Đột nhập làng đẻ mướn giá rẻ ở Ấn Độ
Một ngôi làng ở Ấn Độ đã trở thành trung tâm đẻ thuê, nơi chuyên cung cấp những phụ nữ trẻ mang bầu hộ người khác.
Đối với một số cặp vợ chồng, dịch vụ đẻ mướn là cơ hội duy nhất để họ có một đứa con. Mỗi năm, hàng trăm người Mỹ tới Ấn Độ vì dịch vụ này.
Dana và Sumanth Chandra cố gắng có em bé kể từ khi kết hôn cách đây 14 năm tại Chicago. Họ tin rằng, cậu con trai mới sinh Ethan là một điều kỳ diệu bởi các bác sĩ tại Mỹ nói rằng Dana không thể sinh nở được.
"Tôi có thể dành phần đời còn lại của mình để đứng ở đây," cô nói trong khi nhìn đứa con bé bỏng của mình.
Vợ chồng Sumanth cuối cùng đã thực hiện giấc mơ về một gia đình bằng cách bay 8.000 dặm (12.800km) tới Ấn Độ, nơi Sumanth lớn lên.
Vợ chồng Sumanth bên cậu con trai mới chào đời. (Ảnh: CBS News) |
Ethan được sinh ra nhờ một người mẹ để thuê tại một trung tâm y tế của thị trấn Anand đầy bụi bặm, trung tâm của ngành công nghiệp đẻ mướn đem lại hàng triệu USD tại Ấn Độ.
Một phôi thai được tạo ra từ tinh trùng và trứng của vợ chồng Sumanth được cấy vào một phụ nữ Ấn Độ, người được trả tiền cho việc mang bầu đứa con của họ.
Bác sĩ của vợ chồng Sumanth, Nayana Patel đã giúp hơn 200 cặp vợ chồng Mỹ có con.
"Khi bạn nhìn một cặp vợ chồng không có con bạn hiểu họ đang tuyệt vọng và đau khổ thế nào. Theo tôi, họ không phải đang sống một cuộc sống mà chỉ là đang tồn tại," bác sĩ Patel nói.
Sự bùng nổ kinh doanh đẻ mướn tại Ấn Độ là không kiểm soát được. Một sai sót nhỏ có thể khiến một cặp vợ chồng lấy nhầm con của người khác.
Một phụ nữ đẻ mướn tại Anand. (Ảnh: CBS News) |
Tuy nhiên, đẻ mướn ở Ấn Độ rất rẻ. Chỉ khoảng 25.000 USD, bằng 1/4 so với những gì các cặp vợ chồng sẽ phải trả tại Mỹ. Những người đẻ thuê kiếm được khoảng 8.000 USD từ việc mang bầu hộ.
Tại trung tâm y tế của bác sĩ Patel, họ buộc phải sống trong nhà tập thể để việc mang thai được kiểm soát chặt chẽ và không được liên lạc với người thân trong gia đình.
Meena Parmar, một bà mẹ đẻ mướn, từng làm giúp việc với lương 30 USD một tháng. Hiện cô đang mang trong mình đứa con của một cặp vợ chồng người Mỹ và cho biết số tiền mà cô kiếm được sẽ dùng để trả học phí cho con.
Sự liều lĩnh của nhiều phụ nữ đẻ mướn nghèo khó có thể khiến họ bị tổn thương.
Meena Parmar đang mang trong bụng đứa con của một cặp vợ chồng người Mỹ. (Ảnh: CBS News) |
Nhưng liệu những người đẻ mướn này có được pháp luật bảo vệ và quyền lợi của họ là gì?
"Tôi sẽ nói rằng họ có quyền kết thúc việc mang bầu bất cứ khi nào họ cảm thấy không thoải mái trong thai kỳ nhưng trong trường hợp đó họ sẽ phải trả toàn bộ số tiền mà cặp vợ chồng thuê họ phải bỏ ra", bác sĩ Patel nói.
Trong khi đó, Dana và Sumanth lo lắng về quan hệ không bình đẳng với người đẻ mướn.
"Quan tâm lớn nhất của tôi là không muốn trục lợi từ một phụ nữ cần tiền và không đủ sức khỏe để làm việc đó", Dana nói.
Tuy nhiên những mối bận tâm đó không ngan cản hàng trăm cặp vợ chồng tới Ấn Độ để tìm người đẻ mướn. Bác sĩ Patel làm ăn phát đạt tới nỗi hiện bà đang xây dựng một bệnh viện tư mới. Nhưng tại một quốc gia nghèo khổ, một số người lo ngại rằng các bà mẹ mang bầu ở Ấn Độ sẽ sớm bị vắt kiệt sức lực.
Tất cả các bác sĩ mà CBS News phỏng vấn đều nói rằng đẻ mướn là một thỏa thuận 50-50. Các cặp vợ chồng có một đứa con, các bà mẹ đẻ mướn có một khoản tiền. Tuy nhiên, vấn đề là nhiều phụ nữ vô cùng nghèo khó. Một số người không biết chữ. Họ không được học hành và có thể bị các trung tâm y tế lợi dụng trong ngành công nghiệp sinh lợi này.
Theo Vietnamnet