Nhận định về xu hướng dòng tiền tại hội thảo "Truyền thông số thúc đẩy phục hồi kinh tế" do Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức sáng 24/5, ông Lê Anh Tuấn - Giám đốc hoạch định chiến lược đầu tư, Công ty quản lý quỹ Dragon Capital cho biết từ đầu năm đến nay dòng tiền chảy gần như đi ngang, không ra khỏi Việt Nam.
"Với xu hướng dịch chuyển sản xuất đến khu vực đông dân mạnh mẽ, nếu Việt Nam ổn định kinh tế vĩ mô thì triển vọng thu hút dòng vốn trong 2-3 năm tới là rất khả quan", ông nhìn nhận.
Trả lời vấn đề những nhóm ngành nào thu hút dòng tiền trong thời gian tới hay dòng tiền đã chảy vào sản xuất để hỗ trợ doanh nghiệp hay chưa, ông Lê Tuấn Anh lấy ví dụ năm 2009 khi khủng hoảng kinh tế xảy ra Cục dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã đẩy rất mạnh dòng tiền ra thị trường.
“Thời điểm đó, châu Âu cho rằng dòng tiền sẽ đổ về những lĩnh vực mang tính đầu cơ chứ không vào nền kinh tế. Nhưng vài năm sau họ nhận ra việc dòng tiền dù không hoàn toàn đẩy vào sản xuất nhưng nó giúp cho nền kinh tế Mỹ phục hồi, trong khi châu Âu tiếp tục suy thoái”, ông Tuấn Anh cho biết.
Theo ông, khi đưa dòng tiền ra thị trường không nên quá kỳ vọng. Ví dụ đưa ra 100 đồng không nên quá kỳ vọng 80-90 đồng vào đúng mục tiêu. Thay vào đó chỉ nên kỳ vọng 50 đồng vào đúng mục tiêu, 50 đồng chạy vòng vòng, vậy là rất khả quan.
Dòng tiền đang đổ về bất động sản để đảm bảo tính an toàn, hạn chế rủi ro trong bối cảnh các hoạt động kinh doanh gặp nhiều khó khăn. Ảnh: Nam Khánh. |
Còn về định hướng dòng tiền trong thời gian tới, theo ông Tuấn, 90% tạo ra việc làm nằm ở khối doanh nghiệp vừa và nhỏ. Khối FDI chiếm 70% lượng xuất khẩu thì chỉ tạo ra lực lượng lao động và thuê mướn khoảng 4,5%.
“Xuất khẩu quan trọng, FDI quan trọng nhưng không phải là tiêu chí hàng đầu dẫn dắt nền kinh tế, quan trọng nhất là những yếu tố nội tại của nền kinh tế”, ông nhấn mạnh.
Ông cho biết Dragon Capital đang quản lý số vốn khoảng 6 tỷ USD, công ty chủ yếu tập trung vào nguồn cung, cầu trong nước; tập trung vào những doanh nghiệp tạo được việc làm, giá trị, trong khi rất ít tập trung vào khối xuất khẩu.
“Dòng tiền sẽ tập trung vào những doanh nghiệp phát triển mạnh, tạo được nền tảng vững mạnh trong nước chứ không tập trung vào khối xuất khẩu”, ông Tuấn Anh khẳng định.
Về thị trường trái phiếu doanh nghiệp, ông Phạm Hồng Sơn - Phó chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, cho rằng tinh thần chung là thị trường trái phiếu vẫn cần phải phát triển mạnh hơn nữa vì đây là kênh rất quan trọng để dẫn vốn cho doanh nghiệp.
Để thị trường phát triển bền vững, theo ông cần hội tụ 5 yếu tố gồm: Nhà phát hành (báo cáo tài chính kiểm toán, tổ chức thẩm định giá); công ty chứng khoán (tư vấn phát hành); nhà đầu tư mua trái phiếu và cơ chế giám sát thị trường cũng là một yếu tố rất quan trọng.
Đối với bản thân các doanh nghiệp, trước tiên là đạo đức nghề nghiệp sau đó là việc tính toán dòng tiền để chi trả lãi và gốc. "Tất cả các yếu tố đó nếu làm đúng thì sẽ không xảy ra tình trạng một số vụ việc như thời gian qua", ông nói.
Thời gian gần đây, Chính phủ đã xem xét sửa đổi Nghị định 153 và đã giải quyết được các điểm cơ bản các nghị định trước đây. Ông Sơn cũng nhấn mạnh việc kiểm tra giám sát các hoạt động phát hành đặc biệt là phát hành riêng lẻ sẽ được tăng cường thêm.
Ông Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh dự báo dòng tiền vẫn sẽ hồi phục, có thể chững lại đôi chút. "Tuy nhiên, cần lưu ý 2 điểm: Đà phục hồi ở đâu khi độ mở đang rất cao? Lĩnh vực nào người tiêu dùng muốn bỏ tiền để mua?", ông nói.
Ông cũng đánh giá thị trường chứng khoán triển vọng rất tích cực sau 2 năm xảy ra đầu cơ, nhiều thông tin “dẫn dắt” thì đã bắt đầu có nền tảng tốt.