Chúng tôi đến Trung tâm kiểm soát tiếp cận sân bay Nội Bài (đặt tại Đài kiểm soát không lưu Nội Bài) vào một ngày giáp Tết. Ngoài sân bay, các máy bay cất, hạ cánh nhộn nhịp trong giai đoạn cao điểm, còn trong căn phòng khá tĩnh lặng, chỉ nghe tiếng các kiểm soát viên không lưu (KSVKL) phát huấn lệnh ngắn gọn với âm lượng vừa phải, trao đổi với phi công bằng tiếng Anh qua micro, bộ đàm.
Là nghề đòi hỏi sự chuẩn mực khắc nghiệt bậc nhất trong mọi nghề, hơn hết, công việc KSVKL mà mọi người hay gọi là "những người lái phi công", người "cảnh sát trên không" đòi hỏi một "cái đầu lạnh", bình tĩnh và quyết đoán trong mọi tình huống.
Nằm trên đỉnh Đài Kiểm soát không lưu Nội Bài cao hơn 80 m, Cơ sở kiểm soát tại sân (còn gọi là đài chỉ huy) là căn phòng hình tròn vách kính bao quanh. |
Trung tâm kiểm soát tiếp cận sân bay Nội Bài gồm 2 cơ sở điều hành bay chính: Cơ sở kiểm soát tại sân và Cơ sở kiểm soát tiếp cận, có nhiệm vụ kiểm soát, điều hành hoạt động bay trong vòng bán kính 75 km từ sân bay Nội Bài.
Công việc của những cái đầu lạnh
Nằm trên đỉnh Đài Kiểm soát không lưu Nội Bài cao hơn 80 m, Cơ sở kiểm soát tại sân (còn gọi là đài chỉ huy) có nhiệm vụ kiểm soát máy bay cất hạ cánh và các phương tiện khác trong sân bay, điều hòa máy bay đi và đến, chiếc nào hạ cánh, chiếc nào dừng chờ... Chịu trách nhiệm về hoạt động điều hành bay trong vòng bán kính hơn 10 km.
Đó là căn phòng đặc biệt với nhiệt độ luôn được giữ ở mức 20-22 độ C. Phòng được thiết kế hình tròn vách kính bao quanh, từ đây có thể nhìn bao quát về phía sân bay, phía xa bên kia sông Hồng là trung tâm Hà Nội với những tòa nhà cao tầng, một phía là những dãy núi mờ xanh...
Tuy nhiên, các KSVKL không có thời gian để ngắm cảnh, khi đã vào vị trí, họ phải nói, hướng dẫn phi công liên tục (lúc cao điểm, thời gian nói, hướng dẫn bay của KSVKL thường hơn 50 phút/h), đồng thời, mắt nhìn vào màn hình, tai nghe phi công báo cáo, vừa viết lại các thông số cơ bản của chuyến bay vào băng phi diễn, vừa thao tác trên bàn phím máy tính khai thác các chức năng điện tử…
Kíp trưởng gần như đứng liên tục trong ca trực. |
Giải thích về việc dù đầy đủ các thiết bị hiện đại song KSVKL vẫn phải ghi tay, anh Nguyễn Ngọc Quang, Trưởng Trung tâm kiểm soát tiếp cận tại sân bay Nội Bài, cho biết hệ thống lưu trữ tại đài kiểm soát không lưu có 2 cấp là băng ghi âm và băng phi diễn.
Mặc dù gần như không bao giờ có thể mất được radar song KSVKL vẫn phải ghi chép để giả sử trong tình huống xấu nhất, khi mất toàn bộ dữ liệu điện tử sẽ sử dụng dữ liệu từ băng phi diễn để điều hành.
Lúc này, sẽ điều hành hoàn toàn theo phương thức cổ điển: Không còn nhìn được bằng radar, chỉ nghe và nói với phi công. Hoặc giả sử khi có phản ánh của phi công không đồng tình với huấn lệnh của kiểm soát viên, lãnh đạo sẽ nghe lại băng ghi âm, hoặc phân tích băng phi diễn để đưa ra kết luận.
Một kíp trực tại đài chỉ huy thường gồm 6 người cho các vị trí: Vị trí cấp phát huấn lệnh máy bay, kiểm soát mặt đất, hiệp đồng, kiểm soát tại sân, người xử lý số liệu điều hành bay, kíp trưởng…
Sau khi được cấp phát huấn lệnh (chỉ thị khởi hành) cung cấp cho phi công trước khi khởi hành những thông tin về kế hoạch bay, đường bay, thời tiết và một số thông tin cần thiết khác, máy bay bắt đầu nổ máy và lăn dưới sự giám sát của kiểm soát mặt đất. Khi máy bay lăn tới đầu đường cất cánh sẽ được chuyển giao từ kiểm soát mặt đất cho lực lượng kiểm soát tại sân.
Vị trí này sẽ căn cứ lượng máy bay về để cho máy bay cất cánh phù hợp, bảo đảm đủ phân cách, an toàn, điều hòa và hiệu quả. KSVKL phải căn để khi cho máy bay lên cất cánh, có đủ thời lượng để máy bay về hạ cánh. KSVKL hiệp đồng phải xử lý số liệu điều hành bay, các máy bay đến, bay đi… Lúc máy bay đông, phải tăng cường thêm 1 vị trí giám sát để hỗ trợ.
Trong trường hợp tại khu vực sân bay đang có giông, bão, trục trặc ở sân bay về đường băng hoặc gặp tình huống khẩn nguy sân bay…, chưa đủ điều kiện để máy bay về có thể hạ cánh, KSVKL yêu cầu máy bay bay chờ và dự kiến giờ rời điểm chờ. Nếu máy bay không đủ dầu để bay chờ, phi công có thể xin đi sân bay dự bị như Cát Bi, Vinh, Viêng Chăn, Thọ Xuân, Đà Nẵng.
Giữa căn phòng hình tròn là bàn của vị trí trực kíp trưởng nhưng chiếc bàn này thường xuyên trống do kíp trưởng liên tục phải đứng điều hành bay. Kíp trưởng Phạm Quang Dũng của kíp trực cũng đang quan sát bằng ống nhòm và ra huấn lệnh với phi công.
Không gian ba chiều trong căn phòng đặc biệt
Khác với cơ sở kiểm soát tại sân tiếp cận bầu trời với "view đẹp", Cơ sở kiểm soát tiếp cận được bố trí trong một căn phòng kín hình vuông với ánh sáng vừa phải, có nhiệm vụ kiểm soát các chuyến bay tiếp cận về hạ cánh và những chuyến bay khởi hành từ Sân bay Nội Bài trong bán kính từ 10 km đến 75 km từ sân bay.
Theo những người trong nghề, người làm công tác kiểm soát tiếp cận ngoài yêu cầu phải xử lý nhanh, tức thời còn phải có khả năng tốt về thuật toán, hình học không gian, phải nhìn các góc để phân chia máy bay vào hạ cánh điều hòa, bảo đảm phân cách giữa các máy bay. Các KSVKL vào ca trực phải nạp vào đầu "bức tranh" có nhiều máy bay đang di chuyển trong không gian 3 chiều.
Cơ sở kiểm soát tiếp cận được bố trí trong một căn phòng kín hình vuông với ánh sáng vừa phải. |
Do hiện nay hoạt động của máy bay ngày càng nhộn nhịp, có ngày gần 600 chuyến bay cất, hạ cánh, công tác kiểm soát tiếp cận lại được chia làm 2 sóng chỉ huy điều hành bay: Kiểm soát máy bay đến và kiểm soát máy bay đi (kiểm soát trung cận).
Một kíp trực của mỗi bộ phận gồm 2 KSVKL trực chính, 1 trực hiệp đồng và 1 kíp trưởng trực giám sát. Khi có nhiều máy bay (hơn 7 máy bay trên 1 màn hình), hoặc trong điều kiện giông bão, có chuyên cơ… phải thêm vị trí bổ sung giám sát.
Kiểm soát viên điều hành chính đeo micro luôn là người bận rộn nhất. Kiểm soát viên trực hiệp đồng có nhiệm vụ liên lạc với các cơ sở cung cấp dịch vụ kiểm soát không lưu kế cận như FIR TP.HCM… để nhận thông tin về chuyến bay chuẩn bị vào vùng kiểm soát của đài.
Kiểm soát viên tại vị trí giám sát sẽ theo dõi tổng thể công việc của đồng nghiệp để kịp thời hỗ trợ khi cần thiết, đồng thời giữ vị trí "tỉnh táo viên" lắng nghe và quan sát huấn lệnh của kiểm soát viên điều hành, nhắc ngay khi có sai sót.
Hiện nay, ngoài dẫn dắt máy bay bằng radar, từ năm 2017, tại Trung tâm đã đưa vào ứng dụng công nghệ mới: Hệ thống dẫn đường khu vực, được thiết lập dựa trên xử lý dữ liệu từ các vệ tinh, các đài dẫn đường, radar giám sát và rất nhiều trang thiết bị phụ trợ trên khắp cả nước.
Máy bay khi về đến vùng kiểm soát bay Nội Bài sẽ bay vào những luồng lạch cố định, để giảm thiểu công việc cho KSVKL và cả phi công, bảo đảm an toàn phân cách cho máy bay. Với hệ thống này, máy bay chỉ lệch khỏi tim đường bay cố định khoảng 2-3 km là KSVKL phát hiện ra ngay.
Trên màn hình, chúng tôi có thể nhìn thấy rất nhiều máy bay đang bay về tiếp cận Nội Bài. Các KSVKL phải theo dõi điều hành duy trì khoảng cách giữa 2 máy bay về hạ cánh phải cách nhau 12,1 dặm. Hệ thống dẫn đường được kết nối trên toàn quốc, ngồi tại Nội Bài cũng có thể nhìn thấy khu vực kiểm soát tiếp cận sân bay Tân Sơn Nhất để KSVKL có thể ứng phó, tương trợ lẫn nhau khi cần.
Biết cả việc kiểm soát viên… cãi nhau với vợ
KSVKL vào ca trực phải tuân thủ tuyệt đối quy trình làm việc. Họ phải đến sớm 15 phút để giao ban, nếu có tâm sinh lý không bình thường phải báo cáo cho kíp trưởng để được phân công vào vị trí đơn giản hoặc nghỉ trực. Nếu KSVKL không báo cáo, kíp trưởng phải quan sát để phát hiện, theo dõi hoặc cho nghỉ trực nếu cần thiết.
Anh Nguyễn Ngọc Quang cho biết trong giao ban trước ca trực, anh thường xuyên trò chuyện cùng các KSVKL, nắm bắt tình hình sức khỏe, tâm sinh lý của họ. Người lãnh đạo còn cần nắm rõ hoàn cảnh gia đình từng cán bộ, những trường hợp như có chuyện vui, chuyện buồn, vợ vừa sinh con, hay mâu thuẫn gia đình như cãi nhau với vợ… cũng cần được "để mắt", bởi vì, đây là công việc cần tập trung tuyệt đối, một công việc "không được phép sai lầm".
Trong ca trực, KSVKL phải tập trung hoàn toàn cho công việc, không được làm việc riêng, không điện thoại di động, không rời vị trí trực nếu không cấp thiết, không có người thay thế…