Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Đột phá trên smartphone đang đi về đâu?

Cuộc đua thiết kế dường như đã dừng lại, các tên tuổi tập trung nhiều hơn vào thỏa mãn trải nghiệm và mở rộng hệ sinh thái hơn.

“Mọi smartphone đều nhìn y hệt nhau”, Brandon Gien từ Tech Speculator đã thốt lên như vậy cho đến khi Galaxy S6 ra đời. Năm ngoái, Samsung từ bỏ những đường nét truyền thống để theo đuổi thiết kế nguyên khối.

Nhìn lại lịch sử chưa mấy xa xôi, Nokia từng thống trị thị trường với các dòng thiết bị khác nhau. Họ tạo ra mọi thiết kế mà họ có thể tưởng tượng, mang lại những ký ức đầy điểm nhấn cho người dùng, chiến lược này mang lại sự phong phú cho người dùng, nhưng điểm yếu là sự phân mảnh của hệ thống, cả về phần cứng lẫn phần mềm.

Với Apple thì ngược lại: Họ chọn tập trung vào một sản phẩm và dồn mọi nguồn lực để cải tiến sản phẩm độc nhất đó. Chính vì thế, các chi tiết trên iPhone thường đi theo lối đơn giản và tối ưu hóa.

Smartphone ngày càng giống nhau, cả về thiết kế lẫn tính năng. Ảnh: Funny Pica.

Sự sáng tạo đột phá ngày càng ít đi. Ngay cả Apple gọi là sáng tạo cũng phải đi theo xu hướng màn hình lớn. Năm ngoái, người ta nhắc đến màn hình cong của S6 Edge, bút S Pen trên dòng Galaxy Note, Z5 Premium với màn hình 4K… Dù vậy, một sản phẩm gây chấn động thị trường vài năm trở lại đây lại hiếm.

Điều này có thể được giải thích bởi sự rạn nứt của bức tường chắn giữa các hãng sản xuất, sự xuất hiện những chuỗi cung ứng linh kiện, và sự hạn chế các nhà phân phối khiến các hãng dường như không có sự lựa chọn. Đầu 2015, Giám đốc Truyền thông Ken Hong của LG cho rằng họ “không thể làm gì nhiều ở thời điểm hiện tại, khả năng thiết kế sản phẩm bị giới hạn rất nhiều bởi công nghệ của các nhà cung cấp linh kiện”.

Và khi các nhà sản xuất linh kiện sống nhờ vào đơn đặt hàng, họ chỉ có thể tập trung cho các giải pháp của số đông, theo xu hướng thị trường, vì thế những ý tưởng đột phá dù có xuất hiện cũng rất khó có nền tảng linh kiện để đi vào thực tế.

Cùng với những chuyển biến trong thiết kế, không thể kể đến cả những chuyển biến trong việc dùng di động, Client Heartbeat, một trang blog nghiên cứu khách hàng nổi tiếng đã liệt kê ra 5 thay đổi trong thói quen sử dụng di động của khách hàng từ 2014, theo đó, smartphone đã trở thành vật thiết thân, chứ không còn là món trang sức như trước đây. Thời lượng sử dụng smartphone đã vượt qua PC, và người dùng ngày càng coi trọng việc cá nhân hóa thiết bị, họ thiếu kiên nhẫn với các lỗi thiết bị hơn và sẵn sàng thay đổi thương hiệu hơn trước. Quan trọng nhất, họ muốn mọi nhu cầu của mình được đáp ứng ngay lập tức, bất kể bối cảnh đang diễn ra.

Người dùng ngày càng phụ thuộc vào điện thoại, vì vậy họ cũng càng khó tính hơn. Ảnh: Tech Spot.

Chính vì thế, các nhà sản xuất cũng phải chuyển mình theo, thay vì tạo ra những sản phẩm cá tính và đa dạng như trước, cụm từ “quan tâm đến trải nghiệm khách hàng” xuất hiện nhan nhản.

Xu hướng cải tiến khiến nhiều tính năng mới được đưa vào sử dụng, nhằm tạo các thao tác mới so với trước kia, cảm biến vân tay, phím tắt dần phổ biến, màn hình chạm mang lại nhiều hứa hẹn, còn nhiều tính năng khác được “nhăm nhe” như cảm biến võng mạc hay thao tác cử chỉ.

Nhưng ngay cả như vậy, dường như trải nghiệm trên smartphone đang đối diện với nhiều giới hạn và thử thách. Các tính năng chỉ độc đáo một thời gian rất ngắn, với tốc độ ra mắt sản phẩm như vũ bão hiện tại, các tính năng hợp lý, hữu dụng nhanh chóng được phổ cập trên nhiều dòng máy, tạo ra yêu cầu cho những tính năng mới, và cứ thế vòng xoay lại bắt đầu.

Smarthome và hệ sinh thái rộng hơn là cuộc chiến sơ khai, và smartphone sẽ đóng vai trò nhất định ở đó. Ảnh: Allround PC.

Thay vào đó, những thành phần mới của hệ sinh thái đang lên tiếng. Thị trường chuyển hướng sang những mảnh đất hoang sơ hơn, như smartwatch hay smartphone, những nơi mà chuẩn mực và xu hướng vẫn chưa hình thành.

Các tên tuổi đang cố gắng thiết lập những chuẩn mực của chính mình và bứt phá trên những thị trường này. Samsung là tên tuổi có nhiều nỗ lực, họ cố gắng đẩy mạnh smarthome bên cạnh các dự án thiết bị đeo. Google công bố nhiều dự án smartcar, còn cuộc chiến smartwatch đang nóng lên trông thấy với nhiều tên tuổi tham dự. Cùng với đó, thực tế ảo với các thiết bị VR cũng được chú ý hơn, Samsung Gear VR, Oculus hay Microsoft là những cái tên nổi bật. Một chương mới trong trải nghiệm người dùng đang mở ra, và dường như smartphone sẽ ngày càng trở thành trọng tâm của những hệ sinh thái công nghệ. 

Smartphone đang trở thành trung tâm của các thiết bị khác nhau. Ảnh: TC.

MWC 2016 sắp diễn ra ở Barcelona, Tây Ban Nha. Nhiều tên tuổi công nghệ đã chuẩn bị trình làng smartphone mới. Các hình ảnh rò rỉ cho thấy, Galaxy S7 sẽ có những nâng cấp trên nền tảng S6, trong khi LG G5 có kiểu dáng không mới mẻ. Các nhà sản xuất khác chưa hứa hẹn đưa ra điều gì quá đặc biệt. Năm ngoái, mọi con mắt đều đổ về Galaxy S6, S6 edge. Năm nay, Samsung tiếp tục là cái tên nắm giữ sự chú ý và lấn át các thương hiệu khác. Galaxy S7 được kỳ vọng là model nâng bước Android.

Do vậy, xu hướng tiếp theo của làng công nghệ sẽ là kết nối tốt nhất những sản phẩm này với chiếc smartphone, và nó cũng là nơi mà các thương hiệu phân thắng bại, theo Vlad Savov từ The Verge.

Dù cho làng smartphone sẽ đi tiếp về đâu chăng nữa, có vẻ sẽ rất khó để thấy một thời đoạn bùng nổ nữa của thiết kế di động, và dường như, điều đó cũng không còn là mối quan tâm hàng đầu của người dùng như trước kia.





Lê Phát

Bạn có thể quan tâm