Các nhà phê bình quân sự ví von F-35 là tiêm kích "nhiều tiền lắm tiếng". Ảnh đồ họa: Business Insider |
Đặc tính kỹ chiến thuật của tiêm kích tàng hình F-35 đang trở thành chủ đề gây tranh cãi ở nước Mỹ. Theo National Interest, tuần trước, thông tin về việc F-35 yếu thế khi không chiến giả định tầm gần với F-16 gây xôn xao dự luận Mỹ.
Theo phi công điều khiển F-35, tiêm kích này tỏ ra kém linh hoạt trong các hoạt động không chiến quần vòng ở cự ly gần. Viên phi công cho hay, động cơ của F-35 thiếu lực đẩy. Bên cạnh đó, thiết kế khí động học của nó khá hạn chế trong các động tác rẽ đột ngột.
Trong khi đó, tiêm kích F-16 được sản xuất trong những năm 1970 lại tỏ ra xuất sắc trong các động tác cơ động ở cự ly gần. Nhiều nhà phân tích quân sự đặt câu hỏi về việc tại sao một dự án tốn hàng nghìn tỷ USD lại không thể chiếm ưu thế trước loại máy bay mà nó dự định thay thế.
Trước thông tin về sự yếu kém của F-35, Bill Sweetman, chuyên gia tư vấn cho Dự án Tiêm kích tiến công kết hợp JSF F-35 cho rằng, tiêm kích này được thiết kế để tiêu diệt đối phương bên ngoài tầm nhìn thông qua sự kết hợp giữa tính năng tàng hình siêu việt, cảm biến tiên tiến và vũ khí hiện đại.
Vị chuyên gia kiêm biên tập viên cao cấp của tạp chí Aviation Week lập luận thêm, đối phương sẽ vất vả chống đỡ với F-35 từ xa nên có rất ít cơ hội tiếp cận chiến đấu cơ này ở cự ly gần.
Siêu vũ khí hay sự phá sản
Một số chuyên gia quân sự Mỹ tin rằng, F-35 không có cơ hội khi đối đầu với các tiêm kích siêu cơ động như Su-35 của Nga trong không chiến cự ly gần. Ảnh đồ họa: Airforce |
David Axe, một trong những nhà phê bình hàng đầu về dự án F-35, cho rằng trong khi tính năng tiêu diệt đối phương từ xa còn là một ẩn số, sự yếu kém trong không chiến quần vòng sẽ khiến nó phải trả giá khi đối đầu với các tiêm kích nhanh nhẹn.
Công nghệ quốc phòng là cuộc chạy đua marathon không có hồi kết. Do đó, tính năng tàng hình không hoàn toàn mang lại lợi thế tuyệt đối cho F-35. Các quốc gia như Nga, Trung Quốc đã phát triển công nghệ radar có khả năng bám bắt tốt với những phi cơ tàng hình. Bên cạnh đó, họ cũng sở hữu công nghệ tác chiến điện tử tinh vi cho phép vô hiệu hóa các vũ khí tấn công tầm xa trên F-35.
Vị chuyên gia lập luận, khi các bên đều có những công nghệ để tránh bị tấn công từ xa thì không chiến ở cự ly gần sẽ là nơi quyết định thắng bại. Với khả năng cơ động kém, F-35 khó có cơ hội trước các tiêm kích siêu cơ động như Su-35 của Nga.
Có lẽ người Mỹ đã quên bài học ở chiến trường Việt Nam khi xem nhẹ khả năng không chiến cự ly gần. Những tiêm kích F-4 đời đầu không được trang bị pháo tỏ ra yếu thế khi đối đầu với phi cơ MiG-21 hay MiG-17 ở cự ly gần, John Stillion, chuyên gia phân tích hàng không nhận xét.
Ông Stillion từng dự đoán về sự thất bại của F-35 trong không chiến 7 năm trước. Vị chuyên gia vốn là cựu phi công lái máy bay trinh sát RF-4 cho rằng, Lầu Năm Góc đã phạm sai lầm nghiêm trọng khi đánh giá thấp tính năng cơ động tầm gần của F-35.
Harold Scott Perdue, cựu phi công F-4 cảm thấy sốc khi nước Mỹ đã chi tới 1.000 tỷ USD cho dự án tiêm kích mà tính năng của nó còn thua kém cả "máy bay bà già" như F-16. Trong một báo cáo nghiên cứu của John Stillion và Harold Scott Perdue về tính năng của F-35 cho kết quả, siêu vũ khí mà Lầu Năm Góc liên tục ca ngợi tăng tốc chậm, tốc độ lên cao kém và gần như không thể cơ động để né tránh tên lửa.
Hai chuyên gia cho rằng, F-35 là dự án vũ khí sai lầm nhất của nước Mỹ. Đây là chương trình đem lại sự phá sản chiến lược cho Washington chứ không phải là siêu vũ khí giúp Mỹ duy trì vị thế siêu cường quân sự như quảng cáo.