Ngày 19/10, Ban quản lý dự án (PMU) Thăng Long của Bộ GTVT cùng liên danh nhà thầu Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 4 (Cienco4) - Tổng công ty Xây dựng Thăng Long (TLC) đã tổ chức động thổ gói thầu xây dựng hoàn chỉnh nút giao thông cầu Thanh Trì với quốc lộ 5 (QL5, Hà Nội).
Theo đó, để xây dựng nút giao thông có hình dạng nửa hoa thị hiện nay thành hình hoa thị hoàn chỉnh, các nhà thầu sẽ xây dựng bốn nhánh cầu (ba nhánh rộng 7,1m và một nhánh rộng 9m), mở rộng cầu vượt QL 5 ghép nối với các nhánh cầu, mở rộng đường QL5, xây dựng hệ thống tường chắn tại vị trí lên xuống của các nhánh trên QL5.
Ông Đinh La Thăng, Bộ trưởng Bộ GTVT, cùng lãnh đạo các đơn vị phát lệnh động thổ xây dựng hoàn thiện nút giao cầu Thanh Trì với QL 5. |
Đồng thời dịch chuyển đoạn đường sắt Hà Nội - Hải Phòng đi qua nút giao thông này sang phía bên phải QL 5 chiều Hà Nội - Hải Phòng để xây dựng các nhánh rẽ lên xuống cầu từ QL 5 theo chiều Hà Nội – Hải Phòng.
Ông Vũ Xuân Hòa - tổng giám đốc PMU Thăng Long - cho biết tổng mức đầu tư gói thầu xây lắp hoàn thiện nút giao thông trên là hơn 817 tỉ đồng từ nguồn vốn dư của dự án cầu Thanh Trì và đường vành đai 3 Hà Nội (vốn ODA Nhật Bản).
Phát biểu tại buổi lễ, ông Lê Ngọc Hoa - Tổng giám đốc Cienco4 - cho biết nhà thầu sẽ thi công ngay, đảm bảo hoàn thành thông xe trước Tết Nguyên đán 2016.
Nút giao cầu Thanh Trì với QL 5 được đưa vào khai thác từ tháng 2/2007 được thiết kế theo hình dạng bán hoa thị (chỉ có hai nhánh rẽ lên, xuống QL 5 theo chiều Hải Phòng đi Hà Nội).
Lý do là thời điểm trước đó chủ đầu tư (Bộ GTVT) và các cơ quan thiết kế dựa vào quy hoạch: năm 2010 đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, QL 5 được giảm tải; đoạn đường sắt đi qua nút giao này sẽ chuyển sang đi trên cao do trùng với tuyến đường sắt đô thị số 1 Hà Nội từ Yên Viên - Ngọc Hồi - Như Quỳnh. Vì vậy việc xây dựng nút giao bán hoa thị sẽ tránh được việc dịch chuyển đường sắt vào thời điểm trước 2007.
Tuy nhiên, đến thời điểm này đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng chưa thể hoàn thành, đường sắt đô thị số 1 chưa khởi công nên nút giao cầu Thanh Trì với QL 5 phải chịu áp lực giao thông quá khả năng thiết kế, thường xuyên xảy ra ùn tắc vào giờ cao điểm. Vì vậy, Bộ GTVT quyết định dịch chuyển đường sắt để hoàn thiện nút giao thông này.