Đứa con gái ấy là… đàn ông
Là người nhiều năm phụ trách chăm sóc y tế của các VĐV đỉnh cao của Việt Nam, bác sĩ Nguyễn Trọng Hiền - Trưởng phòng y tế Trung tâm HLQG 1 cho rằng: “Chuyện VĐV không xác định được giới tính ở Việt Nam không phải là quá hiếm. Khi phát hiện ra những trường hợp này, thường BHL khéo léo trả các em về nhà chứ không lộ ra bên ngoài bởi nếu làm thế tương lai các em sẽ bị ảnh hưởng, nhất là tâm lý xã hội hiện nay chưa sẵn sàng chấp nhận những con người lưỡng tính hoặc đồng tính”.
Có những trường hợp đặc biệt nữ tính khi nhìn từ bên ngoài, gương mặt thanh tú, môi mỏng, nhỏ, tóc dài, giọng kim đặc trưng của nữ giới. Ấy vậy mà khi đưa đi khám thì kết quả rất bất ngờ. Các bác sỹ phát hiện trong cơ thể VĐV nữ ấy có hoócmôn nam, không có bộ phận sinh dục nữ, có tinh hoàn nhưng ẩn vào trong.
Thủ môn Kiều Trinh mạnh mẽ trên sân nhưng vẫn rạng ngời đầy nữ tính. |
Về mặt di truyền và giải phẫu học, những cơ thể này là nam giới, thế nhưng khi được bác sĩ thông báo “cô là... nam giới” thì tất cả cả đều rất hoảng hốt.
Thậm chí, có trường hợp các bác sĩ thành thật khuyên nên đi phẫu thuật tạo dương vật để trở thành một đàn ông đích thực, nhưng những “nữ VĐV” đó không chịu. Vấn đề là họ chưa dám chấp nhận đối đầu với thực tế, với áp lực dư luận xã hội về vấn đề chuyển giới.
Trên thực tế, có không ít trường hợp là do khiếm khuyết bẩm sinh, chẳng hạn có những người mang nhiễm sắc thể XY, nhưng niệu đạo lại “lạc chỗ” nằm ở phía dưới nên không thể “tiểu đứng” như đàn ông bình thường mà phải... đái ngồi, cứ thế từ bé tự nhiên mặc cảm và cho mình là... nữ giới.
Thông thường trong huấn luyện các môn thể thao cho nữ giới, các HLV hoặc bác sĩ của đội phải biết được chu kỳ kinh nguyệt của VĐV để điều chỉnh giáo án luyện tập sao cho hợp lý. Thế nhưng có những trường hợp chẳng bao giờ thông báo về những “ngày ấy” của mình mà vẫn luyện tập một cách bình thường từ ngày này qua tháng khác.
Hiển nhiên, các bác sĩ sẽ phải để ý và họ cũng phát hiện ra rằng “cô nàng kia” còn có những biểu hiện bất thường khác như vòng 1 rất nhỏ, thậm chí... phẳng lỳ như đàn ông, dùng nhiều mỹ phẩm nhưng đặc biệt là không bao giờ... tắm chung với đồng đội nữ.
Bác sĩ Hiền còn cho rằng, không ít trường hợp khi báo về cho gia đình, bố mẹ các em cũng “té ngửa” khi biết con gái mình là một người đàn ông. Từ bé, tạo hóa đã tạo thiếu một “cục thịt thừa” cho bé trai nên cả gia đình cứ đinh ninh con mình là nữ giới.
Điều khá đáng buồn là do điều kiện về kinh tế (mỗi ca giải phẫu tốn hàng trăm triệu đồng) và mặc cảm với xã hội, hầu hết những trường hợp bị xác định là “nam trong xác nữ” chấp nhận thiệt thòi về mình. Chỉ một vài trường hợp xin giấu tên, đã phẫu thuật, hiện giờ lấy vợ và sinh con như một người đàn ông bình thường.
Đồng tính - chuyện bí mật trong thể thao
Cách đây khoảng 3 năm, VĐV nổi tiếng trong môn cầu mây là Lưu Thị Thanh đã “bật mí” trên báo chí về hiện tượng nhiều VĐV nữ là người đồng tính. Lưu Thị Thanh nói: “Trong giới VĐV chuyên nghiệp, đồng tính nữ rất nhiều, đây là vấn đề rất nhạy cảm và có xu hướng lây lan trong giới VĐV”.
Môi trường tập luyện thi đấu thể thao là môi trường rất dễ nảy nở những mối tình đồng tính: Ăn chung mâm, ngủ chung phòng, hàng ngày luyện tập cùng nhau, chưa kể những chia sẻ tâm sự về tình cảm, khi mệt mỏi, lúc ốm đau động chạm massage... vậy là có vấn đề.
Trong làng thể thao từng “đồn ầm” lên một mối tình khá mãnh liệt giữa một cựu tuyển thủ bóng đá nữ và một nữ VĐV điền kinh khá xinh đẹp.
Ban đầu thì gặp gỡ kín đáo, sau họ công khai chăm sóc nhau khi luyện tập chung ở Nhổn hoặc ra nước ngoài thi đấu. Trong một kỳ SEA Games ở nước ngoài, khi đội tuyển bóng đá và đội tuyển điền kinh ở hai nơi xa nhau, bất đắc dĩ cầu thủ bóng đã nữ buộc phải nhờ đám phóng viên làm “cầu nối” lúc thì đưa hộp bánh, túi hoa quả, khi thì vài túi thuốc uống vitamin tổng hợp. Vì thế, chuyện mới dần “vỡ” ra, mọi người biết nhưng kệ, tôn trọng quyền tự do của họ.
Không ít HLV căn dặn và cố để các học trò của mình đừng dính vào các mối quan hệ đồng giới đơn giản là vì khi rơi vào tình cảnh đó, các VĐV không chuyên tâm được vào luyện tập, vì khi thì mải mê “yêu” quá, lúc thất vọng lại tỏ ra chán nản, bỏ bê việc luyện tập. Vì vậy, các HLV khi biết chuyện, thường cố gắng “tách” hai người ra.
Phá tan những... nghi án
Thực tế thì chuyện “lưỡng tính”, tức là nam trong cơ thể nữ (hoặc ngược lại) không đồng nhất với những mối quan hệ đồng tính.
Trong môi trường thể thao, khi luyện tập khắc nghiệt, cơ thể phụ nữ có những biến đổi khiến nhiều người lầm tưởng. Ở môn bóng đá nữ, có những cầu thủ trông không khác gì nam giới, họ nhanh nhẹn, hoạt bát và cũng có những điệu bộ rất... nam tính. Thậm chí, có những cầu thủ nữ được gọi thân mật là... “anh”.
Bóng đá là một môn thể thao khắc nghiệt đòi hỏi cầu thủ phải phơi nắng, gió khổ luyện hàng ngày. Lúc đầu nhiều cầu thủ nữ còn dùng kem chống nắng trước lúc luyện tập và thi đấu, sau thấy phức tạp quá nên cũng bỏ luôn thành ra các cầu thủ nữ mặt mũi sạm lại. Đó là chưa kể việc quen với những trang phục đậm tính... đàn ông như quần đùi, áo số cho thoải mái không ít cầu thủ nữ bị cho là... đàn ông hóa.
Bởi vậy có những câu chuyện dở khóc dở cười là nhiều cầu thủ bị chính người yêu của mình nghi ngờ về giới tính khi tỏ ra quá thân mật với đồng đội. Hoặc khi cầu thủ về quê trót đi đứng ngang tàng, ăn mặc đơn giản như đàn ông là y như rằng bị hàng xóm dèm pha “nửa đực - nửa cái”.
Thế nhưng, bên trong vẻ “nam tính” đặc trưng ấy là những cô gái rất nữ tính. Có những trường hợp như nữ cầu thủ, cựu tuyển thủ Ngọc Châm dù là cầu thủ bóng đá, nhưng da dẻ lúc nào cũng trắng như trứng gà bóc, và Châm là một trong những cầu thủ nữ đẹp nhất làng thể thao. Hay Kiều Trinh - thủ môn số 1 của đội tuyển bóng đá nữ mạnh mẽ, quyết đoán trong khung gỗ nhưng ở ngoài sân cỏ, chị thực sự là một phụ nữ đẹp.
Không ít lần, các cầu thủ nữ quyết tâm phá tan những “nghi án” về giới tính mỗi khi có cơ hội làm đẹp. Thật sự chính các cô gái này, khi đã được trang điểm lại sẽ khiến nhiều người ngỡ ngàng vì vẻ đẹp của họ. Vượt qua vất vả, họ vẫn là những người phụ nữ đẹp, dịu dàng khác hẳn với hình ảnh mạnh mẽ và đầy quyết tâm trên sân cỏ.