Mở cửa phiên giao dịch 24/9, thị trường chứng khoán giữ được sắc xanh nhờ sự nâng đỡ của nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn. Tuy nhiên áp lực bán nhóm vốn lớn bắt đầu tăng lên, cùng việc điều chỉnh của các cổ phiếu tăng "nóng" đợt vừa qua tại nhóm vốn hóa vừa và nhỏ, đã tác động xấu đến chỉ số.
Kết phiên VN-Index giảm gần 2 điểm (0,12%) xuống mức 1.351 điểm. Độ rộng nghiêng về bên bán khi có đến 291 mã giảm giá (23 mã giảm sàn), trong khi chỉ có 110 mã tăng giá và 41 mã đứng tại mức tham chiếu.
Diễn biến tương tự được ghi nhận trên sàn HNX khi chỉ số đóng cửa giảm 0,39% xuống dưới 360 điểm, toàn sàn có 166 mã giảm (22 mã giảm sàn) so với 65 mã tăng. Sàn UPCoM chốt phiên cũng giảm 0,3% xuống 98 điểm, trong đó có 218 mã tăng (89 tăng trần) và 235 mã giảm giá (30 giảm sàn).
Nhóm ngân hàng trở thành lực kéo chính cho VN-Index. Nguồn: VNDirect. |
Trong nhóm vốn hóa lớn, cổ phiếu ngân hàng trở thành trụ cột chính chống đỡ cho chỉ số. MBB tăng gần 3% để trở thành mã có đóng góp tốt nhất, ngoài ra còn có TCB, MSB, ACB, VIB, BID đều nằm trong top 10 mã đóng góp tích cực nhất cho chỉ số.
Ngược lại các cổ phiếu bán lẻ như MSN của Masan Group, MWG của Đầu tư Thế Giới Di Động và VRE của Vincom Retail, cộng thêm áp lực điều chỉnh của DGC là nhóm có lực cản lớn nhất lên chỉ số hôm nay.
Điểm đáng chú ý hôm nay còn ghi nhận dòng tiền đầu cơ có dấu hiệu rút vốn ở nhóm vốn hóa vừa và nhỏ (midcap và penny) hoặc bị chuyển hóa một phần. Một loạt cổ phiếu niêm yết tăng nóng bị chốt lời như MBG, PLP, CSV, APG... để chạy sang các cổ phiếu vốn hóa nhỏ khác trên sàn UPCoM. Điều này lý giải dù độ rộng thị trường vẫn nghiêng về bên bán nhưng sàn UPCoM vẫn có đến 89 mã tăng trần.
Hàng loạt cổ phiếu tăng nóng bị bán tháo phiên 24/9. Bảng giá: SSI. |
Bên cạnh đó, nhóm cổ phiếu thuộc "hệ sinh thái Louis" gồm TGG, APG, TDH, SMT, BII, VKC đều giảm sàn trong tình trạng trắng bên mua sau thời gian tăng giá ấn tượng. Cổ phiếu DDV cũng giảm sâu 6% xuống 31.500 đồng/cổ phiếu hay GKM giảm 6,3% xuống 27.000 đồng/cổ phiếu.
Dòng tiền đầu cơ mất hút diễn ra sau khi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước vừa thông báo đang thực hiện kiểm tra để làm rõ các dấu hiệu bất thường, đặc biệt là các trường hợp thao túng và làm giá cổ phiếu. Cơ quan quản lý sẽ đẩy mạnh việc triển khai thanh kiểm tra trực tiếp khi dịch bệnh được kiểm soát tốt hơn.
Đại diện Ủy ban Chứng khoán nhấn mạnh nếu phát hiện vi phạm sẽ xử lý nghiêm theo quy định pháp luật, thậm chí chuyển cơ quan điều tra xử lý nếu có dấu hiệu hình sự. Các trường hợp có dấu hiệu thao túng, làm giá cổ phiếu sẽ được chú trọng và xử lý nghiêm để đảm bảo tính răn đe, kỷ cương cho thị trường.
Thực tế chỉ số VN30 hôm nay vẫn tăng 0,12%. Tuy nhiên chỉ số VNSML Index giảm mạnh nhất 1,65% và VNMID Index giảm 0,69% trong hôm nay, cho thấy dòng tiền đầu cơ bị rút đáng kể ở nhóm vốn hóa nhỏ và vừa.
Thanh khoản thị trường cũng giảm mạnh với tổng giá trị khớp lệnh đạt 21.256 tỷ đồng, giảm 23% so với phiên trước. Trong đó giá trị khớp lệnh riêng sàn HoSE giảm 23% xuống mức 16.724 tỷ đồng. Khối ngoại quay đầu mua ròng 157 tỷ đồng trên sàn HoSE là điểm sáng cho phiên hôm nay.
Diễn biến VN-Index phiên 24/9. Đồ thị: TradingView. |
Chứng khoán Agriseco nhận định sự giảm điểm tại nhóm đầu cơ không phải là điều bất ngờ khi đã tăng mạnh trước đó, đồng thời UBCK đang thực hiện kiểm tra để làm rõ các dấu hiệu bất thường, đặc biệt là các trường hợp thao túng và làm giá cổ phiếu. Điều này sẽ giúp lành mạnh thị trường và giúp tăng trưởng bền vững trong trung, dài hạn.
Nhóm chuyên gia dự báo các phiên giao dịch tới có khả năng dòng tiền tiếp tục rút khỏi nhóm penny và tập trung vào những cổ phiếu trụ cột và VN30 - nhóm dẫn dắt thị trường.
Chứng khoán MB cho rằng thị trường tiếp tục ở trạng thái dao động trong vùng tích lũy kéo dài 3 tuần vừa qua, dòng tiền chốt lời từ nhóm cổ phiếu nhỏ khả năng sẽ quay trở lại nhóm bluechip trong các phiên tới khi nhóm bluechip về cơ bản vẫn ở trạng thái tích lũy và chưa tăng nhiều.
Tương tự khi Chứng khoán Rồng Việt nhận thấy áp lực chốt lời vẫn đang hiện hữu, có thể VN-Index sẽ tạm lùi bước để kiểm tra dòng tiền hỗ trợ. Nếu dòng tiền chốt lời tại nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ quay trở lại nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn thì đó sẽ là động thái hỗ trợ tốt cho thị trường.
Yuanta Việt Nam tin rằng thị trường có thể sẽ còn xuất hiện các nhịp rung lắc do ảnh hưởng trực tiếp từ nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ. Đồng thời, các chỉ số VNMidcaps và VNSmallcaps có thể sẽ xuất hiện các nhịp điều chỉnh ở một vài phiên tới và đây là các nhịp điều chỉnh cần thiết sau chuỗi tăng mạnh trước đó.