Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Doanh nghiệp ồ ạt mua lại trái phiếu trước hạn

Việc thắt chặt thị trường trái phiếu doanh nghiệp không chỉ khiến lượng phát hành suy giảm mà tạo ra làn sóng các doanh nghiệp đua nhau tất toán sớm trái phiếu.

Tập đoàn Gelex vừa thông báo đã mua lại trước hạn toàn bộ 300 trái phiếu mã GEXH2124001 với tổng giá trị 300 tỷ đồng. Đây là lô trái phiếu có lãi suất cố định 8,5%/năm và theo kế hoạch sẽ đáo hạn đến ngày 19/5/2024.

Ngân hàng Phương Đông cũng mua trước hạn toàn bộ một lô trái phiếu 200 tỷ đồng vào ngày 12/5, Chứng khoán Kỹ Thương (TCBS) thương lượng thành công để thanh toán trước gói trái phiếu 155 tỷ đồng vào ngày 18/5.

Đây là những đơn vị đáng chú ý tiếp theo đẩy mạnh việc mua lại trái phiếu trước hạn sau sự kiện Tân Hoàng Minh. Trước đó hàng loạt tên tuổi cũng thu hẹp việc phát hành, thậm chí tất toán sớm trái phiếu với khối lượng lớn.

Đua tất toán sớm

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, trong 4 tháng đầu năm, tổng khối lượng trái phiếu đã được các doanh nghiệp mua lại trước hạn là 24.700 tỷ đồng, tăng gần 18% so với cùng kỳ năm 2021.

Điều đáng nói là tổng khối lượng mua lại trước hạn chỉ tính riêng tháng 4 tăng đột biến 11.900 tỷ đồng, cao xấp xỉ với khối lượng mua lại trong cả 3 tháng đầu năm là 12.800 tỷ đồng.

Hàng loạt doanh nghiệp lớn đã tiến hành mua lại trái phiếu trong tháng vừa qua. Đáng kể như An Phát Finance tất toán sớm toàn bộ các trái phiếu có tổng giá trị 570 tỷ đồng vào ngày 25/4. Đây là 7 lô trái phiếu có kỳ hạn có thời điểm đáo hạn sớm nhất từ tháng 8 và trễ nhất là tháng 10/2024.

Công ty Intimex Việt Nam mua lại trước hạn gói 2.000 tỷ trái phiếu có kỳ đáo hạn vào tháng 9/2027. Chứng khoán MB mua lại toàn bộ 320 tỷ đồng trong gói trái phiếu đáo hạn vào tháng 10.

Ngân hàng TPBank cũng tất toán sớm 2 gói trái phiếu có tổng giá trị 1.800 tỷ đồng, trong đó bao gồm 1.000 tỷ đồng đáo hạn vào tháng 5/2024 và 800 tỷ đáo hạn tháng 4/2023. Ngân hàng MSB mua sớm 1.000 tỷ đồng gói trái phiếu đáo hạn vào tháng 4/2023.

trai phieu,  mua lai truoc han,  lai suat anh 1

Gần 12.000 tỷ đồng trái phiếu được mua lại trước hạn trong tháng 4. Ảnh: Hoàng Hà.

Việc doanh nghiệp đổ xô mua lại trái phiếu trước hạn đến sau sự kiện Tân Hoàng Minh vào đầu tháng 4. Thị trường trái phiếu doanh nghiệp bị thắt chặt khi các lô trái phiếu Tân Hoàng Minh bị hủy bỏ do thông tin sai sự thật, che giấu thông tin trong hoạt động phát hành.

Ngoài ra, Tập đoàn Apec và tập đoàn VSET bị buộc phải thu hồi trái phiếu đã chào bán, hoàn trả cho nhà đầu tư tiền đã mua hoặc đưa tiền đặt cọc. Trong đó, Apec phải hoàn trả 500 tỷ đồng còn VSET là 208 tỷ đồng.

Định hướng thắt chặt khiến nhiều doanh nghiệp dè dặt trong việc huy động vốn qua kênh trái phiếu, chủ động công bố thông tin bất thường hoặc đính chính thông tin đã công bố về mục đích và phương án sử dụng vốn, chủ động mua lại trước hạn...

Điều này vẫn đang tiếp diễn trong tháng 5 khi hàng loạt doanh nghiệp vẫn công bố mua lại sớm trái phiếu. Điển hình vào ngày 9/5, Tập đoàn FLC mua lại toàn bộ một gói trái phiếu 150 tỷ đồng.

Ngày 9/5, Công ty Bông Sen mua lại tiếp 376 tỷ đồng trong gói 4.320 tỷ đồng (dư nợ gói này còn 1.544 tỷ đồng). Ngày 10/5, Vinaconex mua lại 500 tỷ trước hạn trong gói trái phiếu 2.500 tỷ đồng.

SSI Research đánh giá tác động tiêu cực của các sự kiện gần đây đã được thấy rõ ràng. Hầu hết doanh nghiệp phát hành trái phiếu trong 2 tháng trở lại đây hoặc là những doanh nghiệp niêm yết lớn hoặc là các tổ chức tín dụng và định chế tài chính, vốn đã chịu sự quản lý chặt chẽ từ Ủy Ban Chứng khoán và Ngân hàng Nhà nước.

Chuyên gia SSI nói thêm việc huy động vốn thông qua kênh trái phiếu cũng giúp các doanh nghiệp chủ động hơn cho nguồn vốn vay trung và dài hạn với khối lượng lớn, có nhiều ưu điểm hơn so với phương thức truyền thống là tín dụng ngân hàng.

Doanh nghiệp chùn tay

SSI Research nhận định sự kiện hủy bỏ 10.000 tỷ trái phiếu Tân Hoàng Minh khiến các doanh nghiệp phát hành cũng như nhà đầu tư trở nên thận trọng hơn với hình thức huy động vốn qua kênh trái phiếu, nhất là đối với doanh nghiệp bất động sản.

Tổng lượng trái phiếu phát hành trong quý I vẫn đạt 61.900 tỷ đồng, tăng 34% so với cùng kỳ năm 2021 nhưng đã kém sôi động hơn so với các quý liền kề trước đó.

Trong đó các doanh nghiệp bất động sản vẫn tích cực phát hành trái phiếu trong quý đầu năm với tổng khối lượng là 38.200 tỷ đồng (chiếm tới 62% tổng lượng phát hành). Tuy nhiên lượng phát hành trong tháng 4 sụt mạnh còn 820 tỷ đồng (so với mức bình quân năm 2021 là 26.000 tỷ đồng/tháng).

trai phieu,  mua lai truoc han,  lai suat anh 2

Trái phiếu doanh nghiệp bất động sản phát hành theo tháng. Nguồn: SSI Research.

Còn theo Bộ Tài Chính, trái phiếu doanh nghiệp nói chung chỉ phát hành mạnh trong tháng 1 trước khi Thông tư số 16/2021 có hiệu lực. Khối lượng phát hành giảm dần trong tháng 2-3 và tiếp tục giảm mạnh trong tháng 4.

Hơn nữa, sau Chỉ thị số 01/CT-BTC của Bộ Tài chính cuối tháng 4, các doanh nghiệp phát hành và tổ chức tư vấn cũng đã thực hiện rà soát lại điều kiện và hồ sơ phát hành trước khi triển khai chào bán mới.

Do vậy khối lượng phát hành trong 2 tuần đầu tháng 5 vẫn tiếp tục suy giảm khi chỉ đạt 5.200 tỷ đồng, chỉ tương đương 1/3 khối lượng phát hành cùng kỳ năm 2021, chủ yếu đến từ khối ngân hàng.

Nhận định về xu hướng thời gian tới, chuyên gia SSI dự báo mặt bằng lãi suất tiền gửi được kỳ vọng nhích tăng, nhờ vậy lợi suất trái phiếu doanh nghiệp cũng sẽ tăng theo khi mà hơn 70% trái phiếu doanh nghiệp phát hành có lãi suất thả nổi.

"Số trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn trong năm 2022-2023 ước khoảng 540.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 36% lượng lưu hành. Điều này dẫn đến nhu cầu phát hành để đảm bảo vòng quay vốn của các doanh nghiệp khá cao", SSI Research báo cáo.

Thêm nữa, các chuyên gia này lưu ý hoạt động sản xuất kinh doanh được kỳ vọng sẽ sôi động hơn 2021 khi nền kinh tế đang mở cửa trở lại sau đại dịch. Do vậy nhu cầu phát hành trái phiếu dự kiến vẫn rất dồi dào.

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang ra sao?

Các chuyên gia cho rằng những lùm xùm liên quan trái phiếu doanh nghiệp gần đây không có nghĩa thị trường này đang xấu. Việc cần làm không phải siết chặt mà là quản lý hiệu quả.

Huy Lê

Bạn có thể quan tâm