Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Động thái bất ngờ, séc hỗ trợ người Mỹ bị ra lệnh in tên TT Trump

Bộ Tài chính Mỹ bất ngờ ra lệnh in tên Tổng thống Donald Trump lên séc phát đến hàng chục triệu người Mỹ, động thái bị chỉ trích là chính trị hóa việc giải cứu kinh tế.

Tiết lộ với Washington Post, quan chức cấp cao Bộ Tài chính Mỹ cho biết quyết định chưa từng có tiền lệ được đưa ra vào cuối ngày 13/4.

Khi hàng chục triệu người Mỹ nhận séc (chi phiếu) 1.200 USD từ Cơ quan Thuế vụ (IRS) trong vài ngày tới, họ sẽ thấy dòng chữ "Tổng thống Donald J. Trump" được in trên đó.

Đây là lần đầu tiên trong lịch sử tên một tổng thống Mỹ xuất hiện trên chi phiếu do IRS phát hành. Chi phiếu này vốn thường là các khoản hoàn thuế thường kỳ và những lần chính phủ phát tiền cho người dân vì nền kinh tế suy thoái cần đòn bẩy hoặc nền kinh tế phát triển tốt nên người đóng thuế được hưởng lợi.

Washington Post chỉ trích Tổng thống Trump muốn gán ghép những biện pháp ứng phó đại dịch của ông với hàm ý chính trị.

Tien ho tro nguoi My se in ten ong Trump anh 1

Người dân Mỹ xếp hàng dài chờ đăng ký trợ cấp thất nghiệp tại Las Vegas, Nevada. Ảnh: AP.

Lệnh đột xuất

Theo tiết lộ của 3 quan chức chính phủ giấu tên, Tổng thống Trump bí mật đề nghị Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin bổ sung chữ ký của mình. Tuy nhiên, các quy định pháp luật tại Mỹ không cho phép tổng thống là người ký tên chi phiếu của Bộ Tài chính.

Thay vào đó, chữ ký phát hành phải từ một công chức khác để đảm bảo các khoản tiền đến tay người dân không mang tính đảng phái.

Giới chức Mỹ tiết lộ chi phiếu vẫn in tên Tổng thống Trump trong ghi chú ngay dưới dòng chữ "Chi trả Tác động Kinh tế". Chi phiếu được ký duyệt bởi một quan chức trong Cục Tài khóa, cơ quan trực thuộc Bộ Tài chính Mỹ.

Những người không có thông tin ngân hàng sẽ được IRS gửi chi phiếu qua đường bưu chính. Phần lớn trong số đó là người lao động có thu nhập thấp.

Khoảng 80 triệu người Mỹ nhận được tiền hỗ trợ qua chuyển khoản ngân hàng. Thông tin chuyển khoản không xuất hiện tên của tổng thống Mỹ.

Theo kế hoạch giải cứu, người nộp hồ sơ hoàn thuế các năm 2018 và 2019 với thu nhập dưới 75.000 USD/năm được hỗ trợ 1.200 USD. Cặp đôi đã kết hôn nhận ngân phiếu 2.400 USD. Người có gia đình được cấp thêm 500 USD cho mỗi người con dưới 17 tuổi.

Quyết định đưa tên ông Trump vào chi phiếu được chuẩn bị trong nhiều tuần qua, theo một quan chức của Bộ Tài chính Mỹ. Tuy nhiên, nhóm công nghệ thông tin của IRS đến ngày 14/4 mới nhận được thông báo. Họ đang phải chạy đua với thời gian để thay đổi lập trình.

Hai quan chức cấp cao trong IRS cho biết việc điều chỉnh có thể khiến thời điểm gửi lô chi phiếu đầu tiên bị trì hoãn. Theo đúng kế hoạch, thiết kế sẽ được gửi đến Cục Tài khóa vào ngày 16/4 để bắt đầu in ấn và phát hành.

"Bất kỳ đề nghị nào được đưa ra vào phút chót đều sẽ gây nên hiệu ứng từ trên xuống dưới và kéo theo trì hoãn", Chad Hooper, cựu quan chức IRS, cho biết.

Trong khi đó, một người đại diện của Bộ Tài chính Mỹ bác bỏ thông tin thời gian chuẩn bị phát hành chi phiếu tiếp tục kéo dài. Người này khẳng định kế hoạch ngay từ đầu là ngân phiếu được gửi đi trong tuần sau, đồng thời ca ngợi quá trình chuẩn bị của chính quyền Tổng thống Trump còn nhanh hơn đợt phát chi phiếu ứng phó suy thoái kinh tế năm 2008, dưới thời Tổng thống George W. Bush.

Tien ho tro nguoi My se in ten ong Trump anh 2

Tổng thống Trump tại buổi lễ ký duyệt gói 2.000 tỷ USD giải cứu nền kinh tế trước tác động từ đại dịch Covid-19. Ảnh: AP.

"Bán lẻ chính trị"

Chiến lược phát tiền hỗ trợ người dân là mảnh ghép quan trọng trong gói giải cứu kinh tế của chính quyền Mỹ, ứng phó các tác động từ đại dịch Covid-19. Khoảng 5 triệu chi phiếu sẽ được phát hành mỗi tuần, kéo dài đến tháng 9, bắt đầu với người lao động có thu nhập thấp.

Gói giải cứu kinh tế 2.000 tỷ USD nhận được sự ủng hộ của cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa ở lưỡng viện Mỹ. Ý tưởng phát tiền cho người đóng thuế không xuất phát từ Tổng thống Trump mà do hai Thượng nghị sĩ Josh Hawley và Mitt Romney của đảng Cộng hòa đề xuất.

Ban đầu, ý tưởng được Nhà Trắng ưu tiên là cắt giảm thuế quỹ lương. Trước những lo ngại người lao động Mỹ không nhận được lợi ích kịp thời từ giảm thuế, Nhà Trắng không còn xem đây là trọng tâm chiến lược giải cứu kinh tế.

Tổng thống Trump vẫn nhiều lần gọi đạo luật ứng phó tác động kinh tế của Covid-19 là "sáng kiến của chính phủ Trump".

Nhà lãnh đạo còn 6 tháng chuẩn bị cho ngày bầu cử. Chiến dịch vận động cử tri phải tạm hoãn. Nguy cơ lây nhiễm không cho phép ông tổ chức những buổi phát biểu hoành tráng. Giữa bối cảnh đó, những tấm chi phiếu giải cứu kinh tế đã "giải cứu" luôn chiến dịch tái tranh cử của Tổng thống Trump, mà như Washington Post mô tả là "hình thức bán lẻ chính trị mới".

Tiền hỗ trợ mùa dịch là phương tiện cụ thể nhất, giúp ông cho cử tri Mỹ nhìn tận mắt và sờ tận tay dấu ấn của mình, theo tờ báo này.

Một số nhân sự trong IRS và giới quan sát chỉ trích việc đưa tên ông Trump lên ngân phiếu mang nặng tính đảng phái, trong khi cơ quan này từ sau thời của Tổng thống Richard Nixon luôn giữ khoảng cách với những vấn đề chính trị.

"Thuế đáng lẽ phải phi chính trị. Hành động này là chưa từng có tiền lệ", Nina Olson, cựu lãnh đạo cơ quan Bảo vệ Người đóng thuế Toàn quốc của IRS, chia sẻ.

Vào năm 2001, chính phủ Tổng thống George W. Bush từng phát chi phiếu với giá trị từ 300-600 USD cho người đóng thuế, một hình thức chia sẻ "cổ tức" từ nền kinh tế phát triển mạnh mẽ.

IRS được yêu cầu gửi kèm thư ngỏ của Nhà Trắng đến người dân Mỹ trong đó có dòng nhận công "trả lại tiền cho quý vị". Lãnh đạo IRS khi đó thẳng thừng từ chối vì động thái quá nặng tính chính trị, theo Olson.

Cựu quan chức IRS Chad Hooper cũng đánh giá động thái của Bộ Tài chính Mỹ đã "lạm dụng nguồn lực chính phủ".

"Giữa giai đoạn đang cần bổ sung nguồn lực, chúng ta không thể ủng hộ bất kỳ động thái nào gây mất tập trung trong việc phát hành chi phiếu hay cản trở thực thi luật thuế một cách công bằng và bình đẳng", ông nhấn mạnh.

Phóng viên hỏi TT Trump: Ông làm gì suốt tháng 2 để ngăn dịch? Trong một cuộc họp báo mới diễn ra, Tổng thống Donald Trump giận dữ với những người chỉ trích cách chính phủ ứng phó với dịch Covid-19.

Nhân viên casino Las Vegas thất nghiệp sau 4 thập kỷ vì virus corona

Đại dịch Covid-19 đã khiến những sòng bạc hào nhoáng ở Las Vegas trở nên vắng bóng người, hàng chục nghìn nhân viên mất việc và Las Vegas trông như “thành phố ma”.

17 triệu người Mỹ thất nghiệp vì Covid-19

Kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát, ngày càng có nhiều người Mỹ khai thất nghiệp để đăng ký nhận trợ cấp từ chính phủ.

ILO: Đại dịch Covid-19 sẽ gây ra khủng hoảng thất nghiệp

Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) cảnh báo đại dịch Covid-19 sẽ dẫn đến nạn thất nghiệp và suy giảm việc làm trên toàn cầu và kêu gọi các chính phủ thiết kế các gói cứu trợ.

Thanh Danh

Bạn có thể quan tâm