Thậm chí, có người còn nghĩ đến thuyết âm mưu và quy kết là “bán độ”, nhất là khi họ thấy chiếc cúp vàng được cất trong cái hộp của Louis Vuitton.
Ít ai biết rằng Louis Vuitton tài trợ cho sự kiện, và ngay sau ngày vô địch, một loạt hình ảnh quảng cáo chụp chiếc cúp vàng trong hộp LV đã được chạy trên các báo, tạp chí.
Nếu Croatia thắng, có lẽ hình ảnh ấy sẽ chỉ chạy ở đất nước của nữ Tổng thống Kolinda Grabar-Kitarovic, và điều đó có nghĩa, từ một chiến dịch lớn (toàn cầu), có thể LV sẽ chuyển nó thành một chiến dịch nhỏ, cho một thị trường nhỏ hơn?
Didier Deschamps hoàn thiện bản thân thế nào?
Didier Deschamps giành cúp vàng thế giới với tư cách cầu thủ (1998) và huấn luyện viên (2018). Ảnh: Reuters. |
Thật khó để kiếm tìm được những ý kiến ca ngợi "Les Bleus", ở đặc tính chiến thuật. Cũng phải thôi, vì ai cũng mơ mộng về Pháp của một thời hào hoa phong nhã. Ngay cả những người khen Pháp cũng chỉ xoay quanh những cái tên như Griezmann, Mbappe, Pogba, Varane. Hiếm hoi nhận xét khách quan khen ngợi Didier Deschamps, một người đã thay đổi và hoàn thiện chính mình rất nhiều.
Chính Deschamps thừa nhận rằng năm nay ông suy nghĩ rất khác so với 2016, mùa Euro mà Pháp thua Bồ Đào Nha ở chung kết. Ông không còn muốn xây dựng một đội bóng khinh địch nữa. Thay vào đó là một Pháp thận trọng hơn, thực dụng hơn, thậm chí khô khan hơn. Nhưng thay đổi ấy là đúng so với thời đại. Nếu đêm Moscow Pháp khinh thường Croatia và muốn chơi áp đảo đối thủ, rất có thể Croatia mới là nhà tân vô địch.
Trước khi bàn về sự tinh quái của Deschamps, chúng ta nên lục lại phổ quát của bóng đá hiện đại trong việc xây dựng lối chơi (Creating Games Model). Để xây dựng lối chơi cho 1 đội bóng, HLV cần chú trọng 5 yếu tố cơ bản sau: Đội hình chiến thuật, khả năng và cá tính của từng cầu thủ, triết lý và mục tiêu chung, các nguyên tắc trong 4 trạng thái của đội bóng (tấn công, phòng ngự, đoạt lại bóng, hành động khi mất bóng) và ý tưởng cho trận đấu.
Đội hình chiến thuật, Deschamps trung thành với việc giữ sự ổn định của đội hình xuất phát 4-2-3-1 với vai trò của Pogba - Kante là tiền vệ phòng ngự mà trong đó, Pogba đảm nhiệm thêm vai trò tổ chức từ tuyến sau (deeplying playmaker). Ở phía trên, Griezmann là cầu thủ tổ chức (advance playmaker) và có tầm hoạt động rộng, nhiều khi có thể lui về hỗ trợ bộ đôi Pogba - Kante. Sơ đồ ấy có thể biến hoá thành 4-3-3 khi cần với vai trò cơ động của Matuidi. Cả World Cup, Pháp gắn chặt với cách xây dựng ấy, rất quy củ.
Đội hình 4-2-3-1 đưa thầy trò huấn luyện viên Didier Deschamps lên ngôi vô địch thế giới tại Nga. Đồ họa: Minh Phúc. |
Khả năng và cá tính cầu thủ, Deschamps hiểu rất rõ. Đặc biệt ông quan tâm đến những cầu thủ trẻ như Pavard, Hernandez, Mbappe. Với Hernandez, ông tin tưởng vào sự bền bỉ, tính ổn định của anh và bởi thế, anh có thể leo biên hỗ trợ tấn công nhiều hơn Pavard, nhất là khi bên phía cánh trái, Matuidi luôn bọc lót tốt cho đàn em của mình.
Bên cánh phải, Deschamps lo ngại hơn vì kinh nghiệm của Pavard còn quá non. Và do đó, ông yêu cầu Pogba phải trám vị trí khi Pavard bị đối thủ vượt qua, hoặc hỗ trợ khi Pavard gặp đối thủ cao thủ hơn mình (như trận Bỉ). Cơ bản, Deschamps muốn Mbappe luôn có đủ không gian và thời gian để bùng nổ với những đường đột phá từ nách phải.
Hơn thế nữa, Deschamps quan tâm nhiều đến tính màu mè, rườm rà của Pogba và do đó, ông hạn chế cầu thủ của Man Utd hơn nhiều so với 2016. Ông không muốn Pogba làm vỡ nhịp thi đấu ổn định của đội hoặc mạo hiểm để đẩy đồng đội vào thế khó. Và Deschamps phải rất hiểu cá tính của Pogba nên mới có thể kiểm soát tốt cầu thủ bốc đồng này. Giải này, Pogba không chói sáng như kỳ vọng, nhưng thực ra anh chơi cực ổn định với điểm số nhận được mỗi trận luôn ở mức khá.
Didier Deschamps phát huy điểm mạnh và hạn chế điểm yếu của các học trò trong hành trình lên ngôi ở World Cup 2018. Ảnh: Reuters. |
Về triết lý và mục tiêu chung, "Les Bleus" được Deschamps xác định rất rõ ràng ngay từ đầu. Mục tiêu của ĐT Pháp là phải vào bán kết. Và khi đã vào chung kết, mục tiêu chung là “phải vô địch”. Từ đó, họ xây dựng nền tảng triết lý là “thận trọng, khai thác hiệu dụng mọi tình thế, không coi nhẹ bất kỳ đối thủ nào, hiểu và đề cao vai trò của từng cá nhân, từng vị trí chứ không phải xây dựng đội bóng dựa trên vài trụ cột gánh vác cả đội”.
Chính vì thế, từ vòng bảng, chúng ta thấy rõ Pháp chơi không hề bùng nổ, tạo ấn tượng rằng họ có sức mạnh khủng khiếp. Nhưng những người am tường bóng đá đều nhìn vào họ và nhận định “đó mới là ứng viên vô địch số 1”. Pháp như con quái vật ẩn mình và khi người ta càng nhắc nhiều đến Bỉ, Anh, Uruguay thì Pháp càng có được lợi thế từ sự yên bình.
ĐT Pháp của Didier Deschamps hoàn hảo ở World Cup 2018
Từ triết lý ấy, ý tưởng cho các trận đấu của Deschamps rất mạch lạc. Đó là chủ động chơi thấp, chậm rãi, tạo lớp và khối ngăn đối thủ xâm nhập khung thành. Trong quá trình nhường bóng và sân chơi cho đối thủ ấy, Pháp tỉnh táo, tập trung để khi cướp được bóng, lập tức tổ chức tấn công hoặc phản công chớp nhoáng dựa vào khả năng tăng tốc của Mbappe và sự hỗ trợ kéo giãn hàng phòng ngự, chia cắt tuyến phòng ngự với tiền vệ đối thủ của Giroud.
6 bàn thua của Pháp xảy ra thế nào càng minh chứng cho ý tưởng của họ. Trước Australia, họ thua vì penalty. Trước Argentina, trừ bàn thua cuối trận, Pháp thủng lưới vì sự xuất sắc của Di Maria và may mắn của Messi khi bóng đập chân Mercado. Trước Croatia, bàn gỡ hòa của Perisic cũng là tài năng và xuất thần của Perisic là chủ yếu. Lỗi phòng ngự của Pháp chỉ có 2 lần trả giá: 1 là bàn của Aguero xâm nhập đón đường bóng của Messi; 2 là sai lầm của Lloris khi bị áp sát và để mất bóng ngớ ngẩn.
Với ý tưởng chơi bóng mạch lạc như thế, Pháp không cầm bóng nhiều để đè bẹp đối thủ như bề trên, mà thay vào đó, họ cứ để đối thủ cầm bóng nhưng không thể tìm ra cơ hội xâm nhập trước một khối phòng ngự kỷ luật, khoa học.
Và để thực thi ý tưởng của mình, họ tuân thủ tốt các nguyên tắc: phòng ngự chặt chẽ, kín kẽ; tấn công chớp nhoáng, tận dụng tốt mọi cơ hội kể cả tình huống cố định; khi mất bóng không quá vội vã để đoạt lại bóng ngay mà thay vào đó là thu hẹp không gian và thời gian chơi bóng của đối thủ; khi đoạt lại bóng thì triển khai bằng những đường chuyền nhanh, ít chạm và hướng lên trên.
Phía sau thành công của đội tuyển Pháp, Didier Deschamps để lại dấu ấn rất lớn ở cương vị thuyền trưởng. Ảnh: Reuters. |
Trong hệ thống như thế, với ý tưởng như thế, phải nói là Deschamps đã hưởng lợi cực nhiều từ Simeone. Simeone đã tạo Griezmann thành 1 chìa khoá cơ bản của lối chơi chuyển đổi nhanh trạng thái từ tấn công sang phòng ngự và ngược lại. Deschamps cũng dùng Griezmann y chang như vậy, nhưng không đặt áp lực săn bàn lên ngôi sao này. Thêm vào đó, ông khuyến khích Pogba, Hernandez có những đường chuyền vượt tuyến và không ít lần những đường chuyền như thế đã khiến đối thủ của Pháp toát mồ hôi hột.
Cả giải đấu, Pháp chỉ duy nhất 1 lần thay đổi cách tiếp cận nhưng cũng thay đổi chỉ trong thời gian ngắn. Đó là khi họ bị Argentina vươn lên dẫn 2-1. Nhưng khi đã có bàn thắng 4-2, Pháp lại quay lại với đường lối họ đã chọn từ đầu, và tiếp tục đường lối ấy cho tới tận trận chung kết. Cơ bản, một Argentina rệu rã không phải thuốc thử đủ để kiểm chứng Pháp nên chọn lối chơi phủ đầu.
Song, phải đến trận chung kết Deschamps mới lộ độ quái của mình. Khi Pháp dẫn 2-1 sau hiệp 1, họ hoàn toàn có cơ sở để duy trì lối chơi lạnh lùng đến vô cảm mà họ đang theo đuổi. Nhưng Deschamps nhận ra Kante đã có dấu hiệu xuống phong độ, nhất là khi anh đã lĩnh 1 thẻ vàng từ quá sớm (phút 27). Chính thẻ vàng ấy khiến các hoạt động tạo áp lực để đoạt bóng của anh bị hạn chế vì nhát chân.
Và khi Kante nhát chân, Deschamps hiểu phải thay anh ra. Nhưng ông đợi đúng thời điểm là phút 60, khi đã qua được 1/3 thời gian của hiệp 2, ông mới đưa N’zonzi vào sân. Tại sao lại là thời điểm này, chứ không phải từ đầu hiệp 2? Đó là lúc bắt đầu Croatia đi vào giai đoạn xuống sức vì tuổi tác nhiều hơn Pháp, vì trải qua loạt knock-out khắc nghiệt trước đó. Tung N’zonzi vào khi đối thủ bắt đầu xuống sức, Deschamps được gì?
Đó là lúc Pogba được phép dâng cao hơn, và anh ta đã có bàn thắng. Và ngay sau đó là bàn thắng của Mbappe. Thực tế, nếu Deschamps không thực hiện việc thay người đúng thời điểm như vậy, họ có khả năng sẽ bị Croatia gỡ hoà, thậm chí có thể thua ngược.
Cũng phải nói thêm, ở nửa cuối hiệp 2 trận chung kết ấy, Matuidi cũng được đưa ra sân để một Tolisso trẻ trung, có tính chiến đấu hơn vào hỗ trợ cho Hernandez (vốn cũng dính thẻ vàng) ở hành lang trái. Pháp đã giữ được sự bền vững ấy, và từ đó dẫn tới sự bình tĩnh, thảnh thơi của kẻ dẫn bàn với khoảng cách an toàn. Chiến thắng cuối cùng, rõ ràng, là tâm phục khẩu phục.
Deschamps đã có những trận chung kết lớn trong đời huấn luyện của mình, và thất bại. Lần đầu tiên là 2004, ở Champions League, trước Mourinho và Porto. Nếu xem lại, chúng ta sẽ thấy Monaco ngây thơ thế nào. Lần thứ 2, 2016, trước Bồ Đào Nha, ở Paris, nơi Pháp phải đoạt cúp dưới áp lực phải chơi “trình diễn” cho khán giả nhà. Và họ thất bại khi Bồ Đào Nha không có Ronaldo.
Hôm nay, "Les Bleus" của Deschamps khác hẳn. Nó là một tập thể nhìn thì rất khó chịu, thậm chí chẳng mang tính giải trí chút nào. Nhưng để đánh bại nó, người khác sẽ cần một ý tưởng mạch lạc hơn, có sức thuyết phục hơn, và quan trọng là phải biết cách hiện thực hóa ý tưởng ấy bằng các cầu thủ trên sân.
Còn bây giờ, "Coupe du Monde" là của người Pháp. Còn chuyện nó nằm trong cái hộp Louis Vuitton, nó là việc của FIFA. Dù sao, cái "Coupe du Monde" đó nằm trong hộp LV cũng đẹp hơn là nằm trong một cái hòm thiếc màu bạc.