Nhóm quỹ thành viên thuộc Dragon Capital vừa thông báo mua vào tổng cộng 2 triệu cổ phiếu GEX của Tập đoàn Gelex trong phiên giao dịch 26/6.
Trong đó Amersham Industries Limited mua 1,23 triệu đơn vị, Balestrand Limited mua 280.000 đơn vị, Wareham Group Limited mua 200.000 đơn vị, Vietnam Enterprise Investments Limited mua 170.000 đơn vị và Grinling International Limited mua 120.000 đơn vị.
Giao dịch trên giúp nhóm quỹ lớn nhất thị trường Việt Nam tăng số lượng nắm giữ từ 41,4 triệu đơn vị (tỷ lệ 4,86%) lên 43,4 triệu đơn vị (tỷ lệ 5,09%), qua đó trở lại làm cổ đông lớn của Gelex sau chưa đầy một tháng bán ra trước đó.
Diễn biến giá cổ phiếu GEX trong 6 tháng gần nhất. Đồ thị: Stockbiz. |
Động thái mua thêm của Dragon Capital diễn ra trong bối cảnh cổ phiếu GEX đang giao dịch quanh vùng đỉnh 9 tháng. Tạm tính theo thị giá đóng cửa phiên diễn ra giao dịch, nhóm quỹ ngoại đã chi ra hơn 40 tỷ đồng cho thương vụ trên.
Phiên mua vào của nhóm quỹ trên diễn ra đúng ngày thanh khoản cổ phiếu GEX đột biến với hơn 51,5 triệu đơn vị được sang tay và thị giá giảm 0,73% về 20.450 đồng/cổ phiếu, do liên quan đến tin đồn thất thiệt về Gelex.
Tập đoàn này sau đó đã kiểm tra và khẳng định đây là các thông tin sai sự thật, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tâm lý nhà đầu tư, khách hàng, làm uy tín của tập đoàn và xâm phạm quyền lợi của cổ đông.
"Việc các cá nhân, tổ chức đưa các thông tin sai sự thật về Gelex và mã cổ phiếu GEX là hành vi có thể có dấu hiệu của tội vu khống, thao túng thị trường, gây lũng đoạn, mất an ninh an toàn thị trường", thông cáo nêu.
Gelex kịch liệt phản đối những hành vi phát tán, lan truyền thông tin sai sự thật. Tập đoàn sẽ thông tin đến các cơ quan chức năng có liên quan để làm rõ nguồn gốc, mục đích của các thông tin sai sự thật; cũng như làm rõ động cơ của các cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi này nhằm xử lý nghiêm minh theo quy định pháp luật.
Gelex hiện là một trong các tập đoàn lớn đang niêm yết với quy mô tổng tài sản hơn 52.600 tỷ đồng. Giá trị vốn hóa thị trường hiện đứng ở mức trên 17.400 tỷ đồng.
Hệ sinh thái của tập đoàn này khá rộng ở nhiều lĩnh vực, bao gồm Viglacera - công ty top đầu về vật liệu xây dựng và sở hữu 12 khu công nghiệp, Gelex Electric - công ty sở hữu các thương hiệu thiết bị điện lớn như Cadivi, Thibidi. Ngoài ra còn có các mảng năng lượng tái tạo, bất động sản...
Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023, lãnh đạo Gelex nói đang triển khai tái cấu trúc các mảng kinh doanh cũng như tích cực nắm bắt các cơ hội hợp tác quốc tế.
Tập đoàn sẽ cơ cấu lại danh mục các dự án điện đã vận hành trong hệ thống thông qua việc thoái tối đa hoặc toàn bộ cổ phần/phần vốn góp tại các công ty dự án điện này cho các nhà đầu tư nước ngoài tiềm năng. Gelex đang trong quá trình làm việc, thương thảo để đi đến thống nhất và hoàn tất giao dịch với nhà đầu tư nước ngoài.
Hội đồng quản trị Gelex cũng vừa thông qua việc thế chấp cho ngân hàng tài sản là Tòa nhà Gelex Tower tại 52 Lê Đại Hành (Hà Nội) để đảm bảo cho nghĩa vụ vay vốn của CTCP Hạ tầng Gelex theo đề nghị ngày 26/6.
Độc giả Zing có thể tìm đọc thêm các cuốn sách hay về kinh tế tại Tủ sách kiến thức kinh tế. Các cuốn sách cung cấp cho độc giả nhiều kiến thức về kinh tế vĩ mô, chứng khoán, bất động sản, lạm phát, các cuộc suy thoái từng xảy ra, kinh nghiệm quản lý chi tiêu...