (sau khi bù trừ công nợ); các tổ chức tín dụng (tính cả gốc và lãi đến thời điểm Thủ tướng Chính phủ cho phép dừng dự án). Đối với khoản nợ phải trả của Vinapaco và SCIC, phương án được đề xuất là xử lý giảm nguồn vốn của dự án và giảm vốn Nhà nước tại các đơn vị chủ nợ.
Nguồn tin của Báo Đầu tư cũng cho hay, trong tháng 7/2016, Bộ Công Thương sẽ nhóm họp để đưa ra phương án giải quyết dứt điểm các tồn tại của dự án này. “Cũng có những doanh nghiệp hoạt động trong ngành giấy đang muốn mở rộng phạm vi hoạt động của mình có quan tâm tới việc mua cổ phần của Vinapaco. Thậm chí nếu thuận lợi, có thể bán được Nhà máy Bột giấy Phương Nam cho nhà đầu tư nước ngoài quan tâm. Vấn đề còn lại là bán với giá nào mà thôi”, nguồn tin của Báo Đầu tư xác nhận.
Được biết, phương án bán Nhà máy Bột giấy Phương Nam với giá… 0 đồng như hàng kèm theo khi tiến hành bán Vinapaco, cũng đã được tính tới. Theo yêu cầu của Chính phủ, Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan chỉ đạo Tổng công ty Giấy Việt Nam khẩn trương đề xuất phương án xử lý dứt điểm tồn tại của Dự án Nhà máy Bột giấy Phương Nam.
Thủ tướng Chính phủ giao Vinapaco tiếp tục quản lý và xử lý các tồn tại của Dự án Nhà máy Bột giấy Phương Nam theo phương án được cấp có thẩm quyền phê duyệt, đồng thời thực hiện cổ phần hóa Tổng công ty theo quy định.