Cuộc trả lời phỏng vấn của HLV Vahid Halilhodzic vào dịp cuối năm 2015 thu hút dư luận Nhật Bản. Dù đội tuyển bóng đá nam do ông dẫn dắt đã vào đến vòng 2 của vòng loại World Cup 2018 khu vực châu Á, nhưng nhà cầm quân này lại gán cho đội nhà mác "đội bóng giải hạng ba".
Tiền vệ Keisuke Honda của Nhật vẫn đang cật lực tìm chỗ đứng ở AC Milan. |
Theo đó, ông Halilhodzic nói thẳng dù Nhật Bản có giành vé vào đến chung kết World Cup 2018 diễn ra tại Nga đi nữa thì đó vẫn chưa phải một thành tích đáng tự hào, bởi lẽ tuyển Nhật thiếu sự sáng tạo và các tiền đạo bẩm sinh.
"Nhật Bản đứng thứ 53 trên bảng xếp hạng FIFA. Vì vậy, nếu chia ra thứ bậc từ 1 đến 20 là hạng nhất, thì Nhật Bản nằm trong nhóm hạng ba của thế giới. Điều này buộc chúng tôi phải cải thiện từng khía cạnh của vấn đề như kỹ thuật, chiến thuật, nền tảng thể lực và tâm lý," HLV Halilhodzic nói.
Tại vòng loại World Cup 2018, tuyển Nhật từng trình diễn bộ mặt nhợt nhạt khi để Singapore cầm hòa 0-0 trong trận khai mạc. Dù vậy, việc chỉ rơi vào bảng đấu nhẹ nhàng có sự xuất hiện của những "nhược tiểu" như Syria, Cambodia và Afghanistan giúp "Những chiến binh Samurai" dễ dàng giành vị trí nhất bảng sau 6 vòng đấu và sớm lấy 1 trong 2 tấm vé ở bảng đấu này đi tiếp vào vòng trong.
Chưa có cái tên nào thay được Kagawa ở tuyển Nhật Bản. |
Ngày 29/3, Nhật Bản còn một trận đá trên sân nhà tiếp Syria nữa để tranh vị trí nhất và nhì bảng. Tính đến nay, họ cũng ghi được 17 bàn thắng và chưa để thủng lưới bàn nào. Đó được coi như thành công của tuyển Nhật, song, HLV Halilhodzic lại lo lắng về chặng đường chông gai phía trước.
"Những đối thủ tại vòng loại cuối cùng của World Cup ở một đẳng cấp khác so với những đội mà Nhật Bản từng chạm trán. Đó có thể là Iran, Hàn Quốc và Úc. Thậm chí, bóng đá Trung Quốc giờ cũng đang từng bước cải thiện đáng kể. Rất nhiều người nghĩ rằng Nhật Bản có lợi thế, tuy nhiên, nếu bạn so sánh tương quan lực lượng các đội với nhau thì vẫn có nhiều đội tuyển mạnh hơn Nhật Bản. Điều này khiến đường tới vòng chung kết World Cup vẫn còn rất xa," HLV Halilhodzic chia sẻ.
Cũng giống như nhiều đời HLV ngoại trước đó của tuyển Nhật, vị chiến lược gia 63 tuổi cho rằng đội nhà đang thiếu một tay săn bàn thực thụ và ông cảm thấy rất lo lắng với tình hình hiện tại. Dưới góc nhìn của mình, ông Halilhodzic cho rằng chính sự tự tin thái quá vào cấu trúc xã hội ở mức cao trở thành nguyên nhân khiến cầu thủ tự mãn, thiếu sự sáng tạo và chủ động giải quyết mọi chuyện trên sân.
Tuyển Nhật giờ đang trong tình cảnh khủng hoảng tiền đạo khi không có cây săn bàn thực thụ nào cả. |
"Trong tấn công, những bàn thắng đến không như những gì tôi nghĩ. Tuyển Nhật cần một cỗ máy ghi bàn hiệu quả. Khi phải chạm trán những đối thủ mạnh hơn, tuyển Nhật càng có ít cơ hội để giành chiến thắng. Điều này giải thích tại sao chúng tôi rất khao khát những bàn thắng. Bóng đá Nhật có thể xuất khẩu nhiều cầu thủ ra nước ngoài, nhưng bao nhiêu người trong số họ dẫn đầu danh sách ghi bàn ở các giải vô địch quốc gia hàng đầu châu Âu?", nhà cầm quân từng dẫn dắt tuyển Algeria giải thích thêm.
Sự lo lắng của ông Halilhodzic là điều có cơ sở. Nhìn vào thành phần tuyển Nhật, chỉ với hàng công đã xuất hiện 4 tiền đạo thi đấu ở nước ngoài. Nhưng con số đó lại đánh lừa một thực tế đằng sau khi không cái tên nào chơi cho các "đại gia". Thậm chí, các tiền vệ giỏi thường làm thay nhiệm vụ ghi bàn cho tiền đạo như Keisuke Honda và Shinji Kagawa cũng đang phải chiến đấu rất vất vả để giành vị trí chính thức ở AC Milan và Borussia Dortmund.
Trong bối cảnh dòng thời gian không thể khiến Honda hay Kagawa trẻ mãi, thì lớp hậu bối lại chưa để lại bất kỳ tiếng tăm hay nói cách khác đủ sức kế thừa người đi trước. Những gì diễn ra khiến tuyển Nhật lâm vào tình cảnh khủng hoảng tương lai nhìn thấy rõ từ thực tế hiện tại.
"Không có bất kỳ cầu thủ nào thay được Honda hay Kagawa cả. Và tương lai thì chưa biết ra sao. Lối chơi ở giải J.League và châu Âu hoàn toàn khác nhau, đặc biệt khi so về tính cạnh tranh. Phải có cách nào để cải thiện giải J.League. Nhật Bản phải tự tìm bản sắc cho riêng mình, thay vì chỉ sao chép công thức của Brazil. Trong suy nghĩ của tôi, bản thân luôn muốn xây dựng một đội bóng độc đáo và thi đấu dựa trên những điểm mạnh của từng cầu thủ," HLV Halilhodzic cho biết.
Son Heung-min (phải) chưa phải cây săn bàn kiểu số 9 cổ điển của tuyển Hàn Quốc. |
Không chỉ riêng Nhật Bản, Hàn Quốc cũng lâm vào cảnh "đói" tiền đạo. Trong bài viết trên ESPN cuối năm ngoái, nhà báo kỳ cựu John Duerden phân tích một trong năm vấn đề Hàn Quốc phải tìm ra lời giải trong tương lai gần nằm ở hàng công. Họ cần sản sinh và đào tạo ra những tiền đạo thứ dữ.
Hiện tại, bóng đá Hàn Quốc sở hữu một Son Heung-min đầy tài năng thi đấu cho Tottenham, nhưng đó không phải tay săn bàn bẩm sinh kiểu số 9 cổ điển. Đây là một nỗi xấu hổ lớn với tuyển Hàn Quốc, nơi có nguồn lực rất giàu mạnh.
Theo John Duerden, chỉ khi nào "Những chiến binh Taeguk" (biệt danh tuyển Hàn Quốc) có những tiền đạo giỏi trong đội hình, họ mới hy vọng tạo nên cú sốc đáng kể khi so tài với những tên tuổi khác của châu lục. Còn hiện nay, những 'Wookie' Kim Shin-wook, Lee Jeong-hyub hay Seok Hyun-jun toàn chơi rất phập phù và đẳng cấp thì chưa vươn đến cấp độ tầm cỡ.
Từ thực tế đó, năm 2016 có thể trở thành thời điểm để Hàn Quốc tập trung sản suất ra một cỗ máy ghi bàn thứ thiệt, và Nhật Bản cũng vậy.