Nhắc tới Dr. Seuss là nhắc tới một biểu tượng của nước Mỹ. Không đứa trẻ Mỹ nào lớn lên mà không biết được những câu chuyện nổi tiếng như The Cat in the Hat, The Grinch, Horton Hears a Who, The Lorax... Bên cạnh những bức hình minh họa ngộ nghĩnh, nội dung các cuốn sách của Dr. Seuss đều được viết bằng những bài vè ngắn, có nhịp điệu, đôi khi còn ngớ ngẩn, nhưng đã làm thay đổi cả nền giáo dục của nước Mỹ.
Người đàn ông yêu thích vẽ động vật
Dr. Seuss tên thật là Theodor Seuss Geisel, hay Ted, như cách bạn bè và người thân vẫn gọi, sinh năm 1904 trong một gia đình là người gốc Đức. Cha ông làm quản lý một nhà máy bia nhỏ tại Massachusetts (Mỹ), sau đó được thị trưởng bổ nhiệm trở thành người giám sát hệ thống công viên công cộng. Tuổi thơ cậu bé Ted từng trải qua nhiều sự kỳ thị về gốc gác Đức của mình sau khi chiến tranh thế giới nổ ra năm 1914.
Sau khi tốt nghiệp đại học, Ted Geisel làm việc cho một tờ báo châm biếm ở Dartmouth, thậm chí còn lến đến vị trí tổng biên tập, nhưng sau một rắc rối ông buộc phải từ chức. Và để được theo đuổi đam mê của mình, Geisel lấy bút danh "Seuss" và tiếp tục theo học tại Oxford, chuyên ngành Văn học Anh.
Tại đây, ông đã gặp Helen Palmer, một tác giả sách thiếu nhi nổi tiếng đã khuyên ông từ bỏ việc làm giáo viên mà thay vào đó là theo đuổi đam mê vẽ của mình. "Cuốn sổ tay của Ted lúc nào cũng đầy ắp những hình vẽ động vật ngộ nghĩnh. Vậy nên tôi đã thuyết phục cậu ấy: người có khả năng vẽ những bức tranh này thì nên tận dụng chúng để kiếm sống".
Trong đầu Theodor Seuss Geisel, hay Dr. Seuss luôn đầy ắp ý tưởng về những loài động vật ngộ nghĩnh. Ảnh: John Bryson. |
Và tin vào lời khuyên đó, Geisel bỏ ngang việc học tại Oxford và trở về Mỹ, gửi các hình vẽ cho nhiều tờ báo, có những thành công bước đầu và kết hôn với Helen Palmer, người đã khuyên ông theo đuổi nghiệp vẽ và lớn hơn ông 6 tuổi.
Cuốn sách đầu tiên do Dr. Seuss viết và vẽ minh họa là And to Think That I Saw It on Mulberry Street năm 1936 đã suýt bị đốt bỏ sau khi bị từ chối bởi khoảng 43 nhà xuất bản trước khi Vanguard Press đồng ý xuất bản nhờ một sự giúp đỡ của một người bạn cũ. Sau đó, Dr. Seuss còn viết thêm bốn cuốn sách nữa, nhưng tất cả đều là văn xuôi và có vẻ như chưa được lòng độc giả nhỏ tuổi. Cuốn sách đầu tiên ông chuyển sang thể loại thơ vần là Horton Hatches the Egg (tựa tiếng Việt: Voi Ho-tơn ấp trứng) năm 1940, đánh dấu phong cách riêng của Dr. Seuss trong suốt sự nghiệp của mình.
Những cuốn sách thay đổi hệ thống giáo dục nước Mỹ
Tuy vậy, trong gần hai thập kỷ đầu bắt đầu nghiệp vẽ, cái tên Dr. Seuss vẫn chưa thực sự quen thuộc với độc giả Mỹ. Tháng 5/1954, tờ tạp chí Life có xuất bản một bài báo viết về nạn mù chữ học đường, rằng trẻ em không thể học đọc được vì những cuốn sách quá nhàm chán. Phương pháp dạy đọc ở Mỹ lúc này là cho trẻ em xem những hình ảnh minh họa liên kết với từ đó và buộc chúng phải ghi nhớ.
Điều đáng nói là những tranh vẽ khi ấy rất cứng nhắc và nhạt nhẽo, còn từ ngữ thì nhàm chán. Tác giả của bài báo đó, John Hersey đã đặt vấn đề, tại sao không liên kết với những họa sĩ minh họa sách thiếu nhi tài năng khi ấy của nước Mỹ, và trong danh sách đó có tên của Dr. Seuss.
Người đứng đầu hệ thống giáo dục Houghton Mifflin đã lưu ý điều này và đã đưa ra 348 từ ngữ mà ông cho rằng quan trọng và cần thiết cho trẻ em tập đọc, sau đó còn rút xuống 250 từ, thách thức Dr. Seuss ''Hãy viết cho tôi một câu chuyện mà trẻ em lớp một không thể đặt sách xuống''.
Dr. Seuss bên cạnh cuốn sách nổi tiếng nhất của mình, The Cat in the Hat. Ảnh: Gene Lester. |
Với một người ưu thích chơi chữ như Dr. Seuss thì viết ra một cuốn sách với số từ ngữ ít ỏi mà vẫn thú vị với trẻ nhỏ quả là có chút khó khăn. Nhưng chín tháng sau, Dr. Seuss đã hoàn thành được cuốn sách với chỉ 236 từ ngữ, kết hợp nhuần nhuyễn vần vè ngộ nghĩnh cùng hình minh họa độc đáo. Đó chính là cuốn sách nổi tiếng The Cat in the Hat (tựa tiếng Việt: Chàng mèo mang mũ). Cuốn sách kể về một ngày mưa rầm rĩ, hai đứa trẻ ngồi trước cửa sổ thì bỗng một chú mèo to lớn với chiếc chóp mũ cao bước vào vào dẫn lối chúng khám phá thế giới xung quanh mà không cần bước ra ngoài!
Nhiều cuốn sách sau đó của Dr. Seuss cũng tiếp nối cách thức này để trẻ em làm quen với từ ngữ dễ dàng hơn. Như cuốn sách Hop on Pop (tựa tiếng Việt: Nhảy lò cò trên bụng to của bố) bắt đầu từ 26 chữ cái trong bảng chữ cái tiếng Anh, giảng giải bằng cách ghép các chữ cái và các từ đơn giản lại, đồng thời, những chữ cái này lại nhóm họp với nhau trở thành những câu vần điệu hài hòa. Hay Fox in Socks (tựa tiếng Việt: Cáo đeo bít tất) là cuốn sách đầy những câu vè thú vị khó nhằn, đem tới cho người đọc những thử thách hấp dẫn mà vui thích.
Một cuốn sách khác là Green Eggs and Ham (tựa tiếng Việt: Trứng xanh, giăm bông xanh) ra đời từ một vụ cá cược của Dr. Seuss và một người bạn của ông, họ cá xem liệu có thể dùng 50 từ đơn viết nên một câu chuyện hay không. Và ông đã thắng, cuốn sách ra đời khơi gợi niềm đồng cảm và chủ đề gần gũi với trẻ thơ: Em có muốn nếm thử những món ăn mới hay không?
Ngôn ngữ của Dr. Seuss được đánh giá là mang những vần điệu đầy tiết tấu, tròn vành rõ chữ. Lượng từ vựng được sử dụng trong sách cực kỳ ít ỏi, kết cấu câu lặp đi lặp lại, chỉ thay đổi vị trí một số ít từ ngữ, trẻ chỉ cần nhớ được câu đầu tiên thì ngay lập tức dễ dàng đọc được câu phía sau. Thậm chí tên sách cũng được bắt vần với nhau như ''cat'' với ''hat'', ''fox'' với ''socks'', ''hop'' với ''pop''... Và nhờ thế, môn tập đọc trong giáo dục Mỹ đã có một bước ngoặt mới.
Nhiệm vụ mang niềm vui tới cho mọi trẻ em trên thế giới
Những cuốn sách của Dr. Seuss được yêu thích không chỉ riêng ở nước Mỹ mà còn trên toàn thế giới cho đến tận ngày nay. Tính đến năm 2009, cuốn Green Eggs and Ham đã bán được 540.000 bản, The Cat in the Hat bán được 452.000 bản, và One Fish, Two Fish, Red Fish, Blue Fish (tựa tiếng Việt: Một Cá, Hai Cá, Cá Đỏ Đỏ, Cá Xanh Xanh) bán được 409.000 bản. Đây là một kỷ lục trong ngành xuất bản sách thiếu nhi.
Với những đóng góp to lớn như vậy, năm 1998, Hiệp hội Giáo dục Quốc gia Mỹ đã chọn ngày 3/2, ngày sinh của Dr. Seuss làm ngày Đọc sách Quốc gia để giúp trẻ em hứng thú hơn với việc đọc sách.
Những cuốn sách của Dr. Seuss đã góp phần làm thay đổi hệ thống giáo dục của Mỹ. Ảnh: CLB Đọc sách cùng con. |
Trong một bài phỏng vấn sau này, Dr. Seuss có chia sẻ: ''Tôi muốn nói rằng việc tôi gắn bó với sách thiếu nhi, ấy là vì tôi có một niềm đam mê cháy bỏng, muốn mang những thông điệp tuyệt vời cho trẻ em trên khắp thế giới, nhưng cũng bởi vì tôi có chút điên rồ'.'
Và đúng như vậy, trẻ em đã tìm thấy trong sách của Dr. Seuss những điều ngớ ngẩn, buồn cười nhưng lại rất hợp lý, logic. Ví dụ như con vật hai đầu thì phải có hai cái nón và hai bàn chải đánh răng riêng, hoặc nếu chú voi ấp trứng chim thì sinh ra voi con có cánh và biết bay.
Trong sự nghiệp của mình, Dr. Seuss xuất bản hơn 60 cuốn sách với hàng loạt tác phẩm được chuyển thể, gồm 9 bộ phim điện ảnh tính cả live-action và hoạt hình, 11 phim ngắn, 3 series phim truyền hình. Những bộ phim hoạt hình gần đây như Horton hears a Who (2008), The Lorax (2012), The Grinch (2018) đều đạt doanh thu khổng lồ ở phòng vé.
Riêng bản thân Dr. Seuss cũng có cho mình hai giải Oscar cho Bộ phim tài liệu hay nhất Design for Death (1947) do ông cùng người vợ Helen viết kịch bản và Bộ phim hoạt hình ngắn hay nhất Gerald McBoing-Boing (1950) dựa trên câu chuyện do ông sáng tác; hai giải Emmy cho phim ngắn Halloween Is Grinch Night (1977) và The Grinch Grinches the Cat in the Hat (1982); một huân chương Laura Ingalls Wilder cao quý và một giải Pulitzer đặc biệt vì những đóng góp cho nền giáo dục cũng như mang đến niềm vui cho mọi trẻ em và cha mẹ Mỹ.
Tên của ông cũng được gắn trên Đại lộ danh vọng Hollywood nằm ở 6500 Hollywood Boulevard.
Những bộ phim chuyển thể từ các cuốn sách của Dr. Seuss đều đạt được thành công lớn. |
Dr. Seuss qua đời ở tuổi 87, trải qua hai đời vợ nhưng không có con ruột. Với ông, việc viết sách không phải đem lại hạnh phúc cho một đứa, mà là mọi đứa trẻ trên thế giới, đúng như ông từng chia sẻ: ''Bạn có lũ trẻ, tôi cho chúng niềm vui''.