Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp vừa có cập nhật về tiến độ xử lý các tồn tại, yếu kém của 12 dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành công thương.
Theo đó, cơ quan này cho biết tình hình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, dự án yếu kém, chậm tiến độ của ngành đã có nhiều chuyển biến tích cực; một số dự án khó xử lý nhất cũng đã có những tín hiệu khả quan để thoát khỏi tình trạng “đắp chiếu” trong tương lai gần.
Cụ thể, đối với Dự án Tisco 2, công tác xử lý các tồn tại, vướng mắc của dự án đã có nhiều tiến triển. Từ ngày 14 đến 24/10/2022, Tập đoàn Luyện kim Trung Quốc (MCC) đã cử đoàn công tác đến làm việc trực tiếp tại Việt Nam và hai bên đã cùng khảo sát, tiếp cận thực tế đối với các máy móc, thiết bị đã tập kết tại hiện trường.
Cùng với đó, trong khuôn khổ chuyến công tác tại Trung Quốc của đoàn công tác Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp ngày 13-19/3, hai bên đã ký kết biên bản làm việc, trong đó đưa ra các nguyên tắc xử lý cơ bản; đề xuất của MCC về phương hướng giải quyết và đặc biệt là kế hoạch kiểm tra, đánh giá thiết bị với các mốc thời gian biểu cụ thể.
"Đây là bước tiến quan trọng sau 7 năm đàm phán trước đó giữa Công ty CP Gang thép Thái Nguyên (Tisco) và MCC mà không ký kết được bất kỳ văn bản nào", Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đánh giá.
Trên cơ sở kết quả đàm phán tại Bắc Kinh, từ ngày 30/3, đoàn chuyên gia của MCC đã sang Việt Nam để kiểm tra, đánh giá thiết bị, công trình tại hiện trường, làm cơ sở để đề xuất Phương án khôi phục Dự án Tisco 2.
Đến ngày 25/4, đoàn chuyên gia MCC đã gửi Tisco bản báo cáo kết quả đánh giá và đề xuất sơ bộ đối với phương án xử lý tiếp theo đối với Dự án Tisco 2.
Dự án Tisco 2 là dự án đầu tư trọng điểm do Tisco làm chủ đầu tư. Công trình được khởi công ngày 29/9/2007 với tổng mức đầu tư ban đầu 3.800 tỷ đồng và dự kiến hoàn thành sau 30 tháng. Tuy nhiên đến nay, dự án này vẫn đang trong tình trạng dở dang do những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Hợp đồng EPC.
Đối với 5 dự án, doanh nghiệp đã được Bộ Chính trị đồng ý chủ trương giao Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) theo thẩm quyền và quy định của pháp luật, được sử dụng nguồn vốn hợp pháp để chủ động xử lý.
Theo đó, tình hình sản xuất, kinh doanh của các dự án, doanh nghiệp đã có nhiều chuyển biến tích cực, trong đó một số dự án, doanh nghiệp đã có lãi, giảm lỗ lũy kế, giảm dư nợ trung hạn và dài hạn.
Đối với 3 dự án sản xuất phân bón của Vinachem gồm: Dự án Nhà máy sản xuất đạm Ninh Bình; Dự án cải tạo, mở rộng Nhà máy sản xuất đạm Hà Bắc; Dự án Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 2 - Lào Cai, hoạt động sản xuất, kinh doanh đã có nhiều kết quả tích cực.
Các doanh nghiệp đã duy trì được hoạt động sản xuất, kinh doanh; nỗ lực làm chủ công nghệ, từng bước nâng công suất chạy máy bình quân so với công suất thiết kế.
Năm 2023, kinh tế thế giới được dự báo còn nhiều biến động và chưa thể phục hồi nhanh. Nhiều nền kinh tế lớn vẫn phải đối mặt với các rủi ro như GDP tăng trưởng chậm, lạm phát, thất nghiệp, nợ xấu... Mời độc giả của Zing đón đọc Tủ sách kinh tế 2023 để nắm bắt những kiến thức, thông tin kinh tế mới trong năm 2023.
VCCI: Doanh nghiệp cần Nhà nước hỗ trợ thu hồi đất để xây đô thị
Trong trường hợp nhà đầu tư không thể thỏa thuận, VCCI đề xuất thiết kế cơ chế có sự can thiệp của Nhà nước vào việc thu hồi đất xây nhà ở thương mại, dự án đô thị.
4.300 tỷ làm nhà máy thủy điện Ialy mở rộng
EVN vừa vay thêm Agribank 2.400 tỷ đồng sau khi vay ưu đãi Cơ quan phát triển Pháp khoảng 1.900 tỷ đồng để thực hiện dự án Nhà máy thủy điện Ialy mở rộng.
Gia Lai mời gọi đầu tư hàng nghìn tỷ đồng vào 5 dự án
Để khai thác lợi thế tiềm năng của tỉnh, Gia Lai có 5 dự án ưu tiên kêu gọi đầu tư với diện tích hơn 6.300 ha.