Đường Nguyễn Văn Huyên kéo dài, một trong những con đường đắt nhất hành tinh với mức đầu tư 2 tỷ đồng một mét, và Võ Chí Công được coi như “trục xương sống” mới của khu vực phía tây hồ Tây theo chiều bắc - nam. Tuyến đường rộng 60 m dự kiến dài khoảng 4 km kết nối quận Cầu Giấy với hầu hết khu đô thị lớn tại Tây Hồ tới sông Hồng ở phía bắc.
Dự kiến trong tương lai, khi 8 bộ ngành dự kiến di dời về khu đô thị Starlake cũng sẽ lấy tuyến đường Nguyễn Văn Huyên kéo dài là trục trung tâm. Tuyến đường sắt đô thị Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo cũng sẽ đi theo dọc tuyến đường này kết nối với trung tâm thủ đô và sân bay Nội Bài.
Với vai trò quan trọng và cải thiện hạ tầng giao thông, đường Nguyễn Văn Huyên đang là trung tâm hút các dự án bất động sản. Khi tuyến đường còn chưa hoàn thành, nhiều dự án bất động sản đã nhanh chóng xây dựng ăn theo và hưởng lợi từ đây.
Mua chung cư rồi sống khổ đợi đường
Gần 2 năm trước, người dân tại dự án Ecolife Tây Hồ (của Capital House) khi được bàn giao về ở sống trong cảnh “dở khóc, dở cười”. Chung cư xây dựng xong và bàn giao cho người dân nhưng vẫn chưa hoàn thành đường đi xung quanh. Người dân phải đi một con đường tạm nối với Võ Chí Công.
Khi người dân phản đối, chủ đầu tư cho biết quy hoạch dự án có đường kết nối với tuyến Nguyễn Văn Huyên kéo dài. Tuy nhiên, dự án xây xong còn phải phụ thuộc vào tiến độ làm đường của Nhà nước. Cư dân, vì thế, phải chấp nhận “sống khổ” đợi đường.
Đường Nguyễn Văn Huyên kéo dài đoạn qua khu đô thị Starlake đã hoàn thành nhưng chưa được thông xe. Ảnh: Việt Linh. |
Ecolife Tây Hồ là một trong rất nhiều dự án tại khu vực phía tây hồ Tây đua tốc độ xây dựng để ăn theo tuyến đường Nguyễn Văn Huyên kéo dài, được coi là “trục xương sống” của khu tây hồ Tây theo hướng bắc - nam. Theo đó, nếu như tuyến đường Võ Chí Công đóng vai trò là vành đai 2 kết nối nội đô Hà Nội tới sân bay Nội Bài thì tuyến Nguyễn Văn Huyên kéo dài đóng vai trò là trục trung tâm của các dự án quanh khu vực tây hồ Tây.
Ngoài dự án Ecolife Tây Hồ, ngay sát trục Nguyễn Văn Huyên kéo dài giao với Hoàng Quốc Việt là dự án 6th Element của Công ty Cổ phần Xây dựng và Thương mại Bắc Hà. Dự án này gồm 2 tòa tháp cao 38 tầng với gần 1.200 căn hộ. Dự kiến cuối năm 2019 này, dự án này sẽ bàn giao.
Một dự án khác là chung cư tại số 60 Hoàng Quốc Việt của Tổng công ty Đầu tư Phát triển Nhà và Đô thị Bộ Quốc phòng (MHDI). Dự án có 2 mặt tiền nhìn ra ngã tư nút giao Hoàng Quốc Việt và đường Nguyên Văn Huyên kéo dài.
Nhiều dự án bất động sản đang xây dựng ăn theo dọc tuyến đường Nguyễn Văn Huyên kéo dài. Ảnh: Việt Linh. |
Chung cư 60 Hoàng Quốc Việt cao 25 tầng với tổng số 378 căn hộ đã được bàn giao từ cuối 2018, khi đường Nguyễn Văn Huyên kéo dài vẫn còn đang xây dựng.
Cũng chờ sẵn tuyến đường Nguyễn Văn Huyên kéo dài là các chung cư thuộc khu đô thị Nghĩa Đô (quận Cầu Giấy). Dự án này nằm sát khu đô thị Starlake, theo quy hoạch sẽ sử dụng đường giáp ranh giữa Starlake và bên ngoài nối với đường Nguyễn Văn Huyên kéo dài. Khi các tuyến đường tại khu phía tây hồ Tây chưa hoàn thành, người dân phải di chuyển theo hướng đường Trần Cung, ra Hoàng Quốc Việt.
Những đại đô thị dọc tuyến Nguyễn Văn Huyên kéo dài
Theo quy hoạch, tuyến đường Nguyễn Văn Huyên kéo dài sẽ chạy qua trung tâm của các khu đô thị lớn nhất khu vực phía tây hồ Tây theo chiều bắc - nam.
Trong bản đồ quy hoạch giao thông, tuyến đường Nguyễn Văn Huyên kéo dài (màu đỏ) dự kiến trở thành "trục xương sống" giao thông phía tây hồ Tây. Ảnh: Sở Quy hoạch và Kiến trúc Hà Nội. |
Theo đó, sau khi cắt đường Hoàng Quốc Việt, đường Nguyễn Văn Huyên kéo dài sẽ đi qua chính giữa khu đô thị Starlake, chia thành 2 khu vực phía đông và phía tây. Dự kiến, 8 bộ ngành di dời về đây sẽ phân bố đều 2 bên trục đường rộng 60 m này bên trong khu đô thị Starlake.
Bởi vậy, ngay sau khi một phần tuyến Nguyễn Văn Huyên kéo dài được thông xe, chủ đầu tư của Starlake đã quảng cáo các dự án bất động sản tại đây sẽ được hưởng lợi lớn từ hạ tầng giao thông.
Giá chung cư ở đây đang được bán phổ biến ở mức 60 triệu đồng/m2, trong khi đó biệt thự được rao bán 180-200 triệu đồng/m2.
Sau khi đi qua khu Starlake, đường Nguyễn Văn Huyên kéo dài cũng đi qua chính giữa khu đô thị Ngoại giao đoàn. Một loạt đại sứ quán cũng đã được quy hoạch đất dọc trục này. Chủ đầu tư Hancorp cũng đang tăng tốc xây dựng nhiều chung cư, biệt thự liền kề, shophouse ăn theo tuyến đường này.
Đường Nguyễn Văn Huyên kéo dài cũng giao với đường Ngô Minh Dương (rộng 10 làn xe). Tuyến đường rộng 10 làn xe này sẽ nối đường vành đai 2 là Võ Chí Công tới đường vành đai 3 là Phạm Văn Đồng. Từ đó, đường Nguyễn Văn Huyên kéo dài lại càng tạo đà phát triển cho các khu đô thị lân cận.
“Trục xương sống” Nguyễn Văn Huyên kéo dài cũng sẽ cắt đường Xuân La, Nguyễn Hoàng Tôn và đi qua chính giữa khu đô thị Ciputra. Tuyến đường sẽ đi qua sân golf bên trong khu đô thị này. Tuyến đường sắt đô thị nối sân bay Nội Bài với khu Nam Thăng Long dự kiến sẽ gặp nhau tại khu vực này và đi về ga Trần Hưng Đạo.
Có thể thấy hàng loạt khu đô thị, dự án bất động sản đang lấy đường Nguyễn Văn Huyên kéo dài làm “trục xương sống” ăn theo để phát triển. Khi tuyến đường hoàn thành, những dự án đã “xí đất” xung quanh từ nhiều năm trước sẽ được hưởng lợi lớn từ giá bất động sản tăng cao.
Mặt bằng giá chung cư quanh khu vực này đang phổ biến từ 40-60 triệu đồng/m2, thuộc phân khúc cao cấp tại thủ đô. Khi tuyến đường được thông xe toàn bộ, chắc chắn giá nhà sẽ không dừng lại ở con số đó.
Những khu đô thị lớn sẽ được hưởng lợi từ đường Nguyễn Văn Huyên kéo dài. Đồ họa: Hà My. |
Ồn ào điều chỉnh quy hoạch, Thủ tướng yêu cầu báo cáo
Cùng với tốc độ phát triển chóng mặt, khu vực này gần đây cũng trở thành "điểm nóng" khi các chủ đầu tư liên tiếp xin điều chỉnh quy hoạch để xây thêm nhà cao tầng, bệnh viện.
Cụ thể, cả 2 siêu dự án Khu đô thị Ciputra và Ngoại giao đoàn tại phía tây hồ Tây bị chủ đầu tư xin điều chỉnh quy hoạch nhiều lần theo hướng tăng chiều cao và mật độ dân số. Điều này vấp phải sự phản đối dữ dội từ phía người dân.
Tại khu đô thị Ciputra, nhiều tháng nay, cư dân phản đối dữ dội đề xuất điều chỉnh quy hoạch của chủ đầu tư. Theo đó, chủ đầu tư đã xin điều chỉnh ô đất mang ký hiệu I.B.29-NO trên bản đồ quy hoạch có diện tích 35.420 m2. Lô đất này được quy hoạch từ năm 2004 để xây dựng nhà cao tầng chuyển sang xây nhà thấp tầng. Ban đầu lô đất có quy mô dân số 1.701 người, nhưng sau đó xin điều chỉnh giảm xuống còn 575 người.
Điều chỉnh giảm lô này, nhưng chủ đầu tư xin tăng một lô khác có diện tích 54.977 m2, vốn quy hoạch làm khu thương mại hỗn hợp, sân, vườn và đường nội bộ, không có dân sinh sống. Chủ đầu tư xin điều chỉnh chuyển thành đất hỗn hợp thương mại, văn phòng, khách sạn và nhà ở cao tầng...
Ô đất TM-13 này trước quy hoạch 5 tòa (cao từ 5 đến 47 tầng) thì nay được đề xuất điều chỉnh tăng thành 8 tòa cao từ 45 đến 68 tầng. Quy mô dân số tối đa tăng từ 0 người lên 2.360 người.
Tới ngày 9/5, chủ đầu tư đã gửi văn bản tới Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội đề xuất giữ nguyên chức năng sử dụng đất, không bổ sung chức năng đất ở. Theo đó, không chuyển 2.360 người được cân đối từ ô đất 1.B.29-NO sang cho ô mới này.
Khi vụ việc điều chỉnh quy hoạch này diễn ra, người dân khu vực này mới phát hiện ra rằng chủ đầu tư đã từng xin điều chỉnh nhiều lần tại giai đoạn 2 dự án Ciputra. Các lần điều chỉnh trước đó diễn ra trên diện rộng và tăng mạnh chỉ tiêu dân số lên thêm gần 5.000 người.
Cụ thể, trong năm 2016, có 2 ô đất đã được điều chỉnh mang ký hiệu I.A.20 được điều chỉnh tăng 1.810 người (từ 1.690 người lên 3.500 người) và I.A.25 tăng 629 người (từ 891 người lên 1.520 người).
Đến năm 2017, chủ đầu tư lại xin điều chỉnh quy hoạch ô đất được ký hiệu I.A.23. Theo đó, trong quy hoạch ban đầu, lô I.A.23 được khống chế ở quy mô dân số 2.109 người, nhưng sau đó được điều chỉnh lên 6.693 người. Như vậy, chủ đầu tư xin điều chỉnh tăng 4.674 người so với quy hoạch trước đó.
Cũng trong tình cảnh bị chủ đầu tư điều chỉnh quy hoạch so với ban đầu là Khu đô thị Ngoại giao đoàn. Theo đó, vào tháng 5/2017, UBND TP. Hà Nội có quyết định phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết khu vực này.
Cụ thể, chủ đầu tư đã xin điều chỉnh khu đất có ký hiệu ĐMKT (đầu mối kỹ thuật, nơi được dùng làm trạm biến thế) có diện tích hơn 4.800 m2 thành công trình bệnh viện u bướu với mật độ xây dựng 40%, cao 12 tầng.
Ngoài ra, việc điều chỉnh quy hoạch khu đất vốn dùng để làm đầu mối kỹ thuật để xây những khu cao tầng như vậy sẽ gây áp lực cho cơ sở hạ tầng.
Không chỉ lô đất này, một số khu vực khác tại khu Ngoại giao đoàn cũng được chủ đầu tư xin điều chỉnh quy hoạch theo hướng tăng mật độ, tăng dân số.
Cụ thể, lô đất mang ký hiệu CC2 trên bản đồ quy hoạch ban đầu có chức năng công cộng, dịch vụ với diện tích 9.550 m2, mật độ xây dựng 20,5% bị xin điều chỉnh thêm chức năng dịch vụ thể thao. Mật độ xây dựng khi đó điều chỉnh lên 40%.
Lô đất khác mang ký hiệu CC3-4 với chức năng ban đầu là công cộng và dịch vụ được xin điều chỉnh thêm dịch vụ thương mại văn phòng. Mật độ xây dựng được điều chỉnh từ 20,5% lên 35%.
Lô đất CC5 (diện tích 0,87 ha) cũng được xin điều chỉnh tăng tầng, tăng mật độ. Thoe đó, quy hoạch ban đầu của lô đất dùng làm nơi công cộng, dịch vụ, thương mại. Sau đó chủ đầu tư xin điều chỉnh thêm chức năng văn phòng và ở. Mật độ xây dựng được điều chỉnh tăng từ 30% lên 41%. Số tầng cao trung bình được điều chỉnh từ 7 lên 27.
Đầu tháng 6, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu Hà Nội báo cáo về việc xin điều chỉnh quy hoạch tại khu vực này.