Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Đột biến gene khiến muỗi gây sốt xuất huyết kháng thuốc diệt côn trùng

Viện Bệnh truyền nhiễm Quốc gia Nhật Bản vừa tìm thấy đột biến gene mới của muỗi Aedes aegypti. Hơn 70% loại muỗi này ở Việt Nam có thể kháng thuốc diệt côn trùng.

Muỗi Aedes aegypti được biết đến như vật trung gian truyền virus Zika, sốt vàng da và sốt xuất huyết. Ảnh: Shinji Kasai.

Theo Nikken Asia, nhóm các nhà nghiên cứu do Shinji Kasai, Giám đốc bộ phận Côn trùng học Y tế tại Viện Bệnh truyền nhiễm Quốc gia Nhật Bản, cảnh báo về sự gia tăng số lượng của loại muỗi có thể kháng hóa chất diệt côn trùng ở khu vực Đông Nam Á.

Cảnh báo được đưa ra sau khi nhóm nghiên cứu tìm thấy đột biến gene mới khiến muỗi Aedes aegypti, còn được gọi là muỗi sốt vàng hay muỗi sốt xuất huyết, có khả năng cao kháng thuốc diệt côn trùng thông thường.

Hơn 80% muỗi Aedes aegypti ở Việt Nam và Campuchia được phát hiện có đột biến gen này. Do đó, các chuyên gia y tế phải xem xét lại phương pháp kiểm soát muỗi và tăng cường cảnh báo về sự gia tăng của muỗi kháng hóa chất diệt côn trùng.

Nhóm nghiên cứu do ông Kasai đứng đầu đã thu thập muỗi ở Việt Nam và nhiều khu vực khác để kiểm tra xem cách chúng kháng pyrethroid, loại thuốc trừ sâu bọ phổ biến.

Nghiên cứu chỉ ra ngay cả khi nồng độ hóa chất diệt côn trùng được nâng lên gấp 10 lần so với nồng độ có thể tiêu diệt muỗi thông thường, khoảng 80% số muỗi thu thập được tại Hà Nội vẫn sống sót.

Nhóm của ông Kasai xác định đột biến gene mới có tên là L982W, khiến muỗi có khả năng kháng thuốc trừ sâu thông thường cao hơn.

Khoảng 78-99% muỗi ở 3 khu vực gồm Hà Nội, TP.HCM và thủ đô Phnom Penh (Campuchia) có đột biến gene này. Tính cả L982W, 4 đột biến gene hiện nay đều có khả năng kháng thuốc diệt côn trùng. Tỷ lệ muỗi có 2/4 đột biến gene chiếm 91% ở Phnom Penh, điều này cho thấy sức đề kháng của muỗi đang ngày càng mạnh hơn.

Theo nhóm nghiên cứu, có khả năng muỗi kháng hóa chất đã lan từ Campuchia sang Việt Nam. Mặc dù không tìm thấy muỗi mang đột biến gen L982W ở Lào, Thái Lan và Trung Quốc, loài muỗi này có thể đang lan rộng khắp bán đảo Đông Dương và các khu vực khác ở châu Á.

Ngoài ra, Nhật Bản cũng bắt đầu lo ngại về muỗi Aedes aegypti vì các khu vực muỗi có thể sống sót qua mùa đông đang mở rộng khi nhiệt độ ấm lên.

Ông Kasai nhấn mạnh cần kiểm tra chặt chẽ cách muỗi kháng thuốc diệt côn trùng lan rộng khắp bán đảo Đông Dương cũng như làm thế nào để giảm việc sử dụng thuốc diệt côn trùng pyrethroid hoặc sử dụng nó cùng với các phương pháp kiểm soát muỗi khác.

Bạn có hiểu đúng về thảo dược

Bằng những kiến thức khoa học, nhà thảo dược học Rosalee De La Forêt đã viết cuốn sách Năng lượng sống từ thảo dược để chia sẻ về tính năng bổ trợ sức khỏe từ thức ăn và gia vị hàng ngày. Bên cạnh đó, tác giả cũng đưa ra lời khuyên hữu ích để chế biến và tận hưởng các loại nguyên liệu này trong cuộc sống.

Sốt rét ở trẻ nhỏ nguy hiểm như thế nào?

Trẻ mắc sốt rét có thể bị ớn lạnh, sốt cao, đổ mồ hôi, đau đầu, buồn nôn. Nếu bệnh ảnh hưởng não, trẻ có nguy cơ bị co giật hoặc bất tỉnh.

Nam Giao

Bạn có thể quan tâm