ĐTVN dừng chân tại AFF Cup: Cái chết được báo trước?
HLV Calisto đã mạnh miệng về khả năng lật ngược thế cờ ở trận lượt về, thế nhưng, đổi lại chỉ là một màn trình diễn phơi bày toàn bộ những vấn đề tồn tại của ĐT Việt Nam trên hành trình bảo vệ chức vô địch AFF Suzuki Cup.
Còn đâu vị thế một nhà đương kim vô địch
Ở cuộc họp báo sau trận đấu, HLV Calisto đã nói rằng: “Việt Nam đã chơi tốt hơn và chiếm lĩnh thế trận trong cả hai lượt trận”. Bản thân các BLV của VTV cũng hết lời ca ngợi đội nhà có một thế trận lấn lướt trong hiệp 1 trận lượt đi rồi toàn bộ thời gian của trận lượt về.
Dẫu vậy, những đánh giá kiểu này có lẽ phần nhiều xuất phát từ quan điểm dễ dãi mà người ta thường dành cho ĐT Việt Nam (chứ không phải bản chất vấn đề). Thực tế, đúng là các học trò HLV Calisto cầm bóng nhiều hơn. Song nếu nói chúng ta chiếm lĩnh thế trận, lấn lướt hay có nhiều cơ hội e rằng có phần “thậm xưng”.
ĐTVN đã trở thành nhà cựu vô địch (Ảnh: Quang Thái) |
Chúng ta kiểm soát bóng nhiều hơn đơn giản là do người Mã chủ động chơi như thế. Họ chấp nhận thân phận của kẻ dưới, với lối chơi không màu mè, dựa vào những đường lên bóng nhanh và sắc như dao cạo. Đó thực sự là phong cách phù hợp với lực lượng không mấy hùng hậu mà đội bóng này đang có. Và với lối chơi ấy, đoàn quân của HLV Rajagobal đã có được 2 bàn thắng để nhấn chìm nhà ĐKVĐ.
Ngược lại, ĐT Việt Nam tuy cầm bóng nhiều hơn nhưng đó là lối chơi rườm rà, thiếu hiệu quả và không có nhiều tính đột biến. Tiền đạo cắm hoàn toàn mất liên lạc với tuyến sau, không thực hiện được cả nhiệm vụ dứt điểm lẫn lôi kéo. Trong khi, ở tuyến giữa những mảng miếng phối hợp cũng không mấy đa dạng, chủ yếu dừng lại ở nỗ lực cá nhân của các tiền vệ cánh.
Hệ quả là những pha bóng được coi là cơ hội của thày trò Calisto đều chẳng phải là những tình huống thuận lợi kiểu mười mươi. Mà thậm chí, nếu nói công bằng hơn thì nó chưa chắc đã xứng đáng được coi là cơ hội làm bàn.
Nếu không tính "cơn mưa bàn thắng" trước Myanmar trong một trận đấu mà đối thủ vốn đã non lại tự thua thì trong cả giải năm nay, ĐT Việt Nam chỉ có được đúng 1 bàn thắng (trận gặp Singapore). 1 bàn thắng duy nhất rõ ràng quá ít và nghèo nàn cho cái gọi là tham-vọng-bảo-vệ-ngôi-vương.
Chẳng những thế, ngay cả bàn thắng vào lưới Singapore ấy, và khá nhiều bàn thắng trong trận gặp Myanmar của ĐTVN đều đến từ những tình huống phản công, chứ không phải là từ thế trận áp đặt tấn công. Thế nên, việc họ bất lực trong việc tìm đường vào mành lưới của Malaysia âu cũng chẳng khó giải thích.
Là nhà ĐKVĐ, nhưng ĐTVN lại "mừng rơi nước mắt" khi thắng Singapore và chật vật đi tiếp vào bán kết (Ảnh: Quang Thái) |
Nói một cách khác, ĐTVN vào giải với vị thế của nhà ĐKVĐ, nhưng lại không thực sự sở hữu sức mạnh hay đẳng cấp khác biệt của một nhà vô địch, không đạt đến cảnh giới muốn thắng là thắng, mà vẫn phải cố gắng giải quyết từng trận đấu dựa trên tính thời điểm hay may mắn.
Nguyên nhân thất bại đã được báo trước?
Người ta có thể đổ lỗi cho chấn thương khiến chúng ta mất đi nhiều trụ cột. Tuy nhiên, bên cạnh yếu tố thiếu may mắn, còn phải đề cập tới một nguyên nhân khác quan trọng không kém. Đó là chiến lược của HLV. Việc tập trung ĐT quá dài (tới 3 tháng), diễn ra ngay sau một mùa giải nặng nhọc, lại phải di chuyển và thi đấu liên miên cũng có thể là một nguyên nhân dẫn đến các cầu thủ bị quá tải dẫn đến chấn thương.
Ai cũng thấy ĐTVN dự giải lần này gần như chẳng có nhân tố nào mới so AFF Cup 2008 (ngoại trừ 1 số sự thay thế bất đắc dĩ như trường hợp của Đình Đồng), cho dù tất cả họ đều đã già đi 2 tuổi, và hầu hết đều không có được phong độ cũng như sự hưng phấn để đời như 2 năm trước. HLV Calisto đã đi vào vết xe đổ của người tiền nhiệm HLV Reidl đó là bảo thủ, đóng khung đội hình, để rồi kết quả thì ai cũng thấy.
Càng đáng nói hơn, khi mà những điểm yếu mà các chàng trai của chúng ta bộc lộ ở giải lần này đều đã được người ta điểm mặt chỉ tên ngay trong giai đoạn 3 tháng chạy đà của thày trò Calisto.
Đó là loạt trận 11 trận liền không thắng (không tính những trận tập nội bộ cùng ĐT Olympic) ở tất cả các mặt trận. Hàng thủ dù vẫn gồm toàn gương mặt cũ nhưng lại xộc xệch đến khó tin, như thể họ đã cạn kiệt khát khao chinh phục sau 1 lần đã đi đến tận cùng khám phá. Còn hàng tiền đạo thì liên tục tịt ngòi và được nhắc tới bởi chấn thương còn nhiều hơn cả các bàn thắng.
Việt Thắng rơi vào tình trạng "một cánh én không làm nên mùa xuân" (Ảnh: Quang Thái) |
Không chỉ đóng khung đội hình, HLV Calisto còn đóng khung luôn cả chiến thuật. Trong bối cảnh, hàng tiền đạo rất thiếu sức chiến đấu, thật ngạc nhiên khi thày Tô vẫn một mực chỉ sử dụng sơ đồ 1 tiền đạo cắm. Ngay cả ở trận lượt về trước Malaysia cũng vậy. Dù đội nhà bắt buộc phải chơi tấn công, nhưng ông vẫn chỉ bố trí một mình Việt Thắng trên hàng công. Và giống như đồng đội Anh Đức trên đất Mã, tiền đạo mang áo số 8 cũng gần như mất hút trên sân, ngoại trừ cú đánh đầu ở phút 60.
“Chẳng có một HLV nào có thể thắng ở mọi giải đấu”. Tuy nhiên, sự thực là sau chiến thắng mà không ai có thể chối bỏ là chúng ta đã quá may mắn 2 năm về trước, ĐT VN đã chẳng còn thắng một giải đấu nào.
Sau cú vấp cần thiết này, những người liên quan sẽ rút ra được bài học gì? Hay lại đá xong xuôi tất cả lại về và tiếp tục chờ đợi vào một phép màu nào khác?
Hải Hà
Theo Bưu Điện Việt Nam
Hãy chia sẻ những cảm xúc của bạn về hành trình của ĐTVN ở vòng chung kết AFF Cup 2010, niềm vui, nỗi buồn, khoảnh khắc đáng nhớ hay cầu thủ bạn yêu thích. Gửi ý kiến của bạn tại đây. * Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu và gửi bài viết từ 300 chữ trở lên. |