Thấy là hết muốn uống
Để cho ra lò hàng nghìn cây nước đá bỏ mối hằng ngày, từ sáng sớm, các công nhân đều phải vào ca. Tại cơ sở sản xuất nước đá P.A.T ở ấp Xuân Thới Đông 2, huyện Hóc Môn có gần 20 công nhân làm việc tại khu sản xuất liên tục cả ngày đêm cùng 5 công nhân vận chuyển đá đi bỏ mối thông qua 5 xe tải nhỏ. Ở khu vực sản xuất, hàng trăm khay đá hoen gỉ phơi giữa sàn nhà, không được che chắn.
Các công nhân mở vòi nước được lấy từ nước giếng lên cho vào các khay. Khi các khay đá đầy nước, họ dùng chân trần đạp vào khuôn để chạy đông. Sau nhiều tiếng, đá được làm đông, công nhân dùng tời đưa các khuôn đá lên từ hầm, sau đó nhúng vào một hố nước để rã đông và đưa lên sàn nhà để lấy đá từ khuôn ra.
Các công đoạn từ đưa nước vào khay đến khi ra đá thành phẩm đều được thực hiện hết sức mất vệ sinh.
Ngày 7/3, sau khi lôi đá ra từ khay (hàng trăm cây đá nằm bê bết trên sàn nhà lênh láng nước), Giang, một công nhân làm ở đây, vô tư kéo quần tè vào vũng nước nơi để đá chuẩn bị đi giao. Nước tiểu theo đường dẫn, trong chốc lát đã hòa vào dòng nước rỉ rả trên sàn gạch. Còn ở khu vực xuất đá cây, công nhân vô tư dẫm chân lên các cây đá chuẩn bị đưa lên xe đi giao.
Công nhân vô tư đi dép lên trên các khay đá ở một cơ sở làm nước đá tại huyện Hóc Môn, TP HCM. |
Với loại đá nhỏ bán cà phê, đá cục uống bia, trong lúc công nhân cho vào bao chờ giao hàng, đá rơi rớt tràn ra sàn gạch. Để “tiết kiệm”, các công nhân nhặt lên tiếp tục cho vào bao đựng hoặc vào lò giữ lạnh. Điều đáng nói, sàn gạch luôn trong tình trạng ngập ngụa các thứ nước tổng hòa, chưa kể công nhân còn thường xuyên vứt tàn thuốc lá, mang dép bẩn từ ngoài vào trong quá trình sản xuất đá.
Nước đá “nhiều không”
Tại ca làm đêm và rạng sáng 14/3 tại cơ sở P.A.T, nhiều công nhân đi tiểu tại khu vực sản xuất đá, trong khi nhà vệ sinh chỉ cách đó chừng 20m. Quan sát trong đêm đến rạng sáng cùng ngày, có một thanh niên đi tiểu đúng chỗ sản xuất đá đến 3 lần. Sau khi thanh niên này tè bậy, vài cục đá rơi khỏi bao xuống gần chỗ nước tiểu. Anh này không ngần ngại nhặt lên cho vào bao.
Tại cơ sở sản xuất nước đá S.S trên đường Hoàng Hoa Thám, phường 12, quận Tân Bình, công nhân không được trang bị bảo hộ lao động, không găng tay, thậm chí, công nhân còn mình trần, hút thuốc trong lúc làm. Tại cơ sở này, các khay làm đá phần lớn hoen gỉ, bụi bám đầy. Nhưng chúng không được rửa, sau đó, công nhân cho nước vào. Khi cho khuôn vào hồ nước để nhúng tách đá, hồ nước chuyển màu đỏ quạch.
Có mặt tại hai cơ sở sản xuất nước đá, cùng nằm trên đường D8, thị trấn Tân Túc, huyện Bình Chánh, chúng tôi ghi nhận ở các buồng tạo nước đá, nguồn nước có màu đỏ thẫm, rất bẩn. Máy móc, các khay làm nước đá bị gỉ sét. Tại cơ sở nước đá B.T, nước đá thành phẩm được chất đống dưới đất, nhiều cây đá có màu ố vàng hoặc lấm tấm cát bụi bên trong. Sau đó, số đá này được chuyển đến các cửa hàng giải khát và đại lý để đến tay người tiêu dùng.
Cảnh tạm bợ bên trong cơ sở nước đá S.S ở Hoàng Hoa Thám, quận Tân Bình, TP HCM. |
Theo anh Hưng, người làm trong cơ sở đá, cơ sở làm nước đá này lấy nguồn nước từ giếng bơm lên, sau đó cho vào các buồng làm nước đá. Mỗi ngày cơ sở hoạt động từ 0h đến 8h sáng. “Chúng tôi phải sử dụng muối để pha trộn vào các buồng nước đá để tăng hệ thống làm lạnh. Mỗi ngày sản xuất gần 3.000 cây nước đá, cung cấp cho các đại lý, cơ sở sản xuất thực phẩm đông lạnh…”, anh Hưng tiết lộ.
Uống bệnh vào người
Dù quy định nguồn nước làm nước đá cây và tinh khiết phải lấy ở độ sâu 90 m, qua khử lọc thẩm thấu ngược và diệt khuẩn bằng tia cực tím, nhưng việc làm này đều bị các cơ sở làm nước đá mà chúng tôi mục sở thị bỏ qua. Bác sĩ Trần Văn Ký, phụ trách chuyên môn văn phòng phía Nam, Hội Khoa học Kỹ thuật An toàn Thực phẩm Việt Nam, nói rằng, mối nguy hại bệnh tật từ nước đá bẩn luôn hiển hiện.
Theo ông, tiêu chảy, dịch tả và ngộ độc luôn có trong các loại nước đá sản xuất kiểu kém vệ sinh. “Nhưng nguy hiểm hơn là nước nhiễm hóa chất lấy lên từ lòng đất không được lọc, về lâu dài, độc chất trong nước gây viêm đại tràng mạn tính, ảnh hưởng đến chức năng gan thận”, bác sĩ Ký nói.
Kỹ sư Huỳnh Lê Thái Hòa, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TP HCM, cho biết, hiện thành phố có hơn 190 cơ sở sản xuất nước đá cây và viên. Qua kiểm tra, đoàn liên ngành phát hiện trên 80 cơ sở vi phạm các điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm.
Tổng cộng 79 cơ sở sản xuất nước đá sử dụng nước máy và 114 cơ sở nước giếng, nhưng khi kiểm tra, các nguồn nước này đều được xử lý qua loa, không được kiểm định đầy đủ các tiêu chí an toàn thực phẩm.