Hết ngày 12/10, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai thống kê đợt lũ bất thường đã khiến 54 người tử vong, 39 người mất tích và 31 người bị thương. Con số này chưa dừng lại khi nhiều khu vực vẫn bị mưa lũ chia cắt, thông tin liên lạc bị gián đoạn. Hơn 30.000 ngôi nhà bị sập, ngập úng.
Thiệt hại về người của đợt mưa lũ trung tuần tháng 10 gấp hàng chục lần so với cơn bão số 10 đi qua các tỉnh miền Trung vào tháng 9 (4 người tử vong).
Đợt mưa lũ kỷ lục
Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường nhận định: "Lượng mưa năm nay, đặc biệt ở các tỉnh miền núi phía Bắc, có nơi gấp rưỡi, thậm chí gấp đôi bình quân. Đây là đợt lớn nhất trong nhiều năm nay về dạng hình mưa lũ. Trong vòng 10 năm nay, chưa bao giờ chúng ta hứng chịu đợt mưa lớn xảy ra dồn dập đến vậy".
Trao đổi với Zing.vn, ông Lê Thanh Hải, Phó tổng giám đốc Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia, nhận định đợt mưa lũ lớn và kéo dài hiện nay là hệ quả của áp thấp nhiệt đới tiến vào khu vực Bắc Trung Bộ kết hợp với đợt không khí lạnh.
Trận lũ lịch sử đã để lại hệ quả nặng nề khi khiến gần hơn 90 người chết và mất tích. Đồ họa: Hiền Đức. |
Theo ông Hải, năm 1996, lượng nước về hồ thủy điện Hòa Bình đạt 22.500 m3/s nhưng là vào tháng 8, giữa mùa mưa. Trong khi đó, vào 12h giờ ngày 11/10, tại hồ thủy điện Hòa Bình, mực nước đã đạt 117,37 m, lưu lượng về hồ lên tới 15.940 m3/s (cao thứ nhì trong lịch sử).
“Nếu tính về thời gian, cơn lũ này bất thường, chưa từng ghi nhận trong cùng kỳ tháng 10, chỉ đứng sau trận lũ năm 1996”, ông Hải nhấn mạnh.
Thống kê của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai cho thấy chỉ trong 3 ngày, khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ mưa rất lớn; tổng lượng phổ biến 200-300 mm (tập trung chủ yếu vào ngày 10 và 11/10) một số nơi ở Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh lên tới 400-600 mm.
Bắt đầu từ áp thấp nhiệt đới
Cách đây 4 ngày, bản tin của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn cho biết áp thấp nhiệt đới sẽ đổ bộ đất liền các địa phương từ Quảng Bình đến Đà Nẵng vào chiều và tối (9/10), mưa từ 100 đến 200 mm ở các tỉnh từ Thanh Hóa đến Phú Yên, khu vực Bắc Tây Nguyên.
Bản tin này cũng cho hay áp thấp sẽ khiến các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Ngãi có mưa to đến rất to với tổng lượng mưa cả đợt phổ biến 100-200 mm, có nơi lên tới 250 mm.. "Đặc biệt đề phòng lũ quét và sạt lở đất nhất là ở khu vực miền núi", cảnh báo được đưa ra.
Hệ quả đầu tiên của mưa lũ được ghi nhận là 20h ngày 9/10 tại khu vực Ga Lâm Giang, tuyến đường sắt Yên Viên - Lào Cai xảy ra một vụ sạt lở đất nghiêm trọng khiến 3 đường ga bị biến dạng... Khối lượng đất đá sụt dự tính khoảng 70.000 m3. Phải mất 4 ngày để khắc phục.
Hơn 30.000 ngôi nhà bị sập, ngập úng. Ảnh: Vũ Minh Quân. |
Tin lũ, tin lũ khẩn cấp, cảnh báo lũ quét, lũ ống và sạt lở đất tại khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ liên tục được Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương phát đi sau đó.
Tính từ 1h ngày 10/10 đến 19h ngày 11/10, lượng mưa phổ biến 100-200 mm, có nơi trên 250 mm tại khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ. Cảnh báo về lũ quét, sạt lở đất tiếp tục được đưa ra tại các tỉnh ở vùng núi phía bắc như Hà Giang, Tuyên Quang, Lào Cai, Yên Bái, Sơn La, Hòa Bình và các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên - Huế. Ngập úng ở Thái Nguyên, Hà Nội, Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình, TP Thanh Hóa (Thanh Hóa), TP Vinh (Nghệ An), thị xã Kỳ Anh, TP Hà Tĩnh (Hà Tĩnh).
Tin dữ liên tục đổ về
Sau vụ sạt lở đường sắt tại Yên Bái, các tỉnh từ miền núi phía Bắc tới Bắc Trung Bộ đều có mưa lũ gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản. Có bản làng, sạt lở đất khiến 18 người thiệt mạng.
Ngày 11/10, tại Yên Bái, nước lũ trên suối Ngòi Thia dâng cao đã cuốn trôi một mố và nhịp cầu và cuốn trôi 2 người (trong đó có 1 phóng viên của TTXVN) cắt đứt hoàn toàn giao thông từ Văn Chấn vào Nghĩa Lộ. Đến 19h cùng ngày, tại Yên Bái mưa lũ đã khiến 3 người chết; 11 người mất tích; 3 người nghi bị mất tích do sập cầu Ngòi Thia; 7 người bị thương.
Tại Thanh Hóa, nhiều xã tại huyện Thường Xuân, Nông Cống bị chia cắt, cô lập hoàn toàn, 5 người chết và mất tích. Nhà máy thủy điện Cửa Đạt, Xuân Minh bị ngập.
Tại Hòa Bình, do mưa lớn kéo dài, trên địa bàn huyện Đà Bắc xảy ra lũ quét và sạt lở nghiêm trọng, gần 10 người thiệt mạng và mất tích.
Cùng ngày, Thủy điện Sơn La đã tạm dừng phát điện để giảm lượng nước từ Sơn La xuống Hòa Bình (bảo đảm khả năng cắt lũ cho hạ du từ hôm nay đến ngày mai), hồ chứa thủy điện Hòa Bình tính toán được lưu lượng nước vào lên tới gần 16.000 m3/s và liên tục phải mở 8 cửa xả đáy.
Vụ sạt lở đất tại huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình đã khiến 18 người chết và mất tích. Ảnh: Lê Hiếu. |
Ngày 12/10, đau thương ập đến với nhiều gia đình tại Hòa Bình khi 1h30 sáng, vụ sạt lở núi đặc biệt nghiêm trọng xảy ra tại xóm Khanh, xã Phú Cường, huyện Tân Lạc khiến 18 người chết và mất tích.
Tại hiện trường, một vạt núi đất đá hàng nghìn khối đã vùi lấp hoàn toàn những căn nhà của người dân nơi đây. Đây là những hộ đồng bào dân tộc Mường sinh sống lâu đời ở khu vực này.
Tới sáng 13/10, mới có 10 thi thể được lực lượng cứu hộ tìm thấy. Hàng trăm người thuộc các lực lượng tiếp tục tìm kiếm các nạn nhân còn lại.
Thủ tướng hủy mọi cuộc họp để chỉ đạo hộ đê
Ngày 12/10, trước diễn biến mưa lũ phức tạp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã hủy các cuộc làm việc tại Hải Phòng để về Ninh Bình thị sát đập tràn Lạc Khoái (xã Gia Lạc, huyện Gia Viễn) chỉ đạo ứng phó với ngập lụt, bảo vệ an toàn đê điều.
Thủ tướng đã đi ca nô trên sông Hoàng Long để thị sát tinh hình lũ. Ảnh: VPG. |
Sau khi đi thị sát, Thủ tướng đã có cuộc làm việc với lãnh đạo tỉnh tại nhà vận hành đập tràn Lạc Khoái. Lãnh đạo tỉnh Ninh Bình cho biết, lượng nước dâng cao, nhiều khu vực bị ngập. Năm nay, mực nước sông dâng cao đến mức 5,53 m, cao nhất trong hơn 30 năm qua (vượt đỉnh năm 1985 là 5,23 m).
Chủ động di dời dân cư ra khỏi các khu vực nguy hiểm, đảm bảo an toàn tính mạng
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc
Trước đó vào 11/10, Thủ tướng có công điện yêu cầu triển khai các biện pháp khẩn cấp ứng phó mưa lũ và đảm bảo an toàn hồ đập. Ngày 12/10, Thủ tướng tiếp tục ký công điện về việc tập trung khắc phục hậu quả mưa lũ tại các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ.
"Chủ động di dời dân cư ra khỏi các khu vực nguy hiểm, nhất là các khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở đất để đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân", Thủ tướng yêu cầu.
Trong khi đó Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng và lãnh đạo tỉnh Hòa Bình đã có mặt tại hiện trường để chỉ đạo xử lý giải quyết thảm họa sạt lở khiến 18 người bị mất tích tại vụ sạt lở đất tại xã Phú Cường, huyện Tân Lạc tỉnh Hoà Bình.
Tại hiện trường, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu lực lượng chức năng bằng mọi biện pháp, nỗ lực cao nhất để nhanh chóng tìm kiếm những nạn nhân còn mất tích. Chính quyền địa phương phối hợp với các cơ quan liên quan và các gia đình lo hậu sự chu đáo cho người đã mất.
Lãnh đạo nhiều tỉnh thành miền Bắc và Bắc Trung Bộ đều có mặt tại hiện trường để chỉ đạo công tác cứu hộ, cứu nạn, phòng chống thiên tai.
Nguy cơ trước mắt: Bão số 11
Hình ảnh vệ tinh của cơn bão Khanun. Ảnh: NCHMF. |
Ngày 13/10, bão Khanun đã vào Biển Đông, trở thành cơn bão thứ 11 hoạt động trên vùng biển này trong năm. Bão sẽ đạt tới cấp 12, giật cấp 15 trước khi đổ bộ.
Ông Lê Thanh Hải, Phó tổng giám đốc Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia, cho rằng điều đáng lo là cơn bão sẽ tấn công và khu vực Bắc Trung Bộ và Bắc Bộ chỉ ít ngày sau khi đợt mưa lũ bất thường, kỷ lục ở những khu vực này vừa kết thúc.
Theo ông, khi vào bắc Biển Đông, bão gặp không khí lạnh tràn xuống vào đêm 15/10. Hai yếu tố này kết hợp, bẻ cơn bão đi xuống phía tây.
"Chúng tôi dự kiến bão sẽ ảnh hưởng trực tiếp, gây mưa vừa và mưa rất to ở các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Ngãi từ đêm 15 đến hết 18/10. Các tỉnh ở Đông Bắc Bộ và Tây Bắc Bộ cũng sẽ có mưa vừa, một số nơi mưa to", ông Hải nhận định và cho rằng mưa lớn do hoàn lưu bão khiến các vùng này tiếp tục đối mặt nguy cơ lũ quét, sạt lở đất.